Nhìn lại 365 ngày đã qua, dù có thất bại cũng hãy tin rằng, còn trẻ thì còn vấp ngã, hãy bao dung với chính mình một chút nhưng nhất định phải làm ngay việc này thôi!

04/02/2019 09:01 AM | Sống

Tha thứ cho chính mình là một hành động từ bi đối với bản thân và những người khác.

Con đường dẫn đến sự tha thứ không phải là con đường dễ đi. Bằng sự tự nhận thức và ý thức được rằng cuộc sống là một hành trình chứ không phải cuộc chạy nước rút, bạn cũng có thể học cách tha thứ cho bản thân.

Chỉ cần biết mình đã sai ở đâu, sửa đổi chúng để tiến bộ hơn thì sẽ tránh được sai lầm lặp lại. Nếu một lúc nào đó, bạn cảm thấy bản thân bị mắc kẹt trong những suy nghĩ tiêu cực khi mình làm sai điều gì, hãy nhớ đến những điều này:

Tất cả đã là quá khứ và bạn cũng không thể làm gì để thay đổi được chúng nữa

Khi mắc phải sai lầm nào đó, phản ứng đầu tiên của đa số chúng ta là tiếc nuối, hụt hẫng và ăn năn. Dễ thấy, câu hỏi đầu tiên xuất hiện trong đầu không phải những câu như: Làm thế nào để không phạm phải lần sau? Làm thế nào để được đối phương tha thứ? Mà thường là câu hỏi: Có thể làm bất cứ điều gì để thay đổi những gì đã xảy ra không?

Câu trả lời ở đây luôn là không. Bạn không thể thay đổi quá khứ, thậm chí, ở thế giới hiện thực này thì chẳng có một phép màu nhiệm nào giúp bạn biến đổi những gì đã xảy ra thành điều tốt đẹp. Việc đầu tiên của bạn là hãy chấp nhận nó.

Khi một cốc nước vô tình bị đổ xuống sàn, thì chắc chắn bạn sẽ không thể lấy lại số nước đó, mà chỉ còn cách lần sau sẽ để cốc nước ở chỗ an toàn hơn. Hay ví dụ như do lơ đễnh mà bạn đánh mất chiếc điện thoại đắt tiền của mình ở đâu đó, và thế là phải trả một khoản tiền kha khá để mua một cái khác. Cũng dễ hiểu thôi, khi đó bạn cảm thấy rất buồn và tức giận với bản thân.

Tuy nhiên, tình hình vẫn có thể được nhìn theo hướng tích cực hơn. Bạn có thể rút ra được một bài học quan trọng từ mất mát này và ngừng than vãn vì nếu có như thế cũng không thay đổi đươc gì. Bạn có thể trở nên cẩn thận hơn, và sẽ ít làm mất đồ hơn nhờ những kinh nghiệm "xương máu" có được từ lần này.

Bạn có thể gặp những vấn đề phức tạp hơn như vậy trong cuộc sống, nhưng điều chính yếu ở đây là những sai lầm này không thể thay đổi được nữa. Vì thế, bạn cần phải tha thứ cho mình và sống tiếp. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn giả vờ như nó chưa từng xảy ra, mà phải ghi nhớ bài học quý giá đã có được từ sai lầm này, chính điều đó sẽ khiến bạn trở thành con người tốt hơn.

 Nhìn lại 365 ngày đã qua, dù có thất bại cũng hãy tin rằng, còn trẻ thì còn vấp ngã, hãy bao dung với chính mình một chút nhưng nhất định phải làm ngay việc này thôi!  - Ảnh 1.

Đừng quá khắt khe với chính mình

Thừa nhận rằng lỗi lầm không làm bạn trở thành con người tồi tệ. Mỗi người đều mắc phải sai lầm tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Đừng nghĩ rằng phạm sai lầm một việc nào đó có thể là trong công việc hay một mối quan hệ sẽ làm bạn trở thành người xấu. Như Bill Gates đã nói: "Ca tụng thành công là điều tốt, nhưng lưu tâm thất bại mới là điều quan trọng hơn."

Hãy nhớ rằng bạn không hoàn hảo và chẳng có ai hoàn hảo cả. Mọi người đều có những điểm thiếu sót và những vấn đề về bản thân mà họ muốn hoàn thiện hơn. Đừng cứ mãi luẩn quẩn với câu hỏi như: Bản thân mình có cho phép phạm phải điều đó không? Điều cần nhất tại thời điểm này, bạn phải là người hiểu rõ nhất việc mình đã chăm chỉ và mệt mỏi thế nào với những dự án hoặc công việc đó. Đừng tự làm khó bản thân bằng cách cứ mải suy nghĩ về những thất bại đó. Cuộc sống đôi khi sẽ đi chệch hướng một chút, khó khăn một chút nhưng điều đó không có nghĩa bạn lười biếng hay yếu đuối. Nó cho thấy bạn là một người mạnh mẽ và còn có thể làm tốt hơn nữa.

Bạn nên hiểu rằng cách sống tốt nhất chính là ít trông mong vào sự hoàn hảo, thay vào đó chúng ta nên phát triển các mối quan hệ tốt đẹp nhiều hơn nữa.

Bàn về chủ đề tha thứ, tờ Tâm lý học ngày nay nói rằng: "Tự tha thứ là bước đầu tiên giúp bạn yêu thương bản thân và cả những người khác". Cũng đã đến lúc chúng ta dành cho bản thân một chút yêu thương rồi.

Tự hào về thành quả của mình

Đôi khi, bạn có khuynh hướng quên đi những gì mình đã làm và đạt được trong quá khứ. Và khi có một sai lầm nào đó xuất hiện, bạn giật mình và đưa ra câu hỏi: Liệu mình đã cố hết sức để mọi chuyện ổn thỏa hơn chưa?

Thực ra, khi đã nỗ lực hết mình để làm điều gì đó, bạn sẽ không phải tự hỏi liệu bạn có thể làm được nhiều hơn nữa không.

Một điều hiển nhiên, bạn sẽ không thể có ở đây như ngày hôm nay nếu thiếu những nổ lực, những lựa chọn mà có khi là cả những sai lầm của trước đây, và chúng giúp định hình cuộc sống của bạn. Điều đó rất quan trọng để nhắc nhở bạn về những thành tựu bạn đã phải vất vã mới có được. Luôn tồn tại câu hỏi: "Sẽ ra sao nếu như...", nhưng hãy nhớ cho cuộc sống này rất khó khăn, và hãy nên biết ơn những điều đã đưa chúng ta đên đây được như bây giờ. Việc hồi tưởng lại những thành quả trong quá khứ sẽ cho bạn thêm tự tin để vượt qua khó khăn bạn đang phải đối mặt. Bạn cần phải tha thứ cho mình để đủ sức đương đầu với những tình huống khó khăn và hãy dùng những kinh nghiệm có được trong quá khứ để vượt qua chúng.

Đừng sống mãi trong lỗi lầm ở quá khứ

Học từ sai lầm trong quá khứ là tốt nhưng cứ sống mãi trong những lỗi lầm đó có thể ngăn bạn tha thứ cho bản thân. Tại sao cứ giữ sai lầm mãi ở trong lòng? Bạn sẽ giật mình khi biết được nó có thể cản trở bạn ý thức được thực tế hiện tại. Cuộc sống của bạn có thể trở nên trì trệ nếu bạn cứ ám ảnh về những việc mình đã làm và không làm. Thay vào đó, hãy tập trung vào hiện tại và những gì bạn có thể làm trong tương lai để cuộc sống của mình tốt hơn.

Trong bài báo về chủ đề "xấu hổ và tự tha thứ", tác giả Beverly Engel giải thích rằng "nếu bạn không tha thứ cho bản thân, sự xấu hổ tồn tại trong bạn sẽ khiến bạn có những hành vi tiêu cực cho người khác và cả chính mình". Đã bao giờ bạn thử suy nghĩ nghiêm túc về lý do tại sao bản thân cứ giữ mãi sự buồn phiền về sai lầm đó hay chưa? Hãy hình dung xem khi trút bỏ được điều đó rồi bạn sẽ cảm thấy như thế nào. Làm được điều này thật không dễ dàng, tuy nhiên hãy cho mình thêm thời gian, hãy kiên nhẫn và nhẹ nhàng với chính mình.

 Nhìn lại 365 ngày đã qua, dù có thất bại cũng hãy tin rằng, còn trẻ thì còn vấp ngã, hãy bao dung với chính mình một chút nhưng nhất định phải làm ngay việc này thôi!  - Ảnh 2.

Phát triển, hoàn thiện bản thân từ sai lầm

Học hỏi từ những sai lầm là một cách thông minh, giúp bạn tìm kiếm cơ hội một cách triệt để để tự cải thiện bản thân. Khi bạn bao dung với chính mình, bạn hoàn toàn có thể thay đổi mọi thứ.

Không nên cho phép những thất bại ảnh hưởng đến bạn về mặt tinh thần. Thay vào đó là bạn hãy tự mình chứng minh cho thế giới biết rằng bạn phải thất bại thì mới có thành công. Lúc này hãy suy nghĩ: Liệu có thể biến sai lầm thành cơ hội để phát triển bản thân không ?

Engel cho biết: "Tha thứ cho chính mình sẽ giúp bạn chữa lành những tổn thương, sẽ giải thoát bạn, giúp bạn tiếp tục trở thành một người tốt hơn. Chỉ khi không còn gánh nặng của mặc cảm tội lỗi thì bạn mới có thể thay đổi cuộc sống của chính mình".

Donald Trump, giám đốc tòa tháp Trump Tower, khách sạn Plaza Hotel và khách sạn Quốc Tế Trump ở New York đã thu hồi lại được những khoản tiền đã lỗ khi ông có những quyết định sai lầm trong việc hạ giá khách sạn xuống giá thấp hơn so các đối thủ cạnh tranh lớn hơn trên thị trường. Nhưng ông đã tin vào khả năng của mình và bắt đầu làm lại. Ông đã xây dựng lại hệ thống kiểm soát bằng cách đưa ra những quyết định đầu tư lớn và đã chứng minh rằng mình có thể sửa chữa được lỗi lầm bằng thời gian và tính kiên nhẫn.

Ngay cả trong những khoảnh khắc đen tối nhất cũng sẽ luôn có một luồng ánh sáng tỏa bên trong mỗi người. Thế nên, hãy học cách tha thứ cho bản thân để nhìn thấy những điều tốt đẹp đó.

Theo Hảo Phạm

Từ khóa:  tuổi trẻ
Cùng chuyên mục
XEM