Nhiều doanh nghiệp Việt rất chủ quan khi ký kết hợp đồng, chỉ cầu cứu tới luật sư khi đã xảy ra tranh chấp, nhưng lúc đó đã quá muộn!

19/04/2019 11:26 AM | Kinh doanh

Các luật sư cho rằng doanh nghiệp Việt Nam thường gặp rắc rối liên quan đến sở hữu trí tuệ, thiếu hiểu biết về quy trình pháp lý, không chặt chẽ trong khâu soạn thảo hợp đồng, dễ bị bất lợi trước đối tác nước ngoài và bị thiệt hại hàng trăm nghìn USD cho một vụ kiện.

Chia sẻ bên lề hội thảo xuất nhập khẩu trong bối cảnh CPTPP tại TPHCM, nhiều luật sư có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp dân sự về hợp đồng kinh doanh quốc tế đã lưu ý doanh nghiệp Việt Nam về những rủi ro hay mắc phải khi đàm phán ký kết với đối tác nước ngoài.

Luật sư Lê Nết - thành viên công ty Luật TNHH LNT & Partners, khẳng định nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi bước ra thương trường quốc tế thường rất chủ quan trong khâu soạn thảo và giao kết hợp đồng. Thậm chí, họ không nhận thức rõ về các vấn đề như bản chất hàng hóa, nhãn hiệu, nhượng quyền, sở hữu trí tuệ...

Một case study điển hình về rắc rối liên quan đến sở hữu trí tuệ được một luật sư dẫn chứng là trường hợp của một doanh nghiệp cà phê startup đình đám (các luật sư có nguyên tắc bảo mật thông tin cho thân chủ).

Doanh nghiệp này từng đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu cà phê chồn ở Việt Nam. Trong quá trình tìm kiếm đối tác phân phối cà phê trên đất Mỹ, doanh nghiệp quên rằng việc đăng ký sở hữu trí tuệ chỉ có giá trị ở Việt Nam chứ không được công nhận ở Mỹ. Kết quả là họ vướng vào vụ kiện thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ với đối tác và phải mất hàng trăm nghìn USD mới lấy lại nhãn hiệu về.

"Nhiều doanh nghiệp Việt chỉ thuê luật sư khi xảy ra tranh chấp, chứ không thuê luật sư từ quá trình khởi động đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại. Lúc ký kết, họ không để ý đến mốc thời gian quy định. Nếu vượt qua nó, rủi ro có khi chuyển từ chủ thể này sang chủ thể kia", ông Lê Nết nói.

Vị luật sư này đưa ra ví dụ, do không chuẩn bị pháp lý từ trước, nhiều lô hàng khi xuất đi, bên mua viện lý do không đạt chất lượng và không thanh toán. Người bán thấy chi phí hầu kiện quá cao nên chán nản và từ bỏ vụ kiện, chấp nhận thiệt hại.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không có bộ phận pháp lý hỗ trợ, lại muốn tiết kiệm thời gian nghiên cứu nên họ soạn thảo điều khoản lỏng lẻo, dễ bị đối tác giải thích theo hướng bất lợi khi xảy ra tranh chấp.

Theo luật sư Lê Nết, doanh nghiệp Việt Nam làm ăn ở quốc gia nào thì phải chú ý hệ thống pháp luật của quốc gia đó. Ví dụ như các nước Anh - Mỹ theo hệ thống thông luật (common law - chú trọng án lệ), họ có xu hướng giải thích pháp lý dựa trên câu chữ. Còn các nước theo hệ thống dân luật (civil law - chú trọng quy phạm) thì giải thích căn cứ vào ý chí chung.

Từ đó, nếu doanh nghiệp ký kết hợp đồng với đối tác trọng thông luật thì phải cân nhắc hình thức soạn thảo. Ngược lại, nếu giao thương với đối tác trọng dân luật thì có thể sử dụng hợp đồng ràng buộc lỏng lẻo, phụ thuộc vào ý chí thỏa thuận của mỗi bên.

Khi tham gia vào hoạt động kinh doanh quốc tế, không ai có thể bao quát hết toàn bộ điều khoản quy định trong nội dung của các hiệp định, công ước. Chính vì vậy, các doanh nghiệp nên tìm đến một luật sư có chuyên môn sâu về một lĩnh vực pháp lý để nhờ tư vấn.

Theo các chuyên gia, hoạt động hỗ trợ pháp lý càng được chuyên môn hóa thì càng giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro.

Phương Danh

Cùng chuyên mục
XEM