Nhiệt độ tháng 3/2017 cao kỷ lục: Kịch bản "thảm họa khí hậu" đang đáng sợ hơn bao giờ hết

20/04/2017 21:59 PM | Công nghệ

Bất chấp có sự xuất hiện của El Nino hay không, nhiệt độ trung bình toàn cầu của tháng 3/2017 vẫn tăng kỷ lục so với hơn 130 năm qua.

Nhiệt độ tháng 3/2017 tăng kỷ lục trong lịch sử

Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) cảnh báo, trong năm 2017, dù có thể không phải đối mặt với El Nino nhưng nhiệt độ toàn cầu đang tăng lên một cách báo động.

Cụ thể, nhiệt độ tháng Ba năm 2017 được ghi nhận là cao nhất trong lịch sử tính từ năm 1880, mặc dù không có sự "góp mặt" của El Nino, ở mức nhiệt trung bình là gần 1 độ C.

Nhiệt độ của đất liền và đại dương trên toàn cầu vào tháng 3/2017 đã tăng kỹ lục trong lịch sử. (Màu đỏ đậm thể hiện khu vực chịu mức nhiệt cao nhất) Nguồn: NOAA.

Giới khoa học khẳng định, đây chính là biểu hiện rõ ràng của sự nóng lên toàn cầu, trong đó, các nước như Pháp, Đức và một phần của châu Âu đạt mức nhiệt kỷ lục. Khu vực Bắc Cực (ngoại trừ Alaska và Canada) cũng đang ấm lên trông thấy.

Chuyên gia khí hậu thuộc NOAA Ahira Sanchez-Lugo cho biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, toàn Trái Đất ấm lên gần 1 độ C so với những năm thông thường không có El Nino.

Nhiệt độ trung bình của Trái Đất đang tăng dần theo từng năm. Nguồn: Dailymail.

Trước đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cũng đưa ra số liệu cho thấy, tháng 2/2017 cũng có mức nhiệt cao thứ hai trong lịch sử.

Có vẻ như nhiệt độ toàn Trái Đất đang tăng dần với mức chênh lệch ngày càng cao. Hệ quả khủng khiếp của nó chính là khiến băng ở hai cực tan nhanh, làm cho nước biển ngày càng dâng cao.

Cả NASA và NOAA đều đưa ra những bằng chứng cho thấy băng ở Nam Cực và Bắc Cực đang dần bị nứt ra, rồi tan dần theo thời gian và không có dấu hiệu dừng lại.

Nhiệt độ Trái đất không có dấu hiệu hạ nhiệt, điều này khiến giới khoa học trên toàn thế giới lo lắng. Ảnh: Internwt.

Băng không chỉ tan ở 2 cực, các vết băng nứt đang xảy ra tại sông băng Petermann thuộc đảo Greenland (Đan Mạch). Giới khoa học cảnh báo, nếu toàn bộ lượng băng ở Greenland tan chảy, nước biển sẽ cao thêm 7m.

Thực tế cho thấy, sự nóng lên toàn cầu cộng với biến đổi khí hậu (hệ quả của những hoạt động của con người và một phần của tự nhiên) đang trở nên khó lường và nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.

Mới đây, các nhà nghiên cứu quốc tế thuộc Viện Phân tích ứng dụng hệ thống Quốc tế (IIASA) cảnh báo: Con người chỉ còn 10 năm để cứu Trái Đất khỏi thảm họa "tận thế khí hậu".

Nỗ lực kiểm soát nhiệt độ Trái Đất dưới 1,5 độ C đang được giới khoa học và nhiều quốc gia chung tay thực hiện. Nếu không kiềm chế sự nóng lên toàn cầu này (bằng các giảm thiểu khí phát thải nhà kính...) thì hậu quả mà chúng ta phải chịu vô cùng tàn khốc.

Băng hai cực đang tan rất nhanh. Ảnh: Businessinsider.com.

Những "kịch bản" đáng sợ của con người và Trái Đất nếu nhiệt độ tăng lên 1 độ C

Trên các bản tin thời tiết, chênh lệch nhiệt độ lên đến 10 độ C trong ngày và giữa các khu vực khác nhau là điều hết sức bình thường. Vì nhiệt độ này chỉ mang tính cục bộ.

Còn đối với nhiệt độ của toàn Trái Đất, tăng 1 độ C thôi cũng là vấn đề báo động của toàn nhân loại!

Hãy hình dung:

Nếu Trái Đất tăng thêm 1 độ C, thì lượng nước sạch trên 1/3 diện tích bề mặt đất liền sẽ bốc hơi sạch.

Đại dương ấm lên sẽ làm xáo trộn môi trường sống của các loài sinh vật biển, gây nên hàng loạt cái chết cho nhiều loài.

Băng ở hai cực và thậm chí các hồ băng vĩnh cửu cũng dần tan, khiến cho nước biển toàn cầu có thể tăng lên gần 10m!

Nhiệt độ tăng 1 độ C cũng khiến làn sóng di cư về các vùng ven biển tăng lên mạnh mẽ.

Nhiệt độ tăng còn khiến con người mắc nhiều bệnh, thậm chí tử vong hàng loạt (từ việc bị sốc nhiệt đến hôn mê rồi tử vong nhanh chóng).

Dịch từ: Dailymail, Globalwarming

Theo Trang Ly

Cùng chuyên mục
XEM