Nhìn thấy gì từ những cuộc thâu tóm dự án của doanh nghiệp ngoại khi thị trường bất động sản khó khăn?
Với doanh nghiệp nước ngoài, cách nhanh nhất để thiết lập chỗ đứng tại thị trường Việt Nam chính là "thâu tóm" các dự án.
Sự gia tăng của thương vụ mua bán sáp nhập dự án
Các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) gia tăng trong thời điểm thị trường chững lại là kịch bản đã được dự báo từ trước. Trong chia sẻ trước đó khi thị trường mới đi qua khó khăn hơn nửa năm, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc từng lo ngại rằng, thị trường gặp khó là cơ hội để các nhà đầu tư ngoại bước chân vào thâu tóm dự án. Ông Quyết cũng cho rằng, bản chất thị trường không khó khăn và bi quan như thực tại nhưng chính tâm lý lo sợ quá mức cùng tâm lý muốn giá bất động sản thấp hơn, là lý do khiến thị trường càng thêm khó khăn.
Thực tế, sau hơn một năm thị trường địa ốc chật vật với diễn biến thiếu tích cực, các thương vụ M&A đã bắt đầu gia tăng.
Trong thông báo mới đây, Tập đoàn Jones Lang Lasalle (JLL) cho biết, đã tư vấn về việc bán danh mục đầu tư gồm 3 khách sạn nổi bật ở Đông Nam Á. Danh sách này gồm 1 khách sạn 5 sao ở Jakarta (Indonesia) cùng hai khách sạn ở TP.HCM là ibis Saigon South (3 sao) và Capri by Fraser (4 sao).
Giao dịch trị giá là 106,1 triệu USD, đánh dấu thương vụ mua bán khách sạn đầu tiên trong khu vực của năm 2023.
Cuối tuần qua, Công ty Nova F&B - một thành viên của NovaGroup, chuyên cung cấp dịch vụ ẩm thực tại các dự án do Novaland phát triển, được doanh nghiệp Singapore mua lại thông qua sự sắp xếp của VinaCapital. Danh tính của bên mua cũng như giá trị thương vụ chưa được các bên công bố.
Hồi đầu tháng 3, thị trường xuất hiện thông tin CapitaLand Development (Singapore) đang đàm phán mua một phần tài sản trị giá khoảng 1,5 tỷ USD từ một tập đoàn bất động sản lớn trong nước.
Có đáng lo ngại trước vụ “thâu tóm” lớn?
Các thương vụ mua bán và sáp nhập xảy ra là kịch bản tất yếu khi thị trường địa ốc rơi vào giai đoạn chững. Hơn một năm khó khăn kéo dài, không ít doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền. Không đủ trang trải các chi phí dù thu hẹp quy mô, không đủ để triển khai dự án, việc bán một phần hoặc toàn bộ dự án là cách để doanh nghiệp có thể xoay xở dòng tiền trả nợ, tránh tình trạng sụp đổ, giải thể và bổ sung nguồn vốn để triển khai dự án khác.
Trong khi đó, một số chuyên gia từng cho rằng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài chỉ đợi giá bất động sản hạ sẽ sẵn sàng rốt vốn vào các dự án tiềm năng của Việt Nam. Nhìn ở góc độ tích cực, đây lại là cơ hội để doanh nghiệp có thể bán bớt dự án, thu hồi tiền để cân đối tài chính, đẩy mạnh triển khai dự án mới.
Ông Dylan Yip, Phó tổng giám đốc phụ trách Chiến lược của Tổ chức Giải thưởng châu Á (AAO) cho rằng, các thương vụ M&A sẽ giải quyết vấn đề thiếu vốn của doanh nghiệp và giúp nhiều dự án được hoàn thành. Điều kiện đi kèm đó là các vấn đề pháp lý phải được giải quyết.
Trong khi đó, với doanh nghiệp nước ngoài, cách để thiết lập chỗ đứng tại Việt Nam nhanh nhất chính là thương vụ M&A. Thông qua các giao dịch này, các đơn vị ngoại quốc có thể mở rộng quỹ đất với thời gian nhanh nhất có thể.
Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers (Vietnam) nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn. Đây là lý do các doanh nghiệp địa ốc và quỹ đầu tư nước ngoài tận dụng thời điểm thị trường nội địa giảm tốc để gia tăng thị phần tại Việt Nam.
Ông David Jackson thiết lộ, Colliers tiếp nhận yêu cầu của nhà đầu tư chủ yếu đến từ khu vực Đông Bắc Á, Bắc Mỹ và châu Âu, với các tài sản đáp ứng sát với nhu cầu thực được tích cực nhắm tới. Vị chuyên gia này đánh giá các cuộc sáp nhập theo hướng tích cực khi tạo ra nhân tố mới. Điều này kỳ vọng cải thiện nguồn cung tương lai, đem đến nhiều sản phẩm chất lượng, đa dạng cho thị trường. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp ngoại hợp tác với doanh nghiệp trong nước để tối đa thế mạnh am hiểu chính sách và quy trình tại Việt Nam.