Những bê bối nâng giá xét nghiệm Covid-19 gây phẫn nộ: Người Mỹ từng phải bỏ ra 6.900 USD cho 1 lần xét nghiệm, doanh nghiệp Ấn Độ tăng giá 140%
Không riêng gì Việt Á, bê bối nâng giá xét nghiệm Covid-19 còn xảy ra ở rất nhiều quốc gia trên thế giới.
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 khiến câu chuyện xét nghiệm trở nên phổ biến khắp thế giới. Thế nhưng nhiều cá nhân, tổ chức lại đứng ra trục lợi từ những bộ xét nghiệm như thế này. Theo tờ The Guardian, rất nhiều công ty tư nhân đã cung cấp dịch vụ xét nghiệm đắt đỏ cho khách hàng trước khi lên máy bay hay nhập cảnh, qua đó trục lợi bất chính.
Điều trớ trêu là chính phủ các nước có rất ít hệ thống giám sát mảng xét nghiệm này và chẳng có một cơ quan nào kiếm tra xem liệu giá xét nghiệm có thực sự đúng hay chưa.
Tờ New York Times cho biết giá xét nghiệm tại Mỹ đã từng có thời điểm lên đến 6.900 USD vào đỉnh dịch. Mọi người đều lầm tưởng rằng đại dịch bùng nổ khiến cung không đủ cầu khiến giá đi lên, nhưng trên thực tế 2 năm đã trôi qua kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và công nghệ sản xuất bộ xét nghiệm đã hoàn thiện rất nhiều.
Tại Trung Quốc, giá xét nghiệm chỉ vào khoảng 80 Nhân dân tệ, tương đương 12 USD/người. Thậm chí tại một số nơi như thủ đô Bắc Kinh, thành phố Thiên Tân... giá xét nghiệm đã giảm xuống chỉ còn 20 Nhân dân tệ, tương đương 3,11 USD/người. Giá xét nghiệm tại một số nơi như Shaanxi hay Fujian thậm chí chỉ còn 15 Nhân dân tệ, tương đương 2,33 USD/người.
Dẫu vậy, rất nhiều vụ khai khống hay gian lận xét nghiệm vẫn xảy ra trên khắp thế giới trong bối cảnh mọi người phải dồn sức dập dịch Covid-19.
Nâng giá 140%
Theo tờ NDTV, chính phủ Ấn Độ đã tạm ngừng việc thanh toán mua bộ xét nghiệm nhanh của Trung Quốc do nghi ngờ kết quả không thực sự chính xác. Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm là câu chuyện nâng khống giá của những nhà nhập khẩu, phân phối Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đang phải chung tay chống dịch.
Cụ thể, bang New Delhi thông qua Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR) đã đặt hàng mua bộ xét nghiệm dịch Covid-19 của hãng Guangzhou Wondfo, được nhập khẩu bởi hãng Matrix-Ấn Độ. Tuy vậy thay vì mua với giá nhập khẩu 245 Rupee/bộ, chính quyền bang lại phải thanh toán 600 Rupee/bộ cho 2 nhà phân phối là Real Metabolics và Aark Pharmaceuticals, tương đương mức nâng giá 140%.
Câu chuyện vẫn sẽ trót lọt cho đến khi bang Tamil Nadu-Ấn Độ cũng nhập khẩu bộ xét nghiệm thông qua Matrix với giá 600 Rupee, thế nhưng lần này là nhà phân phối Shan Biotech.
Quá cay cú vì bị Matrix vượt mặt, ngay lập tức Real Metabolics đã kiện ra tòa vì cho rằng họ mới là nhà phân phối độc quyền cho những bộ xét nghiệm nhập khẩu bởi Matrix. Đồng thời, Real Metabolics cũng cáo buộc Matrix thông đồng với Shan Biotech vi phạm thỏa thuận đã ký trước đó.
Bước đi này của Real Metabolics chẳng khác nào đòn phá hoại với mảng nâng giá xét nghiệm bởi chúng khiến các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Theo đó, chỉ khoảng 5,4% số bộ xét nghiệm nhập khẩu bởi Matrix đã được sử dụng là cho kết quả chính xác, còn lại đều lỗi. Tệ hơn, sự việc nâng giá bị phanh phui và Tòa án đã yêu cầu các bên hạ giá xét nghiệm xuống mức hợp lý.
Bê bối 173 triệu USD
Nếu như tại Ấn Độ, câu chuyện nâng giá bị vỡ lở bởi sự ganh ghét của các nhà phân phối thì tại Philippines, dư luận lại xôn xao vì việc chính phủ trả 173 triệu USD mua thiết bị vật tư y tế từ một nhà thầu Đài Loan đang bị truy nã.
Theo tờ SCMP, chính phủ Philippines đã trao cho hãng Pharmaclly Pharmaceutical Corporation (PPC) hợp đồng mua thiết bị vật tư trị giá đến 8,7 tỷ Peso, tương đương 173 triệu USD trong khoảng tháng 3/2020-7/2021.
Điều đáng nói ở đây là ông chủ Huang Tzu Yen của PPC đã bị văn phòng công tố Đài Loan điều tra từ tháng 8/2020 và thậm chí bị truy nã quốc tế từ tháng 12/2020 vì tội gian lận chứng khoán. Thế nhưng chính phủ Philippines vẫn trả tiền nhập khẩu cho công ty này suốt nhiều tháng sau đó.
Lần gần nhất chính phủ Philippines thực hiện hợp đồng là vào tháng 6-7/2021 với 2 đơn hàng trị giá 774 triệu Peso và 1 tỷ Peso cho các bộ xét nghiệm, bất chấp việc ông chủ PPC đang chạy trốn truy nã.
Nhiều nghị sĩ đã đặt câu hỏi khi chính phủ trao quyền mua vật tư cho một công ty chẳng mấy tiếng tăm, thậm chí còn chẳng có doanh số nào trong năm đầu tiên hoạt động.
Theo SCMP, PPC đã nâng giá bán cho chính phủ Philippines ở rất nhiều danh mục. Ví dụ khẩu trang với giá chỉ 5 Peso được bán với giá 13-27 Peso.
"Có vẻ ngài thứ trưởng Lloyd Christopher Lao của Bộ ngân sách, người phụ trách việc mua sắm này đã quên tra Google trước khi ra quyết định", nghị sĩ Risa Hontiveros mỉa mai khi bình luận về các bằng chứng cho thấy có sự tham nhũng và trục lợi trong hợp đồng mua bán này.