Nhiều bệnh viện ở TP.HCM, Hà Nội đang chật kín bệnh nhi nhiễm vi rút, bệnh hô hấp...

23/09/2022 08:14 AM | Xã hội

Những ngày gần đây, khoa nhi của nhiều bệnh viện tại Hà Nội và TP.HCM đang có xu hướng quá tải bệnh nhi, có trẻ phải nằm ghép ba người/giường, cao điểm một bác sĩ phải đảm nhiệm điều trị cho 30 bệnh nhi - gấp nhiều lần so với bình thường.

Sáng 21-9, khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi trung ương rất đông người chờ khám - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Sáng 21-9, khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi trung ương rất đông người chờ khám - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Khảo sát tại các bệnh viện ở Hà Nội cho thấy số bệnh nhi điều trị nội trú có xu hướng tăng mạnh. Tại Bệnh viện Nhi trung ương, sảnh khoa khám bệnh luôn trong tình trạng đông nghẹt người. Nhiều người từ các tỉnh đưa trẻ đến khám từ sớm phải đợi chờ mòn mỏi.

Dọc hành lang khoa khám bệnh, người đứng, người ngồi, thậm chí có những bệnh nhi chờ đợi quá lâu nên ngủ thiếp ở các hàng ghế chờ.

Bệnh viện quá tải, ba cháu/giường

Chị P. (tỉnh Hà Nam) vừa bế con trên tay vừa than thở: "Con sốt cao mấy ngày nay, lại có tiền sử viêm tai giữa nên sáng nay hai mẹ con đi từ 4h sáng, tới nơi gần 6h nhưng số khám đã là 150. Gần 14h chiều mới làm xong hết các xét nghiệm, tôi đợi bác sĩ khám rồi chắc xin về điều trị chứ ở đây đông quá".

Ngồi tạm chiếc ghế trong hành lang Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), chị Lưu Ngọc Bích (Hoàng Mai, Hà Nội) kể tuần trước con bị ho và chảy nước mũi nhiều nên có cho đi khám tại phòng khám gần nhà.

Bác sĩ chẩn đoán cháu mắc viêm phế quản và chớm viêm tai giữa. 3 ngày sau, trẻ sốt 39 độ. Đến 17-9, vợ chồng chị đưa con vào Bệnh viện Nhi trung ương nhưng bệnh nhi đông quá, cháu phải nhập viện nhưng sợ bị lây chéo nên gia đình xin cấp đơn thuốc về nhà.

"10h30 đêm đó bé sốt đến 41 độ, tôi vội vàng chuẩn bị cho con vào nhập viện. Bệnh nhân đông, chúng tôi cũng chờ gần một tiếng mới được vào khám, bác sĩ báo hết giường. Khi gọi sang nhiều bệnh viện tư khác, tôi cũng nhận được thông tin tương tự. Bệnh viện Nhi trung ương chuyển con sang Bệnh viện Thanh Nhàn, nằm ghép ba trẻ/giường", chị Bích nói.

Bệnh do vi rút, viêm hô hấp và sốt xuất huyết

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cũng thông tin số bệnh nhi nhập viện đang tăng. Mỗi ngày viện này có khoảng 100 bệnh nhi đến khám.

"Khoa nhi có khoảng hơn 100 bệnh nhi, trong khi số giường bệnh chỉ là 80, một số bệnh nhi phải nằm ghép giường. Trẻ chủ yếu mắc viêm đường hô hấp và sốt xuất huyết. Hiện tại trẻ đi học và tiếp xúc nhiều, đặc biệt tiếp xúc nguồn lây bệnh, dẫn đến tỉ lệ mắc gia tăng", bệnh viện cho biết.

Tại Trung tâm nhi khoa Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhi tại viện những tháng gần đây cao hơn 20 - 30% so với cùng kỳ. Trẻ nhập viện chủ yếu do sốt vi rút, nhiễm khuẩn đường hô hấp... "Mặc dù bệnh nhân đông nhưng khoa vẫn cố gắng luân chuyển bệnh nhân nhanh, đảm bảo điều trị", đại diện khoa cho biết.

Tại TP.HCM, nhiều bệnh viện cũng thông tin số trẻ mắc bệnh về hô hấp tại bệnh viện có xu hướng tăng so với những tháng trước đó. Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) hai tháng qua ghi nhận 55.000 lượt khám ngoại trú, 4.000 bệnh nhi điều trị về bệnh lý hô hấp, viêm thanh quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi..., trong đó tỉ lệ nặng 25 - 30%.

Bác sĩ Trần Anh Tuấn - trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho biết từ tháng 8 đến nay số trẻ mắc bệnh về hô hấp có xu hướng tăng.

Phần lớn trẻ mắc các bệnh như viêm phế quản, viêm phổi và hen, chưa phát hiện bệnh do vi rút adeno gây ra. Bác sĩ Tuấn nhận định nguyên nhân chính là do sự thay đổi thất thường của thời tiết, vừa nắng vừa mưa, tạo điều kiện cho vi rút phát triển.

