Những câu chuyện kiến tạo xã hội số của Viettel ở Sao Khuê 2020
Khép lại lễ trao giải Sao Khuê 2020 với chủ đề “Xung kích chuyển đổi số - Kết nối và Chia sẻ”, đã có 112 sản phẩm được trao tặng danh hiệu. Tập đoàn Viettel “đại thắng” năm nay khi có tới 21 sản phẩm đạt giải, tăng gần gấp đôi số lượng sản phẩm đạt giải so với năm 2019.
Đây là năm Viettel có số lượng sản phẩm tham dự và đạt giải cao nhất từ trước đến nay. Trong Top 10, Viettel cũng chiếm 2 giải. Tuy nhiên, điều thú vị là nếu phân tích kỹ các sản phẩm đoạt giải năm nay của Viettel, có thể thấy "sự trùng hợp ngẫu nhiên" với các nỗ lực kiến tạo xã hội số của doanh nghiệp này.
Khi Thủ tướng có thể ký Quyết định và ban hành qua mạng
Ở tầm quốc gia, những sản phẩm của Viettel là phương tiện chính để đưa một Chính phủ điện tử, Chính phủ số đi vào hoạt động, tạo ra những cải cách vượt bậc trong hoạt động điều hành, phối hợp và phục vụ nhân dân.
Viettel e-Cabinet - Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ được chính thức đưa vào sử dụng vào tháng 6/2019 - là hệ thống duy nhất và đầu tiên tiếp cận, phục vụ cho tất cả các thành viên Chính phủ sử dụng hàng ngày. Với Viettel e-Cabinet, Chính phủ có thể họp hoàn toàn phi giấy tờ và biểu quyết sử dụng ký số điện tử của Ban Cơ yếu Chính phủ trên các thiết bị di động.
Không chỉ vậy, ngay trong phiên họp, Thủ tướng có thể ký Quyết định để ban hành qua mạng và ngay lập tức, Quyết định được chuyển tới tất cả các Bộ, địa phương. Theo tính toán, hệ thống này vận hành hiệu quả có thể giúp Chính phủ giảm ít nhất 30% thời gian các phiên họp. Chính vì thế, Viettel e-Cabinet được xem là sản phẩm lịch sử, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc xây dựng xây dựng một Chính phủ không giấy tờ, hướng tới một Chính phủ số.
Trước Viettel e-Cabinet thì hệ thống vOffice được triển khai cho Văn phòng Chính phủ từ năm 2012 đã thực hiện được một cuộc cải cách hành chính với quy trình xử lý điện tử toàn trình từ đầu vào là văn bản đến và kết thúc với đầu ra là văn bản phát hành, gửi đến các cơ quan bên ngoài hoàn toàn trên hệ thống.
Đến nay, vOffice đã giúp Văn phòng Chính phủ xử lý hơn 2 triệu văn bản đến và phát hành hơn 400.000 văn bản mới mỗi năm. Thời gian xử lý văn bản nhanh hơn xử lý văn bản giấy gấp hơn 5 lần, giúp tiết kiệm 1.100 tỷ đồng chi phí hành chính mỗi năm.
Một sản phẩm khác của Viettel đạt giải Sao Khuê 2020 được đánh giá là "tăng tốc" cho hoạt động ngoại thương chính là hệ thống Một cửa quốc gia.
Thay cho những bộ hồ sơ bằng giấy cồng kềnh, mất thời gian vận chuyển thì các chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan, cũng như quy trình phê duyệt với các cơ quan chức năng đã được số hóa. Nhờ vậy, việc thông quan hàng hoá, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện đơn giản, tiết kiệm thời gian hơn trước rất nhiều.
Từ khi đưa Hệ thống một cửa quốc gia vào sử dụng đến nay, tổng số tiền tiết kiệm được ước tính khoảng 4,55 tỷ USD.
Cụ thể, theo thống kê, nhờ hệ thống này, thời gian thực hiện thủ tục thông quan đã giảm từ 7 – 8 ngày, doanh nghiệp tiết kiệm được 2.000 USD tiền lưu kho cho mỗi lô hàng hoá theo ngày. Việc đẩy nhanh được hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nhờ cơ chế này cũng góp phần quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập của doanh nghiệp nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tính từ khi đưa Hệ thống một cửa quốc gia vào sử dụng đến nay, tổng số tiền tiết kiệm được ước tính khoảng 4,55 tỷ USD, tương ứng 106,9 nghìn tỷ đồng. Hệ thống này cũng đã kết nối chính thức cơ chế một cửa ASEAN với 6 nước (gồm: Brunei, Campuchia, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan) và dự kiến mở rộng kết nối với nhiều tổ chức thương mại quốc tế khác.
Và những giải pháp đột phá mới cho doanh nghiệp
Ở quy mô ngành, doanh nghiệp, những sản phẩm đạt giải Sao Khuê của Viettel đã đem lại những giải pháp mới mẻ giúp nâng cao hiệu suất làm việc, mở ra những thị trường mới, đồng thời bảo đảm an toàn cho môi trường làm việc số.
Có thể kể đến Viettel Cyber Callbot – Tổng đài trả lời tự động đầu tiên trả lời bằng tiếng Việt. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Callbot có thể trả lời và "cư xử" với người đối thoại như một con người thực, có thể thay thế dần điện thoại viên trong các nghiệp vụ hỗ trợ gọi đến, gọi đi của doanh nghiệp.
Nhờ Cyber Callbot, doanh nghiệp có thể tối ưu chi phí nhân sự online thường xuyên, thúc đẩy cơ hội tiếp cận khách hàng và đẩy mạnh khả năng cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Đồng thời, Cyber Callbot giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian và có thể thiết kế linh hoạt các nội dung quảng cáo, chăm sóc cho từng phân khúc khách hàng.
Viettel Cyber Callbot là Tổng đài trả lời tự động đầu tiên trả lời bằng tiếng Việt. Helo: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Callbot này có thể trả lời và "cư xử" với người đối thoại như một con người thực,
Bắt kịp xu hướng quà tặng điện tử, Viettel Solutions cho ra đời E-Gift - sản phẩm chăm sóc khách hàng, cung cấp giải pháp về quà tặng, cho phép doanh nghiệp kết nối để tặng quà/tài trợ cho các khách hàng trên nền tảng online, với các quà tặng chủ chốt ban đầu là các gói data chất lượng cao.
Một sản phẩm khác, Viettel IDC StartDB là dịch vụ cơ sở dữ liệu điện toán đám mây đầu tiên "Make in Vietnam", giúp các doanh nghiệp triển khai một hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu hoàn toàn tự động một cách nhanh chóng. Thay vì phải mua máy chủ và có nhân sự vận hành cơ sở dữ liệu, doanh nghiệp chỉ cần thuê cấu hình phù hợp, có thể thay đổi theo nhu cầu và được tối ưu.
Trong suốt quá trình sử dụng dịch vụ, doanh nghiệp không phải lo về việc vận hành, vá lỗi an toàn thông tin hay backup, dự phòng thảm họa hay xử lý các lỗi treo server, corrupt ổ đĩa... Họ chỉ cần kết nối với ứng dụng và sử dụng cơ sở dữ liệu của mình.
Tuy nhiên, khi cả thế giới thúc đẩy chuyển đổi số thì vấn đề cần quan tâm không chỉ là ứng dụng số trong các lĩnh vực, hoạt động mà vấn đề quan trọng hơn nữa là bảo mật và an ninh mạng.
Theo CyStack Attack Map, Việt Nam là một trong những quốc gia có nguy cơ bị tấn công mạng cao trên thế giới, xếp thứ 11 trên toàn cầu về số lượng vụ tấn công website năm 2019 với khoảng 9.300 website bị xâm phạm.
VCS – thành viên của Tập đoàn Viettel là doanh nghiệp Việt duy nhất tham gia cuộc đua hệ thống giám sát an ninh mạng, vốn bị thống trị bởi những hãng công nghệ nước ngoài. Và VCS-CyM là giải pháp giám sát an ninh mạng duy nhất "Make in Vietnam" - được xây dựng và phát triển 100% bởi các kỹ sư người Việt, dựa theo nhu cầu của các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Toàn bộ công nghệ đều do Viettel làm chủ.
Ngoài VCS-CyM thì VCS cũng đưa ra giải pháp bảo vệ website Cloudrity được phát triển từ năm 2017, chính thức thương mại hóa tháng 2/2019. Đây là sản phẩm được phát triển trên nền điện toán đám mây, giúp chia sẻ rủi ro, giảm giá thành và đơn giản hóa dịch vụ.
Nhận xét về các sản phẩm của Viettel tham gia và đoạt giải Sao Khuê năm nay, ông Nguyễn Việt Hải – Phó Viện trưởng Viện KHCN VINASSA, Giám đốc Công ty Phát triển phần mềm và Đào tạo (eDT) nói: "Tôi nghĩ Viettel đầu tư khá tốt cho nghiên cứu phát triển. Những năm gần đây, họ trẻ hóa đội ngũ và thu hút được nhiều tài năng công nghệ làm việc ở Việt Nam, kể cả những người tốt nghiệp tiến sĩ nước ngoài về. Họ làm chủ công nghệ, tương tác, giao lưu với tri thức nước ngoài tốt, nhìn được vấn đề mới và đầu tư đúng hướng. Càng đầu tư đúng hướng thì sản phẩm càng hoàn thiện nên đạt giải là chuyện không có gì ngạc nhiên".
Nhìn lại, các sản phẩm đạt giải Sao Khuê của Viettel trải rộng ứng dụng từ tầm vĩ mô đến vi mô. Có thể ra đời từ nhu cầu nội bộ, có thể xuất phát từ "đặt hàng" của Chính phủ, của doanh nghiệp, nhưng các sản phẩm của Viettel đã thiết lập nên những cách thức làm việc mới, mở ra cách tư duy mới trong lao động và xây dựng sản phẩm cho doanh nghiệp. Thực tế, các sản phẩm này đã chứng minh hiệu quả không thể phủ nhận đối với việc tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng năng suất lao động.
Với những giá trị này, 21 "ngôi sao Khuê" của Viettel đã và đang góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số để tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.