Nhìn thầy Park thắng Trung Quốc, mới thấy tiếc khi bóng đá Việt Nam lỡ "cơ hội vàng"
Hôm qua, U22 Việt Nam "phẩy" đã chơi một trận xuất thần, giúp HLV Park Hang-seo hạ gục "ông thầy cũ" của mình. Giá như họ được chơi ở SEA Games...
1. Hôm qua, Tiến Linh là cái tên duy nhất mà HLV Park Hang-seo đem về từ ĐTQG để tăng cường cho U22 Việt Nam trong trận đấu trên đất Vũ Hán. Tiền đạo này cũng chính là người ghi cả 2 bàn thắng giúp thầy trò ông Park thắng nhàn 2-0 trước U22 Trung Quốc.
Nhưng bên cạnh Tiến Linh, các cầu thủ trẻ ở đội hình U22 Việt Nam "phẩy" - với sự thiếu vắng của không ít cái tên trong đội hình vừa cầm hòa đội tuyển Thái Lan 3 ngày trước, đã có một trận đấu cực kỳ thành công với sự gắn kết, tinh thần chiến đấu và tuân thủ chặt chẽ chiến thuật của HLV Park Hang-seo. Họ đá cho U22 Trung Quốc phải "tâm phục khẩu phục", khiến HLV tầm World Cup - Guus Hiddink chỉ còn biết ngồi im chịu trận.
Dẫu vậy, với mục tiêu duy nhất là chức vô địch, đội hình U22 Việt Nam tháng 11 tới tham dự SEA Games 30 sẽ thiếu vắng không ít những cái tên góp phần vào chiến thắng rạng rỡ hôm qua, để nhường chỗ cho những Quang Hải, Văn Hậu, Thành Chung, cùng hai cầu thủ O22 được phép bổ sung theo điều lệ của giải. Có nghĩa, đến một nửa đội hình ngày hôm qua sẽ phải chấp nhận ngồi dự bị cho các ngôi sao "trở về" từ ĐTQG.
Vẫn biết là SEA Games là sân chơi của các cầu thủ trẻ, nhưng với việc chức vô địch sân chơi này vẫn là khát khao rất lớn của bóng đá Việt Nam, từ VFF cho đến người hâm mộ khi suốt vài chục năm hội nhập lại với bóng đá Đông Nam Á, Việt Nam vẫn chưa thể một lần chạm tay đến, HLV Park Hang-seo bắt buộc phải dùng tất cả những cầu thủ tốt nhất của mình ở đây, thay vì tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ có dịp cọ sát, mài giũa chuyên môn và bản lĩnh.
Nếu như bóng đá Việt Nam từng vô địch SEA Games, hoặc đang là những nhà vô địch SEA Games, liệu Quang Hải có cần phải đá SEA Games khi đang phải quay cuồng với sự quá tải từ lịch thi đấu của CLB Hà Nội cũng như đội tuyển Việt Nam không? Liệu Văn Hậu có phải bỏ lỡ cơ hội thích nghi với Heeereveen để trở về tham dự SEA Games? Có thể là không.
Đáng tiếc cho HLV Park Hang-seo, đáng tiếc cho Quang Hải, Văn Hậu, đáng tiếc cho các cầu thủ trẻ Việt Nam, bởi bóng đá Việt Nam từng có "cơ hội vàng" để "giải cơn khát" mang tên SEA Games, nhưng rốt cuộc lại thất bại thảm thương trong tay HLV Hữu Thắng.
2. Nên nhớ, U23 Việt Nam bước lên ngôi Á quân châu lục chỉ 156 ngày sau thất bại thảm hại của thầy trò HLV Hữu Thắng trước U22 Thái Lan, để rồi rời SEA Games 2017 không kèn không trống ngay từ vòng loại. Và kỳ SEA Games năm ấy, Hữu Thắng có trong tay đầy đủ những cái tên từng làm nên kỳ tích lẫy lừng cho bóng đá Việt Nam trong tuyết trắng Thường Châu.
Trong tay HLV Hữu Thắng ngày ấy, là sự kết hợp cực kỳ hoàn hảo giữa lứa U19 HAGL lẫy lừng của bầu Đức, với những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn, Văn Thanh... cùng lứa U19 dự World Cup U20 của HLV Hoàng Anh Tuấn, với những Bùi Tiến Dũng, Quang Hải, Văn Hậu, Hà Đức Chinh, Đình Trọng...
Giá như ngày ấy, HLV Hữu Thắng không quá bảo thủ, để tạo nên sự kết hợp liền lạc giữa hai lứa U19 cực kỳ xuất sắc của bóng đá Việt Nam, thay vì khăng khăng đặt niềm tin vào những cầu thủ mà mình yêu quý, như cái cách cùng Công Vinh loại Anh Đức ra khỏi đội tuyển quốc gia, thì có lẽ giờ đây bóng đá Việt Nam đã có thể cực kỳ thảnh thơi "gán" nghĩa vụ ở SEA Games cho lứa cầu thủ trẻ vừa thắng U22 Trung Quốc ngay tại Vũ Hán.
HLV Park Hang-seo từng nói rằng, điều ông quan tâm nhất không phải là những thành tích đoạt được cùng bóng đá Việt Nam, mà là công tác đào tạo bóng đá trẻ, để nền bóng đá nước nhà có được sự phát triển bền vững, đấy mới là điều quan trọng nhất giúp bóng đá Việt Nam nâng tầm.
Trận thắng vừa qua của U22 Việt Nam thiếu vắng những trụ cột của ĐTQG là bằng chứng sinh động, rõ ràng nhất cho việc bóng đá Việt Nam không thiếu những tài năng trẻ, và họ sẽ thành công nếu được tạo cơ hội. Đầu tư cho bóng đá trẻ, việc đầu tiên là phải dám gạt qua thành tích trước mắt, cho họ "con đường" để dấn bước thử thách bản thân.
BLV Quang Huy từng nói: "Không đâu như châu Á với Đông Nam Á, lịch thi đấu trải dài từ Đông sang Tây, chồng chéo nhau rất nhiều. SEA Games 2 năm đá một lần mà vẫn phải có thành tích tốt, vẫn tham gia Asiad, Olympic, AFF Cup, rất nhiều giải chồng nhau trong khu vực".
Đến một người có chuyên môn cao về bóng đá Việt Nam như thế mà còn không phân biệt nổi đâu là đấu trường cho ĐTQG, đâu là đấu trường dành cho bóng đá trẻ, thì để thay đổi tư duy, quan niệm của người hâm mộ bóng đá nước nhà quả là điều không thể.
Dư âm trận thắng này rồi cũng sẽ nhanh qua, và SEA Games 30 sẽ lại chứng kiến "đội tuyển Việt Nam mở rộng" thi đấu. Chỉ mong rằng với "phép màu" và sự khát khao nâng đỡ bóng đá trẻ, HLV Park Hang-seo sẽ cho những cầu thủ vừa thắng Trung Quốc hôm qua cơ hội để được thể hiện, ở sân chơi đáng ra phải là của họ.
Giao hữu: U22 Trung Quốc 0-2 U22 Việt Nam (Nguồn: NEXT Sport)