Bác sĩ Vũ Thị Mai, khoa nhi Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết hiện khoa đang điều trị cho khoảng 90 - 120 bệnh nhi. Mỗi ngày, khoa nhi bệnh viện tiếp nhận xấp xỉ 150 bệnh nhi đến thăm khám và có khoảng 30 bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị. Theo bác sĩ Mai, số lượng bệnh nhi mắc viêm hô hấp tăng đột biến so với mọi năm.

Nguyên nhân có thể do sau khi nhiễm COVID-19, cúm A, các bệnh hô hấp khác đã gây tổn thương niêm mạc đường hô hấp của trẻ. "Đường hô hấp trẻ chưa phục hồi tạo cơ hội cho vi khuẩn, vi rút khác gây bệnh. Bên cạnh đó, trong hai năm phòng chống dịch, trẻ chậm lịch tiêm phòng.

Ngoài ra, có một số trẻ sơ sinh nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng phải điều trị tích cực. Nguyên do là sức miễn dịch của trẻ kém, trẻ nhiễm đồng thời cả vi rút hợp bào hô hấp nên thường rất nặng. Bên cạnh đó, khoa cũng đang điều trị cho một số bệnh nhi mắc sốt xuất huyết", bác sĩ Mai cho hay.

Mặc dù bệnh viện quá tải, nhiều cha mẹ sốt ruột và mong muốn con được vào viện điều trị, tuy nhiên các bác sĩ khuyến cáo trường hợp nhẹ, bác sĩ chỉ định trẻ có thể điều trị tại nhà thì bố mẹ yên tâm theo dõi con tại nhà theo hướng dẫn, trường hợp bệnh nặng mới cần phải nhập viện.

Nhiều phụ huynh lo lắng con nhiễm vi rút adeno

Từ tháng 8-2022 đến nay, số ca bệnh nhi nhiễm vi rút adeno ở Bệnh viện Nhi trung ương có xu hướng gia tăng. Tính đến 12-9, tổng số ca nhiễm vi rút adeno được ghi nhận tại bệnh viện là 412 ca, trong đó đã có sáu bé tử vong.

Tình hình kể trên khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Chị N.T.H. (Hà Nội) cho biết sau khi có thông tin về vi rút adeno đang gia tăng, tại trường học của con trai (2 tuổi), các phụ huynh đề nghị mua khăn giấy và cốc giấy để các con sử dụng riêng. Trường cũng đề nghị những bé có biểu hiện ho, sốt, khò khè thì nên nghỉ ở nhà để tránh lây bệnh cho các bạn nhỏ khác.

Một số phụ huynh khi con có biểu hiện sốt, ho cũng yêu cầu được xét nghiệm vi rút adeno. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho biết khi vi rút adeno xâm nhập cơ thể, ban đầu sẽ gây ra các triệu chứng cúm, viêm hô hấp thông thường như sốt cao, nhức đầu, đau mình...

Sau đó có thể có các biến chứng như suy hô hấp, viêm tiểu phế quản, khởi phát cơn hen phế quản, nặng hơn có thể gây tổn thương gan, viêm gan, tổn thương não, viêm não... Đa số ca nhiễm bệnh có thể cứu được, tuy nhiên nếu để tình trạng bệnh quá nặng, không đi viện để được can thiệp sớm có thể dẫn đến tử vong.

"Triệu chứng và cách điều trị đối với trẻ nhiễm vi rút adeno hay các bệnh viêm hô hấp khác khá giống nhau nên bệnh viện không xét nghiệm tìm chủng vi rút, chỉ xét nghiệm máu để phát hiện và điều trị bệnh. Việc xét nghiệm sẽ được triển khai khi có những chùm ca bùng phát bất thường: chùm ca bệnh nhiều hộ gia đình trong xóm, khu phố...", bác sĩ Tiến cho hay.

Theo các bác sĩ, vi rút adeno không phải là vi rút mới mà là loại vi rút gây các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa phổ biến ở trẻ và phụ huynh không cần quá hoang mang.

Không lạm dụng nước muối sinh lý rửa mũi trẻ

photo-1

Bệnh nhi đang được điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ (Bệnh viện Nhi đồng thành phố, TP.HCM) cho rằng với thời tiết hiện nay dễ khiến trẻ, nhất là trẻ nhỏ, mẫn cảm mắc các chứng bệnh đường hô hấp như đau họng, chảy nước mũi, viêm mũi... Nhiều bậc phụ huynh có thói quen dùng nước muối sinh lý 0,9% súc họng hay vệ sinh mũi cho trẻ.

Dù dùng nước muối sinh lý để rửa mũi là một phương pháp hiệu quả trong phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh về đường hô hấp, tuy nhiên phụ huynh lưu ý không nên quá lạm dụng ở trẻ và chỉ nên dùng khi thật cần thiết. Nếu rửa mũi bằng nước muối sinh lý quá nhiều sẽ làm mất đi dịch tiết tự nhiên và lớp niêm mạc của mũi, gây rát, kích thích mũi, thậm chí viêm mũi.

X.MAI

Theo DƯƠNG LIỄU - THU HIẾN

Cùng chuyên mục
XEM