Nhiều phụ huynh đang vô tình làm hại con trẻ vì không biết nói 'Không'

17/08/2017 16:18 PM | Sống

Các chuyên gia đang cảnh báo tình trạng nuôi dạy con cái mà nuông chiều thái quá sẽ khiến cho trẻ tiểu học cư xử không ngoan và không được chuẩn bị tốt khi thực sự vào đời.

Với nhiều học sinh, những hành vi xấu trong lớp học không xuất phát từ chính các em mà từ cha mẹ chúng. Đó là nhận định của tiến sĩ Amanda Gummer, một nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về sự phát triển của trẻ.

“Những đứa trẻ bướng bỉnh, không biết nghe lời chắc chắn là hậu quả của những bậc cha mẹ luôn bao bọc và chiều chuộng con cái,” tiến sĩ Gummer cho biết, “những người luôn chú ý từng ly từng tí đến con và thỏa mãn mọi ý thích của chúng sẽ tạo ra hội chứng ‘tiểu hoàng đế’.”

Theo Gummer, thái độ và hành vi của các bậc cha mẹ còn tồi tệ hơn của trẻ. “Họ cực kỳ tham vọng về tương lai của con mình – mà không nhận ra được rằng chính sự chiều chuộng thái quá của họ đang khiến chúng gặp nhiều mối nguy hiểm khi vào đời,” bà cảnh báo.

“Trong khi từ lâu chúng ta đã biết rằng kiểu nuôi dạy con như thế này sẽ khiến trẻ không thể tự quyết định hoặc tỏ ra độc lập, thì điều ít được bàn đến là sự hung hăng và khó bảo của những đứa trẻ là nạn nhân của cách dạy dỗ này ở trường.”

“Những đứa trẻ này phải vật lộn trong môi trường lớp học vì chúng không thể chịu được cảnh không là số 1,” Gummer nói. “Vì thế chúng làm mọi cách để thu hút sự chú ý của người khác vì chúng được nuôi dạy để tin rằng mọi sự chú ý của những người xung quanh đều phải dành cho mình.”

Theo Gummer, các giáo viên phải rất vất vả, thậm chí bực phát khóc vì thái độ như vậy của những đứa trẻ này.

Bộ Giáo dục Anh quốc cho biết mỗi ngày có 35 trẻ bị đuổi học ở riêng nước này vì những hành vi sai trái. Chỉ có 1/5 số học sinh bị đuổi nêu trên là ở cấp tiểu học, gồm cả một số học sinh 4 tuổi – con số này đã tăng gấp đôi trong vòng 4 năm gần đây.

Gummer cho rằng số trường hợp bị đuổi học ghi nhận được có thể là nguyên nhân của nhiều yếu tố, chủ yếu là những hành vi xấu và thiếu kỹ năng cá nhân của các bậc cha mẹ.

“Hãy thử hình dung mà xem: Những đứa trẻ vừa tỏ ra rất yếu đuối, chúng cần có sự trợ giúp để đi vệ sinh và đi giày, lại có thể không hề e sợ gì khi đấm vào mặt cô giáo mình,” bà cho biết.

“Rất nhiều những đứa trẻ như vậy chưa hề nghe thấy cha mẹ nói ‘Không’ với mình lần nào ở nhà.”

Những nghiên cứu trước đây cho thấy những người làm cha mẹ nếu kiểm soát con mình quá nhiều sẽ gây tổn hại về tâm lý cho chúng sau này.

Một nghiên cứu năm 2015, do Đại học London thực hiện trên 5.000 người kể từ khi sinh ra, cho thấy những ai có cha mẹ bằng cách nào đó thường xuyên xâm phạm quyền riêng tư của mình, hoặc cổ vũ sự dựa dẫm phụ thuộc thì nhiều khả năng đều không cảm thấy hạnh phúc vào các giai đoạn tuổi teen, 30 tuổi, 40 tuổi và muộn hơn nữa trong cuộc sống.

“Trẻ con cần phải có kỷ luật, giới hạn và cơ hội để cảm nhận được cái lạnh, cái đói, phải bị ngã và tự làm đau mình, có thế chúng mới học được từ các sai lầm của mình,” tiến sĩ Gummer kết luận.

“Nếu trẻ bị tước đoạt những trải nghiệm cơ bản đó ở nhà, việc giáo dục trẻ sẽ trở thành một thử thách lớn hơn rất nhiều cho các giáo viên ở trường học.”

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM