Nhờ đâu lợi nhuận VietinBank tăng vọt trong quý II?
Trong quý II, lợi nhuận hợp nhất trước thuế VietinBank đạt 5.785 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ 2021. Lũy kế 6 tháng, ngân hàng này báo lãi hơn 11.600 tỷ, tăng 7%.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – Mã: CTG) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 5.785 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ 2021. VietinBank có được kết quả ấn tượng trong quý vừa qua nhờ lợi nhuận thuần tăng thêm 1.772 tỷ đồng (tương đương 17,9%) và chi phí dự phòng rủi ro giảm 1.223 tỷ đồng (tương đương 17,2%) so với cùng kỳ 2021.
Đi sâu vào từng mảng kinh doanh, thu nhập lãi thuần tăng 10% với 11.972 tỷ đồng, đóng góp 3/4 tổng doanh thu ngân hàng trong quý II. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 15% lên 1.560 tỷ trong khi mảng kinh doanh ngoại hối kiếm về 814 tỷ đồng, tăng 57,7%. Đáng chú ý, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư đạt 239 tỷ gấp gần 11 lần cùng kỳ năm trước.
Dù lỗ tại mảng chứng khoán kinh doanh và lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm, tổng thu nhập hoạt động VietinBank vẫn tăng 13,2%, đạt 15.941 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí hoạt động chỉ tăng thêm 2% với 4.272 tỷ đồng, kết quả ngân hàng lãi thuần hơn 11.668 tỷ đồng, tăng gần 18%.
Đối với việc giảm chi phí dự phòng, điều này được ngân hàng lý giải rằng trong quý II/2021 là quý đầu tiên VietinBank trích lập dự phòng rủi ro bổ sung cho nợ cơ cấu lại theo Thông tư 03 nên chi phí dự phòng rủi ro tăng cao so với bình quân các năm. Đồng thời, ngân hàng đã trích lập gần như đầy đủ dự phòng theo Thông tư 03 trong năm 2021.
Tính chung nửa đầu năm, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh VietinBank đạt 21.918 tỷ, tăng 13,5% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, động lực chính đến từ mảng kinh doanh ngoại hối và hoạt động kinh doanh khác đi cùng việc kiểm soát chi phí hoạt động.
Với kết quả trên, tuy phải tăng chi phí dự phòng thêm gần 22%, VietinBank vẫn lãi trước thuế hơn 11.600 tỷ, tăng 7% so với cùng kỳ 2021 và là con số lợi nhuận bán niên cao nhất của nhà băng này từ trước đến nay. Dù vậy, quy mô lợi nhuận của VietinBank đã bị ba ngân hàng cổ phần tư nhân là VPBank, Techcombank, MB vượt qua và kém xa Vietcombank (16.919 tỷ đồng)
Tính đến hết tháng 6, tổng tài sản ngân hàng tăng 10,4% so với cuối năm 2021 lên hơn 1,691 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,5% đạt trên 1,238 triệu tỷ.
Tiền gửi khách hàng tăng 3,8% lên gần 1,206 triệu tỷ. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn ở mức gần 231.518 tỷ, tăng gần 2,6% so với hồi đầu năm và chiếm 19,2% tổng tiền gửi khách hàng.
Vào cuối quý II, tổng dư nợ xấu nội bảng của VietinBank ở mức 16.667 tỷ đồng, tăng 2.366 tỷ so với hồi đầu năm (tương đương 16,5%). Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng thêm 6.657 tỷ, lên trên 11.858 tỷ đồng; riêng quý II, nợ có khả năng mất vốn của VietinBank tăng thêm gần 4.763 tỷ.
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,26% hồi đầu năm lên 1,35%. Trong khi việc tăng cường trích lập dự phòng giúp tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 180% lên 190% tại thời điểm 30/6.