Nhờ “vía” bầu Thụy, LienVietPost Bank có năm kinh doanh rực rỡ: Lợi nhuận 2021 lập đỉnh lịch sử, tăng vọt gấp rưỡi năm 2020
2021 có thể xem là năm kinh doanh rực rỡ của LienVietPostBank khi thu nhập lãi thuần đạt mức 9.017 tỷ đồng, tăng 34,2%. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.873 tỷ đồng, tăng vọt 54,3%.
Ngày 06/5/2021, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Quản trị (HĐQT) LienVietPostBank tổ chức ngay sau Đại hội đồng Cổ đông năm 2021, Ông Nguyễn Đức Thụy hay còn gọi là “bầu Thụy” đã được HĐQT thống nhất bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank. Với khởi đầu suôn sẻ này, ngân hàng đã có một năm kinh doanh thăng hoa.
Mới đây, LienVietPostBank công bố báo cáo tài chính quý 4/2021 với thu nhập lãi thuần lập đỉnh lịch sử khi cán mốc 2.756 tỷ đồng. Con số này tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Không ghi nhận kỷ lục về hoạt động kinh doanh chính, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của nhà băng này trong quý 4 năm 2021 cũng ghi nhận mức 312 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Khoản mục này tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.
Việc gia tăng hoạt động tín dụng cho vay cũng buộc ngân hàng này gia tăng chi phí. Trong quý 4, chi phí quản lý doanh nghiệp của LienVietPostBank ở mức 1.765 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý có con số cao nhất trong lịch sử của nhà băng này.
Trong quý này, LPB cũng tăng 15% đối với việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Theo đó ngân hàng trích lập dự phòng khoảng 435 tỷ đồng.
Xét về số liệu cả năm, 2021 có thể xem là năm kinh doanh rực rỡ của LienVietPostBank khi thu nhập lãi thuần đạt mức 9.017 tỷ đồng, tăng 34,2%. Lợi nhuận sau thuế của nhà băng này cũng ở mức cao nhất lịch sử với 2.873 tỷ đồng, tăng vọt 54,3%.
Một điểm sáng báo cáo của LPB là mặc dù các hoạt động kinh doanh tăng mạnh nhưng chi phí hoạt động chỉ tăng nhẹ. Năm 2021 chi phí quản lý doanh nghiệp của nhà băng này ở mức 5.090 tỷ đồng, tăng 9,6%. Quản lý chi phí hoạt động hiệu quả dẫn đến việc lợi nhuận của LPB cải thiện đáng kể trong năm 2021.
Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản ngân hàng đạt 289.194 tỷ đồng, tăng 19,3% so với thời điểm cuối năm 2020. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 18,3% lên gần 208.954 tỷ đồng và chiếm hơn 72% tổng tài sản. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ mức 1,43% hồi đầu năm xuống còn 1,33%.