"Nhiều cháu béo phì có phải do học nhiều quá"?

23/02/2017 19:38 PM | Sống

Sáng 23/2, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT thành phố về vấn đề tự chủ - xã hội hóa và định hướng phát triển ngành giáo dục và đào tạo thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Xin cho hiệu trưởng tự tuyển giáo viên, học 8 môn/năm

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, toàn thành phố có 2.168 cơ sở giáo dục với hơn 1,7 học sinh, sinh viên; có 83.517 giáo viên, 46.053 phòng học.

Ông Đinh La Thăng làm việc với lãnh đạo ngành giáo dục thành phố

Giáo dục vướng mắc khi thực hiện tự chủ nhân sự, cụ thể một số chức danh cần thiết trong trường như giám thị, giáo viên làm công tác tư vấn chưa được quy định vị trí việc làm.

Ông Sơn cho hay, ngành giáo dục thành phố đặt ra mục tiêu đến năm 2030, giao quyền tự chủ cho các trường về công tác tuyển dụng và sử dụng giáo viên. Các trường tự quyết định học phí theo phương châm thu đủ bù chi để đảm bảo sự phát triển của nhà trường…

Ngoài ra, thành phố sẽ tổ chức biên soạn bộ SGK phù hợp dựa trên chương trình chung của Bộ GD-ĐT, chương trình cấp học xây dựng theo hướng mở. Một số môn bắt buộc phải học theo trình tự lớp như Văn -Tiếng Việt, Toán. Các môn khác được tự chọn phải hoàn thành trong cả cấp học với số lượng môn học tối đa nên là 8 môn trong 1 năm. Cho phép các trường chủ động điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn trên cơ sở chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình tích hợp. Thành phố sẽ tự thực hiện kiểm tra, đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT, nhà trường giáo viên đánh giá định kỳ.

Ông Sơn kiến nghị, thành phố giao quyền tự chủ cho một số trường đủ điều kiện được xây dựng mức thu đảm bảo đù bù chi, không lợi nhận với yêu cầu phải công khai tài chính, tài sản. Riêng một số trường có điều kiện sang tự chủ hoàn toàn 100% và tự quyết mức thu, có thể thu ở mức cao. Cho hiệu trưởng chủ động công tác nhân sự, tự quyết định giáo viên tùy vào điều kiện đặc thù của đơn vị. Đồng thời, cho mở rộng, duy tu các phòng học, đảm bảo 300 phòng học/10.000 dân.

Đã tính tăng dân số cơ học chưa?

Sau khi nghe ông Sơn báo cáo, ông Thăng hỏi, “nếu đủ 300 phòng học/10.000 dân là ngành sẽ đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra tới năm 2030 đúng không? Vậy ngành đã tính tới việc tăng dân số cơ học chưa?”

Ông Sơn cho rằng,“đưa ra con số này là ngành đã tính tới việc tăng dân số cơ học”.

Còn Nguyễn Huỳnh Long, Trưởng phòng tổ chức Sở cho rằng, dù chất lượng đào tạo của thành phố luôn chủ động, ứng phó với những thay đổi của công tác thi cử, nhưng việc mất cân đối trong đào tạo nghề vẫn còn, đặc biệt việc công nhận một số chức danh như giám thị, y tế…

"Ngành giáo dục cần bao nhiêu hồ bơi"

Ông Thăng lưu ý ,việc cộng điểm cho một số ngành đặc thù như ngành y cần xem xét lại, vì như vậy các trường y khó tuyển được học sinh giỏi và một bộ phận học sinh sẽ ỷ lại.

Ông Thăng cũng đặt hàng ngành giáo dục thành phố, “có tự tin để xây dựng đội ngũ giáo viên của mình đạt chuẩn quốc tế hay không?. Vì làm được vậy, học sinh của thành phố khi đi du học nước ngoài mới có thể tiếp thu được kiến thức tiên tiến của các nước”- Bí thư Thăng nói.

"Ngành giáo dục cần bao nhiêu hồ bơi"?

Một vấn đề liên quan đến công tác thể dục thể thao, Bí thư Thăng đặt câu hỏi với các lãnh đạo ngành giáo dục thành phố sáng nay là, “khi đi khai giảng tại một số trường học, thấy nhiều cháu học sinh diện báo phì, vậy công tác thể dục, thể thao trong các trường học ra sao? Có phải do điều kiện về cơ sở vật chất chưa đảm bảo hay do các thầy cô bắt các cháu học nhiều quá?”

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định, toàn thành phố có 1/3 các trường học đảm bảo về cơ sở vật chất, đủ điều kiện dạy học như các trường tiên tiến của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, với chương trình như hiện nay rất khó trong việc dạy thêm những kỹ năng khác cho học sinh, trong đó có rèn luyện thể dục thể thao.

Tiếp tục, Bí thư Thăng đặt câu hỏi, “tại sao giám thị không nằm trong biên chế từ công tác xã hội hóa, ngành vẫn trả lương được cho đối tượng này. Vậy với giáo viên thuộc tin học; ngoại ngữ ngành lại kêu thiếu vì không có lương trả cho họ?”

