Những “biết tuốt” dở hơi

25/11/2016 14:20 PM | Sống

Người Việt Nam ta còn không hiểu được câu “nhân vô thập toàn”, lúc nào cũng mướt mải trong bi kịch tìm bằng được những viên ngọc không vết...

Cô kỹ sư nọ chơi “Ai là triệu phú” trên VTV3 không biết El Nino và canh X nấu với nguyên liệu Y, liệu có phải chuyện lớn? Xin thưa, chả có gì là lớn, chưa đến mức nghiêm trọng. Thời đại google, không biết thì tra, không nấu được món canh đó thì đi ăn nhà hàng, nếu mình đủ tài để kiếm sống, thu nhập đủ để ăn món đó ở nhà hàng. Thời đại bình quyền, đừng bắt nữ nhân phải biết hết các món ăn. Đã để họ tham gia công tác, hoạt động xã hội, thì khó học hết cả nữ công gia chánh kiểu cũ. Nơ-ron thần kinh, thời gian, sao đủ.

Mặt khác, đó không phải là cô ấy không biết, mà là chưa biết. Chưa chuyển thành đã trong thời đại này rất dễ, chỉ cần hỏi “ông Gúc”. Quan trọng hóa chuyện đó, coi những người không biết những điều đó là kém cỏi, là tàn dư của lối tư duy cũ, cứ đòi người ta phải biết tuốt, biết tuốt mới là giỏi giang. Xin thưa, cuộc đời có bao nhiêu mà hững hờ, nạp hiểu biết trên trời dưới biển vừa thôi. Cô gái ấy nếu rỗng kiến thức của công việc cô ấy đang làm thì mới đáng chê trách.

Chưa biết canh cua nấu với rau đay, nhưng có khi cô ấy lại biết nhiều món khác thì sao? Chưa biết El Nino, lĩnh vực ngoài chuyên môn của cô ấy, nhưng cô ấy lại biết về từ thông, về bán dẫn, thì sao? Chưa biết El Nino vì không phải chuyên ngành của cô ấy, nhưng giờ cô ấy sẽ tra và biết. Biết tuốt làm gì. Thời đại google, biết tuốt khéo lại thành ra dở hơi. Shelork Holmes, thám tử lừng danh, biết mọi thứ cho công việc của mình, nhưng kiến thức chính trị thì rất kém. Vậy anh ta là người không thông minh chăng? Hay đa phần chúng ta kém thông minh hơn anh ấy?

Người Việt Nam ta còn không hiểu được câu “nhân vô thập toàn”, lúc nào cũng mướt mải trong bi kịch tìm bằng được những viên ngọc không vết, tìm bằng được sự toàn mỹ. Cứ lấy những games show như “Đường lên đỉnh Olympia” làm thước đo tài năng. Đó là trò chơi thôi, ai đọc nhiều, nhớ gạo nhiều lĩnh vực thì thắng. Chả có ích gì cho khoa học, nếu ta cố gắng để cái gì cũng biết như thế. Mà nói với người nước ngoài là “Tớ đoạt giải “Đường lên đỉnh Olympia” nên được học bổng sang đây”, người ta trố mắt đấy, vì chả biết đỉnh Olympia là ở đâu – ai đọc “Thần thoại Hy Lạp” cũng biết là chả có đỉnh nào là đỉnh Olympia cả, chỉ có đỉnh (núi) Olympus (tiếng ta dịch là Ô-lanh-pơ, Ô-lim-pơ, qua ngả tiếng Pháp). Olympia là đồng bằng. Leo “lên” một mảnh đất bằng!

Chính vì tư duy coi những người biết tuốt, biết cả những thứ chả cần biết, là vĩ đại, mà dẫn đến trường học bắt học cả những kiến thức vô bổ (vô bổ vì ra đời sẽ không dùng đến). Nếu các em ấy không theo ngành cần toán, thì học đạo hàm, tích phân làm gì. Nếu các em ấy không theo ngành văn thì cần biết năm sinh của ông Vũ Đào, tác giả truyện ngắn “Cái vườn đá” làm gì. Các em không biết được hết các thứ thì lại kêu giời lên là các em học lệch. Thời gian đâu, đầu óc đâu mà nhồi hết các kiến thức trong sách giáo khoa phổ thông, tất yếu phải quay cóp, học trò quay cóp, giáo viên làm ngơ. Để các em còn tốt nghiệp mà ra đời sống chứ, không có tấm bằng tốt nghiệp phổ thông thì lại siêu khó tìm việc. Công việc thì lại chả liên quan đến đạo phân, tích hàm…

Nếu cần thì sau này ra đời các em tự bồi bổ thêm qua các kênh khác, chứ sao lại bắt các em nhớ đủ thứ, để thỏa mãn tư duy rằng, biết đủ thứ mới là tài giỏi. Trước đây, có lần một tạp chí gọi là Kiến thức Ngày nay tổ chức thi “kiến thức” cho độc giả. Người đoạt giải nhất là một anh bán báo. Nghề chỉ có mỗi việc ngồi bán báo, tranh thủ đọc thôi mà. Hẳn anh ta tài hơn Sơ-lốc Hôm? Khi còn nhỏ, đọc báo Việt Nam, biết tin các cuộc thăm dò ở Anh, Pháp, Mỹ… cho thấy tỷ lệ thanh niên các nước đó không biết nước A ở châu B, tỉnh C có khoáng sản D… thấp (đó là sự thật), tôi lấy làm khinh họ lắm, hả hê rằng mình có tri thức hơn hẳn họ, rằng nước mình văn minh hơn hẳn nước họ!

Cứ đằng thẳng ra, bắt các em học hết, thì thời gian đâu để các em học kỹ năng sống? Thời gian đâu các em học bơi để chống đuối nước? (tất nhiên có những cháu làm được hết các thứ, nhưng đó là siêu thiểu số thôi).

Cải cách giáo dục, giảm mạnh việc dạy thêm tốn tiền và thời gian tâm lực của trẻ em và gia đình, là việc không khó làm: Cắt giảm 50% lượng “kiến thức” trong sách giáo khoa hiện nay (nhiều hơn càng tốt), khi các em lên cấp 3, có định hướng nghề nghiệp. Phân ban là rất nên. Cắt giảm những tích phân, đạo hàm đối với các em theo nghề phi tự nhiên, cắt giảm những số liệu ngày tháng năm lịch sử cụ thể với các em theo nghề tự nhiên. Nhớ cơ học làm gì, học để làm người, để thành nhân, không phải để thành cuốn từ điển bách khoa. Cắt giảm như thế, để trẻ em chỉ cần đầu tư ít thời gian cũng học được hết. Như thế các em sẽ không phải đi học thêm, hoặc rất ít. “Kiến thức” (tôi cho vào nháy nháy vì đa phần là những thứ vô bổ, hoặc tra cứu dễ dàng) ít thế, thì cầu học thêm giảm đi, cung cũng sẽ giảm. Các thầy cô giáo nào muốn ép học sinh đi học thêm cũng sẽ khó hơn,vì học sinh đáp ứng được yêu cầu bài vở một cách dễ dàng. Trẻ có thêm thời gian chơi, chơi cũng chính là học: đến bảo tàng, ra sân vận động… Đó là việc nền giáo dục cần làm./.

Theo Tạ Quang Đông

Cùng chuyên mục
XEM