Nhiều ngân hàng được cho tiền cũng chẳng dám nâng lãi suất

01/10/2016 19:20 PM | Kinh tế vĩ mô

Trong khi có ngân hàng còn huy động vượt trần hoặc đua nhau lãi suất hơn 8% thì cũng có ngân hàng không dám nâng lãi suất ngay cả với khách VIP gửi hàng chục tỷ đồng.

Mới đây, các ngân hàng thương mại Nhà nước đã đồng loạt hạ lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 1 năm, mức giảm từ 0,3 – 0,5%. Nguyên nhân được cho là thanh khoản dôi dư, đồng thời để có thêm cơ sở hạ được phần nào lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Trước đó, nhiều ngân hàng, đặc biệt ngân hàng có tốc tộ huy động vốn chậm như Eximbank, VPBank..., vẫn cạnh tranh nhau và nâng lãi suất các kỳ hạn được thả nổi nhằm hút khách hàng. Một số ngân hàng đẩy kỳ hạn dài lên tới trên dưới 8% như VietCapital Bank (8,2%), VPBank, CBBank và NCB (8%/năm), TPBank (7,9%)…

Thậm chí có trường hợp như một phòng giao dịch của PVcomBank còn thỏa thuận cộng thêm lãi suất “vượt trần” 0,25% để hút nguồn tiền gửi lớn với USD và cộng thêm 0,5% cho khoản tiền VNĐ để rồi bị “tố” là cạnh tranh không lành mạnh với các nhà băng khác.

Thế nhưng cũng có nhiều ngân hàng cho biết, đừng nói đến chuyện bỗng dưng tăng lãi suất hoặc cộng thêm lãi mà ngay cả khi “được cho tiền” họ cũng chẳng dám nâng lãi suất lên cao vì làm như thế chẳng khác nào tự lấy đá ghè chân mình.

Phó Tổng giám đốc ngân hàng N. chia sẻ với chúng tôi rằng, huy động vốn năm nay khá dễ nhưng vì cửa cho vay quá khó khăn nên các ngân hàng có thanh khoản đủ dùng sẽ chẳng dại gì mà huy động vốn với chi phí cao. “Huy động cả đống tiền như vậy mà không cho vay được thì càng huy động nhiều chỉ càng làm cho ngân hàng thua lỗ nhiều hơn thôi”, ông nói.

Trong thực tế hoạt động ngân hàng, Thúy Hiền, một chuyên viên quan hệ khách hàng VIP của ngân hàng T. cho biết, trước đây nếu như các khách hàng VIP của ngân hàng này có khoản tiền gửi từ 2 tỷ trở lên sẽ được cộng thêm lãi suất khoảng 0,2-0,4% so với biểu lãi niêm yết, nhưng bây giờ chế độ lại khác. “Ngày hôm qua tôi vừa để trượt một khách hàng gửi 20 tỷ đồng vì lãi suất chỉ xin cộng thêm có 0,1% mà không được Sếp phê duyệt”, chị Hiền chia sẻ trong tiếc nuối.

Cũng theo chị Hiền, vị khách kia gửi kỳ hạn 18 tháng, kể cả cộng thêm lãi suất thì vẫn thấp hơn nhiều mức trên 8% mà nhiều ngân hàng đang áp dụng nên chị lại càng tiếc.

Còn Nguyễn Tuấn Linh làm chuyên viên khách hàng cá nhân của ngân hàng Q. thì cho biết, do huy động dễ dàng nên chỉ tiêu cho cán bộ kinh doanh của nhiều ngân hàng hiện không còn áp về tiền gửi hay thẻ mà áp về cho vay. Như vị trí của anh phải tìm kiếm khách để mỗi tháng giải ngân 5 tỷ đồng mới đủ KPI. Anh và đồng nghiệp hai tháng nay phải “chạy khắp các cửa” để cho vay, từ vay mua nhà cho đến vay tiêu dùng như mua ô tô, sửa chữa nhà cửa…

Dù cho vay khó nhưng theo các cán bộ ngân hàng, những bài học về nợ xấu và rủi ro pháp lý buộc họ phải trở nên thận trọng hơn, chấp nhận thà không cho vay hoặc cho vay được ít mà an toàn còn hơn ồ ạt cho vay trong cảnh nỗi lo mất vốn thường trực.

Cũng chính bởi tín dụng không triển khai được mạnh nên các chuyên gia dự đoán bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm nay sẽ khó cải thiện khi mà thu nhập từ lãi vẫn chiếm hơn nửa tổng lợi nhuận của nhà băng.

Theo Tùng Lâm

Cùng chuyên mục
XEM