Nhờ buôn nước, một doanh nghiệp Bình Dương đều đặn thu về vài nghìn tỷ, cổ phiếu tăng gấp 2,5 lần sau 1 năm rưỡi

29/09/2021 09:32 AM | Kinh doanh

Kết quả kinh doanh của Biwase ghi nhận kết quả khả quan khi doanh thu thuần năm 2020 đạt 3025 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này cũng ở mức cao từ 36-41% trong 4 năm gần đây.

Dữ liệu ngày 7/9, có những lúc giá cổ phiếu BWE của Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) đạt mốc 41 nghìn đồng. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử của công ty này, gấp 2,5 lần so với mức giá cuối tháng 3 năm 2020. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này cũng ghi nhận khả quan khi doanh thu thuần năm 2020 đạt 3025 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của BWE cũng ở mức cao từ 36-41% trong 4 năm gần đây. Đầu tháng 6/2020, Forbes Việt Nam đã bình chọn và công bố Biwase tiếp tục đứng vào top “50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2020”.

Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương tiền thân là "Trung Tâm Cấp Thuỷ Bình Dương" trực thuộc Ty Giao thông Công chánh, với 5 trạm bơm nước ngầm: Ty Công An, Ngô Quyền, Cầu Ông Đành, Yersin I và Gò Đậu I. Công ty này có lịch sử lâu đời từ những năm 1975. Vì sao một công ty “lớn tuổi” như vậy vẫn giữ được sức kinh doanh khá tốt?

Nhờ buôn nước, một doanh nghiệp Bình Dương đều đặn thu về vài nghìn tỷ, cổ phiếu tăng gấp 2,5 lần sau 1 năm rưỡi - Ảnh 1.

Gía cổ phiếu BWE

Vị thế độc quyền trong cung cấp nước trên địa bàn

Đây là lợi thế đầu tiên của Biwase theo đánh giá của công ty chứng khoán MB trong báo cáo phân tích hồi tháng 5 năm 2020. Trong số 3 mảng kinh doanh chính của công ty này (sản xuất kinh doanh nước sạch, xử lý nước thải, xử lý rác thải), sản xuất kinh doanh nước sạch là hoạt động đem lại nguồn thu chủ yếu với đóng góp 69% tổng doanh thu và trên 70% lợi nhuận gộp.

Với tổng công suất cấp nước đạt 550.000 m3/ngày và phạm vi phục vụ cấp nước bao phủ toàn bộ các đô thị, thị trấn trên toàn tỉnh Bình Dương, Biwase giữ vị thế là đơn vị độc quyền cung cấp nước tại khu vực này. Bình Dương cũng là địa phương từ lâu có sức hút với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các khu công nghiệp.

Ngoài việc có được lợi thế độc quyền, Biwase cũng sớm nghiên cứu và triển khai giải pháp làm giảm thất thoát nước từ năm 2005 từ mức 50% xuống 6%. Điều này giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận hành, tỷ lệ thất thoát nước ở mức thấp nhất cả nước. Hiệu quả công suất được cải thiện mạnh mẽ với tỷ lệ thất thoát nước của Biwase ở mức 5,54% trong năm 2019, cao hơn Nhật Bản với 7%.

Nhờ buôn nước, một doanh nghiệp Bình Dương đều đặn thu về vài nghìn tỷ, cổ phiếu tăng gấp 2,5 lần sau 1 năm rưỡi - Ảnh 2.

Tiềm năng tăng trưởng nhờ chủ trương thu hút vốn FDI của Bình Dương

Với lợi thế về hạ tầng khu công nghiệp hiện đại, cơ bản hoàn chỉnh, Bình Dương đã và đang trở thành điểm đến được ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ…

Theo thống kê về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), trong năm 2020 tỉnh Bình Dương đã thu hút được thêm 1,845 tỷ USD. Từ đầu năm 2021, các khu công nghiệp trên địa phương này đã thu hút 1 tỉ 163 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài, bằng 198% so với cùng kỳ, chiếm 92,9% tổng vốn đầu tư đăng ký toàn tỉnh, bao gồm: 25 dự án mới, 8 dự án điều chỉnh tăng vốn và 16 dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần.

Lũy kế đến nay, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (sau TP.HCM và Hà Nội) với 3.974 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt 36,5 tỷ đô la Mỹ, chiếm khoảng 9% tổng vốn đầu tư cả nước.

Nhờ buôn nước, một doanh nghiệp Bình Dương đều đặn thu về vài nghìn tỷ, cổ phiếu tăng gấp 2,5 lần sau 1 năm rưỡi - Ảnh 3.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm thu hút đầu tư vào ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao. Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong việc thu hút vốn FDI kéo theo việc mở rộng quy mô và số lượng các khu công nghiệp tại đây, khiến nhu cầu cấp thoát nước cho các KCN tại tỉnh tăng mạnh. Với vị thế là đơn vị dẫn đầu và độc quyền trong cung cấp nước cho tỉnh, Biwase hoàn toàn có thể mở rộng têp khách hàng nhằm bắt kịp xu hướng tăng vốn FDI ở Bình Dương. Ngoài ra, Tỉnh ủy Bình Dương cũng dự kiến tiếp tục nâng giá nước bình quân 5%/năm trong giai đoạn 2018-2022, giúp cải thiện biên lợi nhuận cho Biwase.

Đẩy mạnh mở rộng công suất nhà máy

Để đáp ứng nhu cầu nước ngày càng tăng, công tác đầu tư mở rộng công suất nhà máy được Biwase tập trung đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Công ty cũng đặt kế hoạch tăng 10% công suất cấp nước mỗi năm.

Hiện tổng công suất cấp nước của Biwase đạt 680.000m3/ngày đêm; tiếp nhận và xử lý 2.200 tấn rác thải sinh hoạt và trên 300 tấn rác thải công nghiệp/ngày; tái chế rác trở thành phân hữu cơ đạt gần 1.700 tấn/ngày.

Biwase đang đầu tư mở rộng, nâng công suất một số nhà máy nước. Nhà máy nước Tân Hiệp mở rộng thêm 100.000m3/ngày đêm, nâng công suất lên 250.000m3/ngày đêm; nhà máy nước Bàu Bàng từ 30.000 lên 60.000m3… Hiện Biwase đang quản lý, vận hành 4 nhà máy thu gom, xử lý nước thải công suất 70.000m3/ngày đêm tại 4 đô thị lớn của tỉnh là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên với công nghệ hiện đại nhất, hoạt động hiệu quả nhất Việt Nam hiện nay.

Với sự phát triển của KCN và tốc độ đô thị hóa cũng như chủ trương đẩy mạnh cơ sở hạ tầng tại tỉnh Bình Dương, công ty chứng khoán MB cho rằng nhu cầu xử lý rác thải cũng sẽ tăng cao trong những năm tới. Theo đó, Biwase cũng đang thực hiện đầu tư mở rộng công suất cho hoạt động này.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM