Nhiều địa phương tập trung hạ nhiệt cơn sốt đất

30/03/2022 15:13 PM | Kinh doanh

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khách quan khiến giá đất nền khó có thể hạ nhiệt trong một sớm một chiều

Trước tình trạng phân lô, tách thửa, "thổi" giá đất tràn lan gây xáo trộn đời sống, bất ổn cho thị trường bất động sản (BĐS), nhiều địa phương đã tạm dừng giải quyết thủ tục liên quan việc chia tách thửa; đồng thời có biện pháp kiểm soát các hoạt động kinh doanh BĐS trên địa bàn.

Siết phân lô, bán nền

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có công văn gửi UBND các quận, huyện, thị xã và Văn phòng Đăng ký đất đai yêu cầu kiểm tra, rà soát, báo cáo về việc phân lô, chia tách thửa, san hạ đất để xây dựng hạ tầng đường giao thông trên địa bàn trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2017 đến 31-1-2022 đối với thửa đất có diện tích hơn 500 m2.

Ngoài ra, trong thời gian UBND TP Hà Nội chưa có quy định cụ thể về điều kiện tách, hợp thửa đất, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục liên quan việc chia tách thửa đối với đất nông nghiệp, thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp, thửa đất phi nông nghiệp không phải đất ở...

Tại Bắc Giang, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Xây dựng tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý các sàn giao dịch và các doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Các sàn giao dịch BĐS trên địa bàn tỉnh sẽ phải thực hiện báo cáo định kỳ hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS qua sàn và chịu trách nhiệm về hồ sơ, thông tin cung cấp. Đồng thời, chấn chỉnh các chủ đầu tư tại nhiều khu dân cư, khu đô thị chưa đủ điều kiện chuyển nhượng đã bán "lúa non" dưới dạng góp vốn.

Ngoài ra, UBND tỉnh Bắc Giang còn giao Cục Thuế địa phương này tăng cường quản lý đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS của người dân, doanh nghiệp. Các chi cục thuế phối hợp với UBND các huyện, thành phố trong tỉnh để quản lý nhằm chống thất thu thuế.

Trước đó, nhiều địa phương phía Nam và Tây Nguyên cũng có động thái tương tự. Cụ thể, hồi đầu năm nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng việc tiếp nhận, xem xét giải quyết các thủ tục liên quan việc phân lô, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn sau những lùm xùm về hiến đất, làm đường, làm dự án chui.

UBND TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước ngày 22-3 vừa qua cũng đã ban hành công văn hỏa tốc tạm dừng tách thửa đối với các thửa đất nông nghiệp và tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Tỉnh này khẳng định sẽ không thực hiện tách thửa (tất cả loại đất) đối với đất đã có quy hoạch chi tiết 1/500, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng ban hành văn bản bổ sung yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân. Cùng với đó, nghiêm cấm việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các thửa nằm ngoài khu vực dân cư hiện có, dẫn đến hình thành các điểm dân cư mới chưa đáp ứng được điều kiện cơ sở hạ tầng khu vực, gây ra tình trạng phân lô bán nền tràn lan trên địa bàn.

Nhiều địa phương tập trung hạ nhiệt cơn sốt đất - Ảnh 1.

Sau đề xuất xây cầu Mã Đà của tỉnh Bình Phước, giá đất trên đường ĐT 753 tăng đột biến. Ảnh: THẢO NGUYÊN

Kênh đầu tư ít rủi ro?

Chính phủ cùng các bộ, ngành và địa phương thời gian qua đã có nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh, hạ nhiệt giá BĐS. Tuy vậy, một chuyên gia kinh tế cho rằng thực tế, trong bối cảnh nền kinh tế đang hồi phục sau khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát, đẩy mạnh đầu tư công để phát triển mạnh các công trình trọng điểm về hạ tầng, giao thông, cùng với đó là các chủ đầu tư triển khai hàng loạt dự án lớn khắp nơi nên giá BĐS khó lòng hạ nhiệt trong thời gian ngắn.

