Nhìn vào chuyện của OPPO/Vivo tại Ấn Độ để thấy ngay một lợi thế đặc biệt của VinGroup khi sản xuất smartphone cho người Việt
Thị trường smartphone tồn tại một thứ quyền lực vô hình có thể quyết định lớn tới thành công/thất bại của các hãng sản xuất. May mắn là ngay từ bây giờ tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã nắm trong tay thứ quyền lực ấy.
Lợi thế này là gì? Hãy cùng nghe một câu chuyện tương đối xa xôi: trong năm ngoái, OPPO và Vivo đều lọt top 5 tại Ấn Độ. Thành công của 2 thương hiệu điện thoại Trung Quốc đến từ một mánh kinh doanh cực kỳ khôn khéo: khi trả chiết khấu cho các chuỗi bán lẻ lớn tới 23-25% và các cửa hàng nhỏ khoảng 15-16%. Với tỷ lệ chiết khấu lớn như vậy, vô hình chung các đơn vị bán lẻ độc lập trở thành “tay trong” của OPPO và Vivo: nếu được chia nhiều tiền hơn để bán OPPO thay vì bán Samsung hoặc Nokia, chẳng ai lại không hết lời ca ngợi OPPO lên trên đối thủ cả.
Nhưng không có cái túi nào là vô đáy, và đến đầu năm nay, cả OPPO và Vivo đều ra tay cắt giảm tỷ suất chiết khấu. Các chuỗi bán lẻ lớn chỉ còn 14-15%, các cửa hàng nhỏ thậm chí chỉ còn 5-6%.
Ngay lập tức, thị phần của 2 thương hiệu Trung Quốc này tại Ấn Độ đã sụt giảm một nửa.
Một trong những chìa khóa sống còn của smartphone lại không hề nằm ở phần cứng hay marketing.
Sự trỗi dậy và sụp đổ của OPPO/Vivo tại Ấn Độ không phải là minh chứng duy nhất cho quyền hành khủng khiếp của “mạng lưới phân phối” lên thị trường smartphone. Mới 2 năm trước, Xiaomi còn đang thua cuộc liểng xiểng trước OPPO và Vivo cũng đã bỗng dưng trở lại mạnh mẽ bằng cách “cắn răng” phổ biến hàng trăm cửa hàng Mi Store/Mi Home trên khắp Trung Quốc, Ấn Độ và các thị trường khác (châu Âu, Việt Nam v...v...). Xây dựng mạng lưới phân phối cũng chính là một lý do đặc biệt giúp Apple vươn lên vị thế thống trị thế giới – mô hình Apple Store cho đến triết lý hàng tồn của Tim Cook sau này đều được các hãng khác học tập.
Nhưng nếu có mở Store ở Việt Nam thì Apple cũng phải khóc thét trước tiềm lực của VSmart. Tiềm lực này không đến từ bất kỳ một "VSmart Store" nào cả, mà là từ VinGroup. Tính đến thời điểm 3 năm thành lập, hệ thống siêu thị VinMart của VinGroup đã phủ sóng 30 tỉnh thành với 65 siêu thị lớn và 1.000 cửa hàng VinMart+. Một hệ thống 41 trung tâm VinPro là bước khởi đầu của VinGroup trong cuộc chiến bán lẻ thiết bị công nghệ, và trên lĩnh vực bán hàng trực tuyến đang bùng nổ, VinGroup có Adayroi.
Cuối cùng và quan trọng nhất, VinGroup sở hữu trên 50 trung tâm thương mại VinCom. Mà, cũng đâu có ai có thể cấm VinGroup đưa hình ảnh VSmart lên sảnh chính và/hoặc tràn ngập các màn hình thang máy VinPearl?
Bạn có thể thấy buồn cười, nhưng bán điện thoại cạnh... rau củ quả sẽ tạo ra một mạng phân phối trong mơ mà không một thương hiệu nào khác có thể đạt được.
Toàn bộ mạng lưới của VinGroup sẽ thuộc về VSmart. Trong một cuộc phỏng vấn, CEO VinGroup khẳng định "Chúng tôi sẽ bán trên tất cả các kênh của thị trường, thậm chí tại các cửa hàng Vinmart+ cũng sẽ có một quầy bán Vsmart".
Hiển nhiên VinGroup sẽ không thể biến VinMart và VinMart+ thành chuỗi phân phối VSmart chỉ trong một hai ngày. Song, sự kết hợp giữa VSmart và VinMart/VinCom sẽ tạo thành một thế trận vô cùng đặc biệt: Lotte hay BigC không kinh doanh điện thoại, còn OPPO hay Samsung dù có muốn cũng chưa chắc đã đưa điện thoại của mình trở thành nhân vật chính tại những vị trí trang trọng như VinCom. Khởi đầu của VinGroup trong cuộc chiến di động chắc chắn sẽ thuận lợi hơn bất kỳ một thương hiệu smartphone không-bán-lẻ nào khác (BPhone chẳng hạn).
Quan trọng nhất, sợi dây liên kết giữa VSmart và mạng phân phối của mình sẽ không được bật/tắt bằng tiền theo kiểu của OPPO và Vivo. Và, nếu như Thegioididong có thể ngừng bán BPhone bất cứ lúc nào, VinMart, Adayroi và VinPro chắc chắn sẽ không bỏ rơi VSmart: chúng ta đang nói về một mối quan hệ theo kiểu "anh em một nhà" chứ không phải là đối tác cùng có lợi mới chịu làm.
Chỉ như vậy thôi đã là quá đủ để VinSmart trở thành chiếc smartphone Việt có khả năng thành công lớn nhất từ trước tới nay rồi.