Những “bóng ma” vô gia cư ở Tokyo
Có khoảng 1.500 người vô gia cư trong khu vực Tokyo mở rộng. Đây là con số đáng báo động với chính phủ Nhật.
Từng là trưởng nhóm phát triển sản phẩm tại một công ty lớn của Nhật, Natsuyo Tokoda không bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày cô bị lâm vào cảnh không nhà và phải đi xin ăn từng bữa.
Sinh ra trong một gia đình bình thường ở Tokyo, cô cũng học đại học rồi đi làm như bao cô gái khác, tuy nhiên cha cô ốm rồi đến lượt mẹ cô ốm cần người chăm sóc đã khiến cô phải nghỉ việc ở nhà và dồn mọi tài sản để chữa bệnh cho cha mẹ.
Cha mẹ cô lần lượt qua đời, còn cô ngày một khánh kiệt. Cuối cùng, người chủ thuê nhà đã đuổi cô ra khỏi nhà sau khi cô không trả được tiền thuê nhà 2 tháng liên tiếp.
Ở độ tuổi 46, Natsuyo không có hy vọng kiếm được việc làm bởi cô đã quá già và nghỉ việc đã gần 10 năm, các kỹ năng kiến thức đã mất hết. Cuộc đời của một trưởng nhóm phát triển sản phẩm giờ đây là chuỗi ngày lang thang góc này phố khác, nơi trú chân mỗi đêm là các nhà ga lớn.
Ở trong tình cảnh khốn khó như vậy nhưng Natsuyo lại không có đủ điều kiện để xin vào ở nhà xã hội của chính phủ, họ tính toán rằng cô có nghề nghiệp và từng có tài sản nên không được phép vào đây ở.
Từ câu chuyện của Natsuyo, rõ ràng, có một sự vênh nhau giữa số liệu thống kê của chính phủ và thực tế. Những người vô gia cư tại Tokyo từng được nhiều nhà báo nước ngoài gọi là những bóng ma bởi họ cố gắng trú ẩn vào ban ngày và chỉ ra ngoài khi màn đêm buông xuống.
Trong thông báo mới nhất từ chính phủ Nhật, các nỗ lực giải quyết tình trạng không nhà cửa của chính quyền Tokyo đã mang lại nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên giới phân tích chỉ trích rằng cách thống kê của chính phủ có vấn đề và khẳng định thực tế tồi tệ hơn như thế nhiều.
Tokyo công bố số người vô gia cư tại Tokyo, phải sống tại công viên, lề đường và các nhà ga tàu trong 23 quận của Tokyo mùa đông năm 2015 là 744, thấp hơn 34 người so với mùa đông trước đó. Tokyo thường thu thập số liệu vào mùa hè và mùa đông hàng năm.
Chính quyền Tokyo khẳng định họ đã giúp được nhiều người vô gia cư tìm được việc làm, ví như quét dọn hay bảo vệ, chính vì vậy số người vô gia cư giảm sâu. Tuy nhiên số người vô gia cư không giảm đồng đều tại tất cả các khu vực. Tại những khu vực kinh doanh mua bán sầm uất nhất như Shibuya hay Shinjuku, số lượng người vô gia cư tăng đột biến.
Trong khi đó, số lượng người vô gia cư trong khu vực Tokyo mở rộng tăng lên con số 1.473.
Theo ông Takuya Kitabatake, người đứng đầu Tổ chức nghiên cứu và hỗ trợ người vô gia cư (ARCH), con số 1.500 người vô gia cư thực sự đáng báo động và chính phủ Nhật thực sự cần phải sớm hành động quyết liệt để giải quyết tình trạng trên.
Cùng lúc với khi chính quyền Tokyo tiến hành khảo sát về người vô gia cư, tổ chức ARCH cũng thực hiện cuộc khảo sát riêng, và con số thống kê tại riêng 3 quận Shibuya, Shinjuku và Toshima đã cho thấy 671 người đang sống trong cảnh không có nhà ở.
Tuy nhiên ARCH khẳng định con số thực tế còn lớn hơn thế gấp nhiều lần. Kết quả khảo sát cho thấy những người lang thang tại các khu vực này ban ngày không giống với ban đêm. Nhiều người cố gắng ẩn mình vào ban ngày vì sợ người quen cũ nhìn thấy họ.
Cũng theo ARCH, có đến hơn 700 người trú chân tại các khu vực ven sông vào ban ngày, chỉ đến đêm họ mới vào các nhà ga để ngủ.
Cách đây 1 thập kỷ, tại Nhật có khoảng 25 nghìn người vô gia cư, và khoảng 1/5 trong số đó sống ở Tokyo. Cuộc khủng hoảng kinh tế thập niên 1990 đã khiến số người vô gia cư tại Nhật tăng gấp đôi chỉ sau 5 năm. Dù những con số ước tính gần đây cho thấy, số lượng người vô gia cư giảm, nhưng không ai có thể chắc chắn với những vấn đề kinh tế hiện tại, số lượng người vô gia cư có thể tăng chóng mặt trong thời gian tới.
Khoảng 95% số người vô gia cư tại Nhật là đàn ông trung niên. Nguyên nhân chính đằng sau tình trạng này chính là việc xã hội Nhật coi trọng và muốn đàn ông kiếm tiền. Chính vì vậy, các công ty thường ưu tiên tuyển dụng nam thanh niên trẻ tuổi.
Cho đến trước thập niên 1990, Nhật gần như không có người vô gia cư, nhưng họ đã lâm vào cảnh khốn cùng do các đợt khủng hoảng kinh tế liên miên trong thập niên này. Tại Osaka, sự suy thoái của ngành xây dựng khiến hàng nghìn công nhân xây dựng không có việc làm.
Theo các số liệu thống kê chính thức, Osaka có khoảng 7.700 người vô gia cư trên đường phố và hơn 10 nghìn người khác đang sống lang bạt mà cơ quan thống kê không thể tìm hiểu được hết. Thế nhưng sẽ hiếm khi bạn có thể nhìn thấy họ trên phố, họ thường ẩn mình tại các khu vực ngoại ô xa và đến buổi tối mới vào thành phố kiếm các nhà ga để ngủ đêm.
Đã có nhiều tổ chức xã hội đứng ra tổ chức các hoạt động thiện nguyện, nấu cơm cho người vô gia cư ăn mà chỉ thu mỗi tháng 1 nghìn yên, tức 200 nghìn đồng Việt Nam. Và dù các con số từ chính phủ cho thấy số người vô gia cư giảm thì các tổ chức này lại cho biết, số lượng người đến xin đóng tiền để được ăn cơm ở nơi họ tăng gấp đôi chỉ sau 1 năm.