Theo ghi nhận của phóng viên, tình hình giao dịch đất đai tại nhiều địa phương lân cận TP HCM hoặc xa hơn vẫn rất nhộn nhịp, bất chấp việc chính quyền có những biện pháp kiềm chế, cũng như cảnh báo về sốt đất . Chẳng hạn, tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương gần đây, nhiều người đã xếp hàng chờ ở phòng công chứng từ 3-4 giờ sáng mới kịp công chứng các giấy tờ mua bán đất đai.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận Tiếp thị nhà ở - CBRE Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh rủi ro lạm phát, các nhà đầu tư có nhu cầu lớn tìm một kênh neo giữ tài sản, mà BĐS thường là kênh đầu tiên được nghĩ đến. "BĐS là sự lựa chọn phù hợp làm kênh trú ẩn, vì nếu để tiền ở ngân hàng hay ở nhà có thể sẽ mất giá trị và mua vàng cũng có thể bị biến động. Nhưng nếu mua BĐS thì hầu như giá trị được giữ ổn định và thậm chí sẽ còn gia tăng theo thời gian" - ông Kiệt lý giải.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, việc nhiều địa phương đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công, cùng với các thông tin quy hoạch vùng, kế hoạch tiển khai hạ tầng khiến các nhà đầu tư chú ý và đi theo khuynh hướng đầu tư đón đầu khiến giá đất tăng cao. Trong giai đoạn 2020-2021, nhiều địa phương thu hút được nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ về các khu công nghiệp, khu kinh tế, phát triển du lịch cũng góp phần tạo sức hút cho BĐS tại các khu vực đó.

Ở một góc độ khác, chuyên gia BĐS cá nhân, ông Phan Công Chánh cho rằng nhìn vào thị trường chứng khoán thời gian qua có thể hiểu do đâu đất nền lại sốt. Cụ thể, 2 năm qua, thị trường chứng khoán đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng, quy mô ngày càng được mở rộng. Trong khi đó, chứng khoán và BĐS là hai lĩnh vực liên thông nhau, nếu chứng khoán tăng trưởng thì BĐS sẽ được hưởng lợi. Do đó, từ đầu năm 2022 đến nay, rất nhiều nhà đầu tư đã chuyển phần lợi nhuận từ chứng khoán sang BĐS - kênh đầu tư ít rủi ro hơn để bảo toàn tài sản, theo tâm lý cố hữu.

Cùng với đó, thực trạng thiếu nguồn cung BĐS tại các thành phố lớn cũng góp phần gây nên tình trạng "sốt đất". "Xu hướng dịch chuyển nguồn cung sang các khu vực lân cận thành phố lớn đã diễn ra từ nhiều năm trước và sẽ còn diễn biến, tạo ra cơ hội tìm kiếm đầu tư BĐS với giá phù hợp" - ông Chánh nhận xét.

Trong bối cảnh đó, ông Võ Huỳnh Tấn Kiệt cho rằng đề xuất đánh thuế BĐS để kiềm chế sốt đất thực chất chỉ thúc đẩy người bán tăng giá BĐS chứ không ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu của nhà đầu tư. Họ sẽ không thay đổi ý định bỏ tiền vào BĐS vì tăng thuế vài %.

Sau quyết định tạm dừng tách thửa, phân lô của chính quyền tỉnh Lâm Đồng, nhiều người trước đó đã thu gom đất nông nghiệp làm "dự án" nhưng cuối cùng không thể phân lô được. Chị Thanh (ngụ TP HCM) cho biết năm ngoái, chị mua mảnh đất nông nghiệp ở xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng với diện tích gần 6.000 m2, dự định phân lô thành 12 nền, mỗi nền 500 m2, để bán lại với giá 800 triệu đồng/nền. Song, do tách thửa không thành nên chị quyết định bán cả lô với giá 5,3 tỉ đồng nhưng rao từ trước Tết đến nay vẫn chưa bán được.

Ông Phạm Phúc (ngụ TP HCM) cũng đầu tư rất nhiều tiền vào 3 mảnh đất ở thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà với tổng diện tích hơn 2 ha nhưng chính quyền không cho phân lô, tách thửa. Thấy việc tách thửa khó khăn nên ông định rao bán cả lô đất nhưng khó tìm được người mua vì giá khá cao.

Theo Sơn Nhung

Cùng chuyên mục
XEM