Những chính sách điều hành quan trọng tác động ra sao đến ngành ngân hàng trong năm 2017?

14/12/2017 14:17 PM | Kinh tế vĩ mô

Mới đây, Công ty chứng khoán ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBS) công bố báo cáo phân tích lần đầu về ngân hàng TMCP Tiên phong. Công ty này cũng có những phác thảo cơ bản về ngành ngân hàng năm 2017.

Giải quyết triệt để nợ xấu thông qua Nghị định 61/2017/NĐ-CP và Nghị quyết 42/2017/QH14

Nghị quyết 42/2017/QH14 và Nghị định 61/2017/NĐ-CP được ban hành trong quý II/2017, chính thức khai thông những điểm tắc nghẽn về nợ xấu tồn đọng trong hệ thống ngân hàng nhiều năm qua. Nghị quyết 42 trao quyền thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu cho bên được đảm bảo và các tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, trong khi Nghị định 61 hướng dẫn và quy định về việc thẩm định giá và bán đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo.

Trước đây, quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các TCTD sau khi nợ xấu hình thành không được thực hiện vì mâu thuẫn với Bộ luật dân sự, và chưa có văn bản pháp luật nào khác quy định về việc này. Với sự ra đời của Nghị quyết 42, có thể kỳ vọng các ngân hàng sẽ nhanh chóng giải quyết và thanh lý nợ xấu trong khoảng thời gian 5 năm Nghị quyết có hiệu lực, nhanh chóng quay vòng vốn để tiếp tục đẩy vốn tín dụng ra nền kinh tế, cải thiện chất lượng tài sản và lợi nhuận kinh doanh.

Hướng tới tiêu chuẩn quản lý rủi ro quốc tế Basel II thông qua Thông tư 41/2016/TT-NHNN

Thông tư 41 được ban hành vào thời điểm cuối năm 2016, hướng dẫn chi tiết về cách tính tỷ lệ an toàn vốn hoạt động (CAR) dựa trên tiêu chuẩn quản lý rủi ro quốc tế Basel II. Trước đó, NHNN có chủ trương triển khai thử nghiệm Basel II tại các ngân hàng thương mại lớn từ cuối năm 2017. Đây là một tiêu chuẩn khá khắt khe đối với hệ thống ngân hàng trong thời điểm hiện tại, đặc biệt là với 2 ngân hàng lớn là BIDV và Vietinbank, do hai ngân hàng này hiện đang gặp hạn chế về vốn tự có. 

Thông tư 41 sẽ có hiệu lực từ năm 2020, và cho phép các ngân hàng được chủ động đăng ký áp dụng sớm tiêu chuẩn này trước thời hạn. Như vậy, các ngân hàng hiện chưa đáp ứng được tiêu chuẩn CAR theo Basel II sẽ có thêm 2 năm để tăng cường vốn tự có. Và như vậy, hạn chế đối với việc tăng trưởng tín dụng và tổng tài sản tạm thời được gỡ bỏ.

Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2016-2020 thông qua Quyết định 1058/QĐ-TTg

Ngày 19/7/2017, NHNN đã ban hành 2 Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020". Trong đó nội dung mới nổi bật là chỉ đạo về việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, do NHNN, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng phối hợp sắp xếp nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn hoạt động cho các ngân hàng trên tuân thủ tiêu chuẩn Basel II trước năm 2020.

Trước đây, ba ngân hàng thương mại lớn do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ gồm Vietcombank, BIDV và Vietinbank luôn phải chịu áp lực trả cổ tức tiền mặt để bổ sung ngân sách Nhà nước hàng năm, do đó không còn nguồn lợi nhuận giữ lại để bổ sung vốn điều lệ, dẫn đến khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng và tài sản do phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Nhà nước. Do vậy, Quyết định 1058 là thông tin rất tích cực đối với việc tăng vốn cấp 1 của 3 ngân hàng trên.

Hỗ trợ giảm lãi suất thông qua Quyết định 1424/QĐ-NHNN và 1425/QĐ- NHNN

Ngày 7/7/2017, NHNN đã ban hành hai Quyết định 1424 và 1425 về việc điều chỉnh giảm lãi suất, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7/2017. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu và lãi suất qua đêm liên ngân hàng được giảm 0,25% xuống còn các mức tương ứng 6,25%, 4,25% và 7,25%/năm. Đồng thời, trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN giảm 0,5%.

Như vậy, NHNN đã tạo điều kiện để nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ ngành ngân hàng gia tăng tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. 5 lĩnh vực ưu tiên theo Thông tư 39 gồm có:

a) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

b) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;

c) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;

d) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;

đ) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM