Những bất ngờ trong cuộc đua tỷ đô trên bầu trời Việt của Vietnam Airlines và Vietjet Air
Từ 32 tỷ đồng trong năm 2013, lợi nhuận sau thuế của VJA năm 2015 tăng 36 lần, đạt 1.171 tỷ đồng, tức là đã lớn hơn cả lợi nhuận của VNA. Mức lợi nhuận cho mỗi cổ phiếu ở năm này đạt hơn 8.100 đồng.
4, 5 năm trước đây, khi nhắc đến các hãng hàng không tại Việt Nam, người ta chỉ nhớ đến Vietnam Airlines – hãng hàng không Quốc gia Việt Nam do vị thế có thể nói là độc quyền trong ngành. Nhưng ngày nay, cái tên Vietjet Air – một hãng hàng không tư nhân đã trở nên nổi bật hơn. Không chỉ bởi chiến lược marketing đặc sắc và màu đỏ biểu tượng rực rỡ của họ, cũng không chỉ bởi họ hoạt động trong phân khúc giá rẻ khiến cho những người bình dân cũng tiếp cận được, mà còn bởi vì tốc độ tăng trưởng vô cùng ấn tượng về doanh thu và lợi nhuận.
Sự tăng trưởng của Vietjet Air đã tạo nên một cuộc đua tỷ đô trên bầu trời Việt với “ông lớn” Vietnam Airlines.
Thị phần nội địa của Vietjet Air (VJA) đã vượt qua Vietnam Airlines (VNA)
Trong buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư tổ chức tuần qua, lần đầu tiên, những con số về hoạt động kinh doanh của hãng hàng không bikini được đưa ra một cách cụ thể.
Theo đó, căn cứ trên số lượng hành khách di chuyển trong Việt Nam được vận chuyển bởi các hãng hàng không (thống kê bởi Cục Hàng không Việt Nam), thị phần nội địa của Vietjet Air đã vượt qua Vietnam Airlines.
Có thể thấy trong 4 năm qua, VJA đã lấy mất thị phần nội địa của VNA như thế nào khi hãng hàng không bikini liên tục tăng trưởng từ mức dưới 10% lên hơn 40%. 6 tháng đầu năm nay, VJA đã cân bằng sức mạnh với ông lớn VNA và thậm chí đã nhỉnh hơn.
Một hãng hàng không giá rẻ khác là Jetstar Pacific dù được VNA và Quantas bơm thêm hàng trăm triệu USD nhưng thị phần dường như còn sụt nhẹ.
Lợi nhuận của VJA cũng từng lớn hơn của VNA
Nếu như năm 2013, doanh thu của VJA mới chỉ có 3.800 tỷ đồng – bằng 5,5% doanh thu của VNA thì đến năm 2015, con số này đã lên tới 19.800 tỷ đồng – tức tăng trưởng hơn 4 lần và bằng 30% doanh thu của VNA. Suốt những năm qua, doanh thu của ông lớn VNA (dù bao gồm cả Jetstar Pacific) đã chững lại.
VJA càng chứng tỏ độ “nguy hiểm” của mình khi chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, con số doanh thu đã đạt 12.600 tỷ đồng, bằng 36% doanh thu của VNA.
Tuy nhiên, cần chú ý rằng con số doanh thu của VJA bao gồm cả doanh thu từ bán máy bay. Hãng hàng không này đã thực hiện nghiệp vụ mua và bán lại máy bay cho các đơn vị khác và ghi nhận doanh thu. Cụ thể, trong con số gần 20.000 tỷ đồng doanh thu năm 2015 có 8.766 tỷ đồng từ bán máy bay (khoảng 44%). Đây cũng là khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Tuy nhiên, không phải vì điều đó mà VNA có thể “chưa thèm” lo lắng. Con số lợi nhuận của hãng hàng không trẻ tuổi VJA mới cho thấy họ nguy hiểm như thế nào.
Từ 32 tỷ đồng trong năm 2013, lợi nhuận sau thuế của VJA năm 2015 tăng 36 lần, đạt 1.171 tỷ đồng, tức là đã lớn hơn cả lợi nhuận của VNA. Mức lợi nhuận cho mỗi cổ phiếu ở năm này đạt hơn 8.100 đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, VNA đạt hơn 1.800 tỷ đồng lợi nhuận ròng, không còn thua cuộc VJA nữa, có lẽ một phần nhờ Jetstar Pacifics đã thoát lỗ. Dù vậy, khoảng cách 570 tỷ lợi nhuận giữa 2 doanh nghiệp còn khá mong manh.
Theo thông tin được công bố tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư, VietJet sẽ thực hiện đợt chào bán 3,5 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân với mức giá 86.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức định giá 1,2 tỷ USD. Còn VNA, tạm tính theo giá trên sàn OTC là 40.000 đồng/cp thì giá trị vốn hóa của doanh nghiệp ở mức 2,2 tỷ USD.