Nhật Bản mới tìm ra mỏ đất hiếm mới, đủ sức xoay chuyển nền kinh tế công nghệ thế giới trong một vài thế kỷ tới
Việc thiếu hụt nguồn cung đất hiếm cực kì quan trọng trong sản xuất công nghệ khiến nhiều quốc gia trên thế giới gặp khó khăn trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, mỏ đất hiếm mới đủ nguồn cung tới vài thế kỷ tới của Nhật sẽ giúp xoay chuyển tình hình này.
Trung Quốc từng là quốc gia nắm tới 90% sản lượng đất hiếm, một loại khoáng sản được dùng làm nguyên liệu để chế tạo các linh kiện điện tử. Ngày nay, khi mà công nghệ càng phát triển, vai trò của đất hiếm lại càng trở nên quan trọng với các nền kinh tế lớn trên thế giới hơn bao giờ hết.
Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Nhật Bản đã tìm ra được một mỏ đất hiếm mới ở ngoài khơi của Nhật Bản, được cho là có trữ lượng vô cùng lớn, đủ để cung cấp cho cả thế giới trong nhiều thập kỷ.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Natura cho biết rằng mỏ khoáng sản mới nằm ở ngoài khơi này chứa tới 16 triệu tấn kim loại quý.
Cụ thể hơn, đất hiếm được sử dụng để chế tạo rất nhiều loại linh kiện điện tử, từ pin cho chiếc smartphone mà bạn đang dùng cho tới các phương tiện giao thông chạy bằng điện hiện nay. Trong các quặng đất hiếm chứa tới 17 loại kim loại quý. Thực tế thì các kim loại này nằm rải rác khắp bề mặt vỏ trái đất nhưng phân tán với trữ lượng vô cùng nhỏ và khó để tách ra được. Việc chúng tập trung lại với nhau với mật độ đủ để tạo thành một mỏ khoáng sản cho con người khai thác như thế này là rất hiếm gặp.
Hiện tại, trên thế giới còn rất ít các mỏ đất hiếm trên lục địa còn đang hoạt động khai thác được, phần còn lại đều là những mỏ khó khai thác với chi phí để bóc tách kim loại ra vô cùng đắt đỏ. Trung Quốc từng là một quốc gia có vị thế lớn trong việc kiểm soát nguonf cung đất hiếm trong hàng thập kỷ và nay, thế độc tôn này có thể bị phá bỏ nếu như mỏ đất hiếm ngoài khơi của Nhật Bản được khai thác.
Mỏ đất hiếm mới đủ sức thay đổi nền kinh tế toàn cầu
Theo nghiên cứu của Nhật Bản thì mỏ đất hiếm này đủ trữ lượng để cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp bán dẫn của thế giới. Cụ thể thì lượng yttrium đủ để cung cấp cho thế giới trong 780 năm, dysprosium với trữ lượng đủ dùng trng 730 năm, europium với 620 năm và terbium với 420 năm.
Đảo Minamitori, gần mỏ đất hiếm trữ lượng lớn mà Nhật Bản mới tìm ra.
Được biết, mỏ đất hiếm này nằm gần hòn đảo Minamitori, cách thủ đô Tokyo 1850 km về phía Đông Nam. Hòn đảo này thuộc vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản và chính phủ nước này tuyên bố sở hữu quyền khai thác các mỏ khoáng sản tại nơi đây.
Nhà nghiên cứu thị trường tại tổ chức Technology Metals Research, Jack Lifton trả lời phỏng vấn của The Wall Street Journal "Đây là cách để Nhật Bản thay đổi cuộc chơi, cuộc đua trong lĩnh vực khai thác khoáng sản đã thực sự bắt đầu."
Nhật Bản bắt đầu tìm kiếm mỏ đất hiếm riêng của mình kể từ khi gặp phải rắc rối khi phía Trung Quốc dừng cung cấp loại nguyên liệu này như một động thái trong việc tranh chấp đảo giữa hai quốc gia từ năm 2014. Do đó, việc phát hiện mỏ đất hiếm mới có trữ lượng lớn như thế này không những giải quyết thế bế tắc của Nhật Bản mà sẽ còn tạo ra một cuộc chạy đua trên thị trường cung cấp đất hiếm cho ngành sản xuất linh kiện điện tử đang ngày một phát triển trên thế giới.