Nhóm sinh viên ở TPHCM chế tạo robot đo nhịp tim, huyết áp, cấp phát thuốc, thanh toán điện tử… giúp giảm tải bệnh viện trong bão Covid-19
Trong bối cảnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, việc càng hạn chế tiếp xúc giữa người với người sẽ giúp giảm nguy cơ lây lan thì những robot y tế đa năng này có tác dụng rất lớn.
Robot đa năng với trọng lượng 40 kg di chuyển rất nhanh, trơn tru trong Bệnh viện Thủ Đức TPHCM với câu hỏi: "Tôi có thể giúp gì cho bạn?", robot tiếp tân này thường nhận được câu trả lời: "Tôi muốn lấy số/bốc số khám bệnh", và đáp lại ngay lập tức: "Mời bạn quét mã bảo hiểm y tế, bốc số và nhận số tự động tại quầy". Sau khi "đọc" xong thẻ bảo hiểm, robot tiếp tân sẽ cấp ngay số khám bệnh cho bệnh nhân.
Robot y tế trên cũng có thể thay chuyên viên y tế như cấp phát thuốc cho bệnh nhân, đo nhịp tim, huyết áp cho bệnh nhân, và hơn nữa là chuyển các mẫu thử, mẫu bệnh phẩm vào những phòng con người cần tránh tiếp xúc hay đi qua lại giữa các phòng chụp X-ray , phòng cách ly...
Chủ nhân của những robot y tế đa năng này là nhóm sinh viên năm thứ 4 Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Nguyễn Đào Xuân Hải và Lương Hữu Thành Nam nghiên cứu và chế tạo ra. Người hướng dẫn là PGS.TS. Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng Khoa Cơ khí Chế tạo máy của Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.
Nguyễn Đào Xuân Hải, thành viên của nhóm chế tạo robot y tế đa năng
Robot y tế đa năng thay thế y tá, ví thanh toán điện tử… để giảm tiếp xúc người người
Trước tình trạng quá tải của nhiều bệnh viện, hai sinh viên năm thứ 4 của Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM – Xuân Hải và Thành Nam, đã chế tạo ra robot y tế đa năng để làm các việc thay thế y tá, người hướng dẫn trong bệnh viện, nhân viên tài vụ…. Robot này có thể giúp các bác sĩ khám chữa bệnh từ xa mà không cần gặp gỡ bệnh nhân.
Trong bối cảnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, việc càng hạn chế tiếp xúc giữa người với người sẽ giúp giảm nguy cơ lây lan thì những robot y tế đa năng này có tác dụng rất lớn. Cụ thể, robot này nặng 40 kg này có thể:
- Robot có thể thay thế người để vận chuyển các bệnh phẩm và thức ăn để phòng chống phần nào việc truyền nhiễm và giảm thiểu tối đa việc lây nhiễm chéo. "Bạn này" khi phối hợp với bệnh viện để có thể cung cấp các thông tin của bệnh viện trong tuần hoặc trong ngày, như bữa ăn căn tin, tình trạng cách ly hoặc chỉ đường, khu vực khám chữa bệnh.
- Bên cạnh đó, robot có thể di chuyển theo bản đồ mà bệnh viên đã cài vào phần mềm của robot.
- Robot có thể hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu, đo các thông số cơ bản của bệnh nhân như huyết áp nhịp tim mà không cần phải tiếp xúc trực tiếp bằng thiết bị không dây.
- Robot có thể phối hợp với các dữ liệu bệnh viện để tiến hành bốc số chờ tới lượt khám bệnh hoặc thanh toán viện phí thông qua ví điện tử.
- Bác sĩ bận công tác từ xa có thể nhận được thông tin từ robot để tư vấn khám bệnh và "video call trực tiếp với người bệnh để trao đổi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, đồng thời có thể biết được tình trạng sức khỏe bệnh nhân thông qua thiết bị đo không dây gắn liền với robot.
Robot đo nhịp tim và huyết áp.
Kỳ vọng robot sẽ được sử dụng trong các khu vực dễ lây nhiễm, khu cách ly tại các bệnh viện, cơ sở y tế
Robot của nhóm Xuân Hải và Thành Nam đã được thử nghiệm tại bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, quận Thủ đức và trạm y tế trường ĐH sư phạm kỹ thuật tp HCM.
Màn hình robot hiển thị một số tính năng.
"Nhóm hi vọng robot sẽ được chạy thử nghiệm và hoạt động ở các khu vực nhạy cảm trong bệnh viện, đặc biệt là khu vực cách ly để có thể hạn chế phần nào việc lây truyền dịch bệnh giữa người với người ở nhiều bệnh viện. Nhóm cũng mong muốn robot được sử dụng không chỉ ở khu vực TPHCM mà ở những vùng sâu vùng xa, nơi mà sự hỗ trợ con người còn bị hạn chế như đúng chức năng robot được tạo ra", Nguyễn Đào Xuân Hải chia sẻ.
Người bệnh thanh toán viện phí qua robot tại Bệnh viện Thủ Đức TPHCM
Thành Nam và Xuân Hải đều có chung một chí hướng đó là tiếp tục nâng cấp các tính năng của robot, đồng thời đi sâu vào việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích hình ảnh, kết hợp với đánh giá các chỉ số sức khỏe để có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh một cách chính xác nhất.