Nhiều biệt thự “vạn người mơ“ bị ghẻ lạnh ở Hà Nội: Vì sao nên nỗi?

24/07/2018 09:56 AM | Kinh doanh

Sống trong những ngôi biệt thự, những căn nhà phố liền kề tiền tỷ hoành tráng, nhưng dân cư khốn khổ vì "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Sau mỗi trận mưa, nhiều khu đô thị ở gần nút giao Thiên Đường Bảo Sơn-Lê Trọng Tấn với Đại lộ Thăng Long như KĐT Geleximco, KĐT Nam An Khánh... chìm trong biển nước.

Theo khảo sát của PV, sau một trận mưa lớn, cư dân ở khu vực này “cười ra nước mắt” khi phải bơi giữa trời nắng gắt. Tầng hầm của nhiều căn nhà liền kề ngập sâu từ 1,2 đến 1,5m, không hề có giá trị sử dụng.

Nhiều gia đình bắc cầu bằng ghế vì đường đã thành sông.  Kì lạ những căn biệt thư “vạn người mơ” đến nay nhiều nhà vẫn bỏ hoang, vì khổ hơn "ở quê".

Hệ thống thoát nước thiếu sự kết nối

Giải thích nguyên nhân những khu biệt thự ven các tuyến đường Đại lộ Thăng Long, Lê Văn Lương kéo dài thường xuyên ngập nặng khi mưa lớn. Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Quốc Thông – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam phân tích: “Ở những khu đô thị mới này, vấn đề cốt yếu nhất vẫn là ở khâu thoát nước. Thoát nước có hai cách thoát nước tự nhiên và thoát nước cưỡng bức.

Lỗi ở đây là lỗi hạ tầng còn về thiết kế người ta đã tính toán. Khi làm một khu vực thì hệ thống thoát nước phải kết nối thành hệ thống liên hoàn với nhau. Nhưng do ở khu vực này chưa hoàn thiện được nên đang sử dụng cục bộ thì ngập là không tránh khỏi. Còn nếu dùng hình thức cưỡng bức thì chỉ có thể dùng máy bơm bơm ra tạm thời. Các chủ đầu tư cũng muốn giải quyết trước mắt là bán nhà nhanh mà chưa quan tâm đến đầu tư hạ tầng".

Nhiều biệt thự “vạn người mơ“ bị ghẻ lạnh ở Hà Nội: Vì sao nên nỗi? - Ảnh 1.

Nước ngập sâu từ 1,2-1,5m trong tầng hầm.

Trao đối về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Uyên - Phó trưởng Phòng Đối ngoại Truyền thông, Công ty Thoát nước Hà Nội cho rằng: Những khu đô thị mới này ở phía Tây, Tây Nam, Tây Bắc  theo địa hình là thấp, đa số là xây dựng trên đồng ruộng trước kia, khá trũng. Nước thoát ra phụ thuộc các kênh mương của hệ thống nông nghiệp, các công ty thủy lợi của huyện. Sau đó sẽ chảy ra sông Nhuệ, sông Đáy.

Hiện nay các sông nông nghiệp mực nước rất cao vì nó tự chảy xuống phía Nam. Thế nên thoát nước rất chậm. Ở các vùng huyện các cải tạo tổng thể theo các dự án thành phố thì chưa có.

Thứ hai là kết nối giữa các đô thị này với các hệ thống kênh mương nông nghiệp có thể đang gặp vấn đề nhất định nhưng công ty thoát nước Hà Nội không quản lý nên không nắm bắt được hết".

Bài toán cân bằng nước

KTS Quốc Thông cho rằng: “Giải pháp tiên quyết đó là phải có sự kết nối và đồng bộ, hệ thống cống phải được hoàn thiện, đó gọi là bài toán cân bằng về nước. Thường trong các khu đô thị nước phải thoát tự nhiên. Còn nếu khắc phục từng khu vực thì chỉ có cách cưỡng bức thoát nước. Tức là phải bơm nước đi, rất tốn kém”.

Nhiều biệt thự “vạn người mơ“ bị ghẻ lạnh ở Hà Nội: Vì sao nên nỗi? - Ảnh 2.

Người dân bắc “cầu ghế” vào nhà.

Ông Bùi Ngọc Uyên nhận định: “Theo tôi giải pháp, trong những khu đô thị này, công ty thủy lợi sông Đáy, sông Nhuệ phải kết hợp với nông nghiệp để tích cực vận hành hệ thống do họ quản lý. Làm sao đưa nước xuôi về phía Hà Nam, Nam Định để hạ mức nước sông. Khi mực nước sông hạ thì mới giải quyết được.

Trạm bơm Yên Nghĩa đang được xây dựng còn các trạm bơm khác đã hoạt động hết công suất. Nhà đầu tư phải xây dựng và kết nối ra bên ngoài, họ cần có sự chủ động bơm nước hoặc xây hồ điều hòa. Dù sao đây cũng là những khu đô thị chưa được đầu tư cải tạo mà hoàn toàn là xây mới nên mọi việc cần có thời gian”.

Theo Thảo Anh Trang

Từ khóa:  biệt thự
Cùng chuyên mục
XEM