Nhiều người bất ngờ nhận "lệnh truy nã, bắt khẩn cấp" qua điện thoại

15/03/2022 21:20 PM | Xã hội

Gần đây, nhiều người dân hoảng hốt khi nhận được tin nhắn với nội dung "Lệnh truy nã" trong khi mình không hề vướng phải vụ án nào.

Theo hình ảnh được đăng tải trên báo điện tử Chính phủ, một nạn nhân nhận được tin nhắn với nội dung: " Lệnh truy nã : Căn cứ tài liệu thu thập được, ngày 09/03/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra chính thức truy nã ông/bà và đồng phạm về hành vi Lừa đảo, cấu kết, chiếm đoạt tài sản . Nội trong 48 giờ tới, đối tượng không tự giác trình diện sẽ tiến hành chuyển giao khoản vay cho Công ty đòi nợ thuê…".

Ngoài bị nhận lệnh truy nã qua tin nhắn, có trường hợp người dân còn nhận được cuộc điện thoại của người xưng "công an", thông báo việc "có thể bị khởi tố".

Vào tháng 10/2021, một phụ nữ trú tại phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội nhận được điện thoại của một người lạ tự xưng là Công an, nói đang điều tra về một đường dây mua bán trái phép chất ma túy, chị được xác định là người có liên quan.

Nạn nhân này sau đó bị đối tượng liên tục đe dọa sẽ bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra. Quá hoảng sợ, chị đã làm theo mọi hướng dẫn, chuyển tiền cho đối tượng giả danh...

Không gửi lệnh truy nã qua điện thoại

Trước thông tin trên, trao đổi với báo chí, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu (Chuyên gia Tội phạm học,  Bộ Công an) khẳng định, Cơ quan công an không gửi lệnh truy nã bằng tin nhắn điện thoại đến người dân. Đây là trò lừa đảo mạo danh mà người dân cần cảnh giác, tránh bị kẻ gian lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 Nhiều người bất ngờ nhận lệnh truy nã, bắt khẩn cấp qua điện thoại - Ảnh 1.

Tiến sĩ Đào Trung Hiếu - Chuyên gia Tội phạm học. Ảnh: NVCC

"Thời gian gần đây, nhiều người dân bất ngờ nhận tin nhắn điện thoại với nội dung thông báo "lệnh truy nã" của cơ quan công an. Nội dung tin nhắn còn nêu rõ hành vi bị truy nã. Đồng thời yêu cầu người nhận tin nhắn tự giác ra trình diện. Khi nhận những tin nhắn nội dung nêu trên, không ít người hoang mang vì chưa được trang bị các kiến thức pháp luật cần thiết; tạo điều kiện cho tội phạm gây án", chuyên gia Đào Trung Hiếu cho biết.

Phân tích về thủ đoạn lừa đảo, ông cho rằng kẻ xấu sẽ đưa thông tin giả mạo để rung dọa người dân. Nếu nạn nhân tin, chúng sẽ dẫn dụ, yêu cầu chuyển tiền để chạy án, để xác minh… hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật khác.

Thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an cho thấy, từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2021 cả nước xảy ra gần 2.500 vụ lừa đảo trên không gian mạng, trong đó có 527 vụ đối tượng giả danh cơ quan tư pháp để lừa đảo, chiếm đoạt sản của người dân. Thủ đoạn lừa đảo của đối tượng không mới, nhưng cách thức rất tinh vi khiến nhiều người mắc bẫy.

Lệnh truy nã phải được gửi trực tiếp từ cơ quan công an

Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng, Công ty Luật TNHH TGS, lệnh truy nã sẽ được gửi đến công an hoặc đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công An hoặc Công an tỉnh/thành phố.

Các bài đăng truy nã trên Cổng thông tin điện tử có đầy đủ thông tin về vụ việc (địa điểm, thời gian xảy ra, tang vật liên quan) và thông tin về đối tượng truy nã, cùng số điện thoại của cán bộ thụ lý hồ sơ.

 Nhiều người bất ngờ nhận lệnh truy nã, bắt khẩn cấp qua điện thoại - Ảnh 2.

Lệnh truy nã của cơ quan công an, đăng tải trên Cổng thông tin chính thống.

"Pháp luật hoàn toàn không có quy định gửi lệnh truy nã qua tin nhắn điện thoại. Người dân cần tỉnh táo, cảnh giác tránh không bị kẻ gian lợi dụng để lừa đảo" - Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Công ty Luật TNHH TGS

Theo luật sư Hùng, việc gửi thông báo quyết định truy nã được quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch 13/2012 hướng dẫn quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật thi hành án hình sự về truy nã, do Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao ban hành.

Cụ thể, quyết định truy nã phải được gửi đến các địa chỉ gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Công an cấp huyện nơi đăng ký thường trú, tạm trú, nơi ở và quê quán của người bị truy nã; Công an cấp tỉnh nơi người bị truy nã có khả năng lẩn trốn hoặc gửi đến tất cả công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quyết định truy nã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân biết, phát hiện, bắt giữ đối tượng bị truy nã.

"Khi nhận được lệnh truy nã trên điện thoại, người dân cần đề cao cảnh giác. Đặc biệt, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào. Người dân không nên nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định.

Lực lượng Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng", luật sư Hùng nói.

Về xử phạt, nếu người nào giả danh lệnh truy nã của công an nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.

Chế tài hành chính được áp dụng cho hành vi giả danh công an để chiếm đoạt số tiền dưới 2.000.000 đồng.

Với hành vi có tính chất mức độ cao hơn thì bị xử lý theo các chế tài hình sự. Cụ thể, người giả danh công an để chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thủ đoạn gian dối, sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trường hợp người phạm tội chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Nếu tài sản chiếm đoạt trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, người vi phạm sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Trường hợp tài sản chiếm đoạt trị giá trên 500 triệu đồng, kẻ lừa đảo sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Theo Phương Anh

Cùng chuyên mục
XEM