“Ngành GD-ĐT phải mạnh dạn đi đầu, dám đổi mới, dám thí điểm, đặc biệt là phải làm sao để có đủ giáo viên tiếng Anh. Nói hội nhập, mà học sinh được học tiếng Anh ít, học sinh không giao tiếp được tiếng Anh thì không thể nói là hội nhập được”- ông Thăng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, muốn làm được việc này, thì việc tuyển chọn giáo viên đạt chuẩn là quan trọng nhất. “chỉ có đạt chuẩn, thầy mới có thể giảng dạy được tiếng Anh. Bên cạnh đó, việc đổi mới phương pháp dạy học là yêu cầu bắt buộc đối với các thầy cô giáo, nhưng thực tế vẫn còn một bộ phận nhỏ giáo viên lớn tuổi, ngại thay đổi trong cách dạy” – ông Hiếu cho biết,

Liên quan đến vấn đề phổ cập bơi, ông Hiếu cho biết, có 81 hồ bơi trong trường trong thành phố, nhưng các huyện ngoại thành rất khó khăn. Riêng hồ bơi di động chỉ phục vụ được một lúc từ 5-7 học sinh nên khó phổ cập bơi.

Nghe đến đây, ông Thăng hỏi ngay,“vậy ngành ngành giáo dục cần bao nhiêu hồ bơi?

Trả lời vấn đề này, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở cho biết, có hai hình thức đó là nhà nước đầu tư và hình thức kích cầu, bên cạnh đó là công tác xã hội hóa như hồ bơi di rộng.

Theo ông Nguyễn Hùng, Phó giám đốc Sở VH-TT-TT: công tác phổ cập bơi được Sở triển khai hơn 10 năm qua, nhưng khi cùng ngành giáo dục xuống kiểm tra thì có hiện tượng họ không hỗ trợ công tác này, có quận chỉ hỗ trợ mức tiền đầu tiên đó là cho các cháu biết bơi, còn nâng cao thì học sinh phải bỏ tiền ra học.

“Các thầy cô giáo quá hiền nên cho biên chế bao nhiêu chấp nhận bấy nhiêu”

Liên quan tới vấn đề chi cho giáo dục, bà Phan Thị Thắng- Giám đốc Sở Tài chính cho biết, các nguồn ngân sách dành cho giáo dục được thành phố ưu tiên, nhưng do các chủ đầu tư không đáp ứng những yêu cầu của Sở mà một số dự án chậm tiến độ.

Theo bà Thắng năm 2017, chi cho giáo dục vẫn tiếp tục tăng. Ông Thăng liền đặt câu hỏi, “ngân sách ổn định cho giáo dục đến năm 2020 có được không”? Bà Thắng cho biết, “nếu bộ và ngành giáo dục không có biến động thì việc này có thể làm được”.

Ông Thăng đưa ra lưu ý, phải tính từ các khoản chi cố định của ngành và biến động giá, có vậy ngành giáo dục mới chủ động trong ngân sách của mình.

Bà Thắng cho rằng, việc gì trong thẩm quyền của Sở gỡ được cho ngành giáo dục Sở luôn sẵn sàng. Nhưng muốn vậy, thì hai Sở phải ngồi cùng với nhau, từ đó mới có cơ sở để trình cho thành phố.

Riêng về việc chi cho giáo viên tiếng Anh, bà Thắng cho rằng, chi cho giáo dục phải đúng theo qui định. Việc chi cho giáo viến tiếng Anh phải làm đúng việc này. Bà Thắng cũng cho rằng, về mức học phí, nếu là mức trần thì ngành cần có đề xuất vượt trần.

Ông Thăng gợi ý, nếu đây là qui định của Bộ thì Sở có cách nào tính toán giúp cho ngành giáo dục hay không? Tuy nhiên, bà Thắng trả lời, việc này sở chỉ “đi theo” sở GD-ĐT.

Liên quan đến việc biên chế giáo viên, ông Lê Văn Làm, Phó giám đốc Sở Nội vụ cho biết, có những chỉ tiêu, sở đã ra xin Bộ nhưng không cho, sau khi được thành phố chỉ đạo cấp bổ sung biên chế cho ngành thì Sở mới làm. Vì vậy năm học 2016-2017, cơ bản các quận/huyện không thiếu biên chế giáo viên.

Với những trường đã tự chủ tài chính, được tự chủ trong tuyển dụng giáo viên nên những thầy cô giáo dạy tại các trường này có mức lương rất cao.

Ông Làm cho rằng, “các thầy cô giáo quá hiền nên cho biên chế bao nhiêu đều chấp nhận bấy nhiêu. Đây là thiệt thòi của ngành, nên có nhiều trường phải đưa giáo viên kiêm nhiệm các chức danh, công việc khác trong trường”.

Phó GĐ Sở Nội vụ cũng đánh giá “đến việc xếp lương cho cho giáo viên cũng do Bộ chủ quản đặt ra là một bất cập”

Theo Lê Huyền

Cùng chuyên mục
XEM