Nhiều đơn hàng dệt may chuyển sang Việt Nam
Nhiều doanh nghiệp dự báo, thị trường sẽ sớm phục hồi vào quý II, quý III, các đơn hàng dệt may sẽ tăng trở lại.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp dệt may đang bước vào "cuộc đua" tuyển lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao, khả năng thiết kế tốt. Hiện nay, không chỉ đơn hàng phổ thông, mà các đơn hàng cao cấp, yêu cầu phức tạp cũng đang được các đối tác chuyển sang Việt Nam, nhờ năng lực sản xuất, quản lý tốt.
Nhiều doanh nghiệp dự báo, thị trường sẽ sớm phục hồi vào quý II, quý III, các đơn hàng sẽ tăng trở lại. Do vậy, doanh nghiệp rất cần lượng lao động ổn định, tay nghề cao để đáp ứng.
Trước những tín hiệu tích cực từ các thị trường, nhiều doanh nghiệp ngay từ đầu năm đã ra quân 100% lao động, cùng đó tuyển dụng thêm nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các đơn hàng cao cấp từ phía các đối tác.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các hiệp định thương mại đang là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng. Đơn cử như trước đây, doanh nghiệp nội địa cung cấp sản phẩm cho các nước đạo Hồi với tỷ trọng nhỏ, nhưng đến nay, doanh nghiệp đang cung cấp hàng cho thị trường này rất lớn, họ chuyển dịch một phần đơn hàng từ các nước Banglades, Myanma sang.
Ngoài ra, dệt may Việt Nam đã và đang thúc đẩy giảm nhập khẩu, tăng nội địa hóa nguyên phụ liệu trong nước. Chính điều đó là giải pháp để doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên phụ liệu sản xuất.
Theo thống kê sơ bộ, hiện dệt may đã nội địa hóa được khoảng 49%. Trong 2 năm tới, dự kiến con số này sẽ được nâng lên mức 51 - 55%.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) dự báo xuất khẩu ngành dệt may năm 2023 có thể đạt 45 - 47 tỷ USD bất chấp khó khăn từ các thị trường trọng điểm; trong đó, doanh nghiệp nào giữ chân lao động tốt, sẽ bắt nhịp nhanh hơn khi thị trường phục hồi trở lại vào quý II tới đây.
Được biết, một trong những động lực quan trọng để các nhãn hàng tìm đến thị trường Việt Nam còn bởi các chương trình phát triển bền vững, xanh hóa, quản trị số và kinh tế tuần hoàn. Đây là giải pháp để thúc đẩy, giữ ổn định và phát triển tại Việt Nam; đặc biệt là sự khuyến khích doanh nghiệp dệt may phát triển bán hàng theo thiết kế, sáng tạo, giảm thiểu làm hàng gia công cho đối tác.