Nhiều người suýt mất mạng vì dây vắt ngang đường: Cảnh báo nguy cơ tai nạn từ những cánh diều "vô chủ"

24/05/2023 16:08 PM | Xã hội

Cánh diều bay lượn trên bầu trời là một hình ảnh đẹp. Tuy nhiên, nếu người chơi không có ý thức và tuân thủ quy tắc an toàn sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho người khác.

Mùa hè đã đến, thả diều, cắm trại... là một trong những hoạt động được các gia đình yêu thích vào thời gian rảnh rỗi để xau tan những mệt mỏi sau những ngày làm việc dưới cái nóng oi bức của mùa hè. Đặc biệt tại các đô thị lớn đất chật người đông, có được 1 khu vực rộng rãi để vui chơi, thả diều... lại càng hiếm hoi. Tuy nhiên bên cạnh vấn đề vui chơi giải trí, trò chơi này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây nguy hiểm khi địa điểm thả diều gần các tuyến đường giao thông, công viên, đường lưới điện.

Mùa "thả diều": dây diều cứa cổ  - Ảnh 1.

Khu vực bãi đất trống cạnh Phủ Tây Hồ khu vực hiếm hoi giữa Thủ đô có thể thả diều. Ảnh: Đinh Huy

Nhiều người suýt mất mạng vì diều

Mới đây, một người phụ nữ đã gặp tai nạn do vướng phải dây diều khi đang di chuyển bằng xe máy tại khu dân cư phố Mới, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng. Rất may sau vụ tai nạn, người phụ nữ không bị thương tuy nhiên phương tiện thì bị hư hỏng.

Trước đó vào ngày 8/4, một nam sinh đã suýt gặp nạn khi đang điều khiển xe máy trên đường đoạn giao giữa Quốc lộ 18, hầm chui Thành phố Bắc Ninh hướng đi Nội Bài do vướng phải dây diều. 

Hay như tại TPHCM, trong tháng 3 vừa qua nhiều người dân đi xe máy qua khu vực hầm chui Phạm Văn Chí, Quận 6, TPHCM bức xúc vì bị dây diều quấn, cứa vào cổ gây té ngã xuống đường dẫn đến thương tích.

Nguyên nhân của các vụ tai nạn trên hầu hết là do dây diều của người dân khi chơi xong đã không thu diều vào nên dây diều đã rơi xuống, chắn ngang đường và vướng vào các phương tiện dẫn đến tai nạn.

Mùa "thả diều": dây diều cứa cổ  - Ảnh 2.

Dầy diều rươi xuống chắn ngang đường vướng vào bánh của các phương tiện đang lưu thông.

Tại Hà Nội, TPHCM hay các thành phố đô thị khác khá dễ dàng bắt gặp nhiều nhóm người tụ hợp thả diều gần khu dân cư, bờ sông hay đơn giản hơn chỉ cần có bãi đất trống để bung diều. 

Tuy nhiên việc dây diều vô tình vướng vào cây xanh, cột điện sẽ tạo thành "bẫy" trên đường mà người đi qua khó nhìn thấy, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Nguy hiểm hơn dây diều có thể vướng vào đường dây tải điện dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn, chập cháy về điện ảnh hưởng đến tính mạng.

Đặc biệt nếu người chơi diều là các em nhỏ, không có sự theo dõi, nhắc nhở của người lớn lại càng dễ xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Một trường hợp bị thương do vướng vào dây diều khi đi qua đoạn đất trống ở Hồ Tây hồi tháng 8/2022. 

Về người bị nạn, do dây diều thường sẽ rất mảnh, sắc và cứng nên khi vướng, mắc vào người đi đường cùng với lực gió hoàn toàn có thể dẫn đến thương tích. Ngay bản thân người thả diều nếu khi thả diều không chú ý cũng sẽ bị đứt tay khi “tời” dây diều cho bay cao.

Trước việc nhiều người thả diều vô ý thức ở nơi công cộng, xung quanh các tuyến đường giao thông dẫn đến dây diều vướng vào cổ người đi đường gây thương tích, nhiều địa phương đã vận động, phát loa thông báo, tuyên truyền về ý thức tuy nhiên một số trường hợp vẫn vô tư thả diều tại khu vực công viên, thậm chí còn vứt lại diều rồi bỏ chạy khi thấy lực lượng chức năng. 

Quy định xử phạt còn mơ hồ

Mùa "thả diều": dây diều cứa cổ  - Ảnh 4.

Chỉ cần từ 20.000 đến 50.000 đồng đã có một con diều bắt mắt với đủ hình dáng, màu sắc. Ảnh: Đinh Huy

Rất nhiều tai nạn đã xảy ra liên quan đến dây diều do người dân chơi xong không thu lại. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc cấm thả diều gần các tuyến đường giao thông mà chủ yếu cấm thả diều trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện, vì vậy nhiều người vẫn coi vô tư thả diều ở gần khu vực dân cư, đường quốc lộ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người khác.

Hiện nay, theo quy định pháp luật trò chơi thả diều chỉ được ghi nhận rải rác trong một số văn bản liên quan như:

Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định về các hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng. Trong đó, hành vi thả diều ở khu vực sân bay, khu vực cấm bị xem là hành vi bị cấm thực hiện. Người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Hay Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về an toàn điện. Theo đó, hành vi thả diều gây sự cố lưới điện người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. 

Ngoài các quy định nêu trên, chưa có quy định nào khác điều chỉnh về việc thả diều.

Mùa "thả diều": dây diều cứa cổ  - Ảnh 5.

Cánh diều bay lượn trên bầu trời là một hình ảnh đẹp, tuy nhiên, nếu không có kinh nghiệm và không tuân thủ quy tắc an toàn sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho người khác. Ảnh: Đinh Huy

Mặc dù hiện nay chưa có nhiều quy định pháp luật điều chỉnh về trò chơi này. Tuy nhiên, nếu người chơi không nâng cao ý thức và tuân thủ những nguyên tắc bảo đảm an toàn cho chính mình và mọi người xung quanh thì thả diều sẽ không còn là thú chơi lành mạnh nữa mà trở thành... mối lo. Đặc biệt lo hơn khi con diều được trao tay cho các em học sinh, trẻ nhỏ chưa có kinh nghiệm hoặc thiếu kiến thức xử lí rủi ro. Rất mong người dân cần nâng cao ý thức không chỉ vì thú vui tiêu khiển của mình mà làm ảnh hưởng, gây thương tích cho người khác.

Theo Hạ Vũ

Cùng chuyên mục
XEM