Nhật Bản kiếm 45 triệu USD từ di hài của những người đã mất, tạo nên tranh cãi lớn vì hệ quả dân số già
Số tiền kiếm được sẽ dùng vào dịch vụ hỏa táng công cộng.
Tờ Nikkei Asian Review cho hay Nhật Bản đang xảy ra tranh cãi về việc xử lý kim loại từ tro cốt đã hỏa táng của người đã khuất.
Hầu hết 1,5 triệu người mất hàng năm tại Nhật Bản đều được hỏa táng nhưng luật pháp lại chưa có quy định xử lý những phần tro cốt nhỏ còn sót lại sau khi đã trao phần lớn cho gia đình.
Điều đặc biệt là những phần tro cốt này có thể chứa các vật liệu có giá trị như vàng, Paladin từ răng giả hay cấy ghép xương. Vậy là vùng xám này trở thành nơi gây tranh cãi khi ngày càng nhiều người già qua đời, khiến lượng vật liệu giá trị thu hồi được nhiều lên.
Một cuộc khảo sát cho thấy trong 88 thành phố lớn của Nhật Bản thì 48% đã bán các vật liệu thừa này để chi trả cho việc hỏa táng công cộng, thường là những người quá cố độc thân không có ai nhận tro cốt.
Hơn 70% trong số các thành phố bán vật liệu này đã bắt đầu thực hiện chính sách từ năm 2010 trở đi trong bối cảnh lượng người cao tuổi qua đời gia tăng.
Tổng số tiền thu được trong 5 năm đến năm tài khóa 2023 lên đến 6,49 tỷ Yên, tương đương khoảng 45 triệu USD. Số tiền thu được từ bán kim loại quý từ tro cốt năm 2023 cao hơn 3,4 lần so với năm 2019 do số người mất tăng cao.
Hiện 16 thành phố nữa đang cân nhắc việc bán vật liệu như trên trong khi 2 thành phố khác đã bắt đầu thực hiện kể từ khi cuộc khảo sát kết thúc vào tháng 7/2024.
Trong số những thành phố kiếm được nhiều nhất, Kyoto đứng đầu với 303 triệu Yên trong năm tài khóa 2023 mặc dù nơi đây mới chỉ bắt đầu bán vật liệu quý từ tro cốt từ năm 2022. Tiếp theo là Yokohama với 233 triệu Yên và sau đó là Nagoya với 255 triệu Yên.
"Chúng tôi quyết định sử dụng số tiền thu được từ kim loại lọc từ tro cốt để làm kinh phí cho hỏa táng công cộng", Văn phòng y tế và phúc lợi của Kyoto cho hay.
Trong số các thành phố bán kim loại từ tro cốt, chỉ có 45% cho biết họ đã thông báo cho cư dân.
Với những thành phố không bán vật liệu từ tro cốt thì họ chôn cất số tài sản này tại nghĩa trang công cộng.
Mặc dù tro cốt sau khi hỏa táng chứa các vật liệu độc hại, bao gồm dioxin và crom nặng nhưng những kim loại quý có giá trị đang tạo ra tranh cãi cho các thành phố về vấn đề xử lý.
Khảo sát tháng 7/2024 cho thấy 30% người được hỏi cho thấy chính phủ Nhật Bản cần đưa ra quy tắc chung cho vấn đề này, khoảng 10% thì nhận định tùy từng địa phương mà xử lý cho phù hợp văn hóa.
Trong năm tài khóa 2023, tổng cộng 655.000 vụ hỏa táng đã được thực hiện ở 88 thành phố, tăng hơn 10% so với 5 năm trước.
Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia (NIPSSR) cho biết số người mất ở Nhật Bản sẽ đạt đỉnh vào năm 2040 với 1,67 triệu người và việc xử lý tro cốt cũng khiến chính phủ phải đau đầu.
*Nguồn: Nikkei