Nhật Bản đào bới rác thải đô thị để tìm vàng và kim loại quý trước tình trạng khan hàng trên toàn thế giới

15/10/2017 21:17 PM | Công nghệ

Mitsubishi Materials, Dowa Holding và một số công ty khác của Nhật đang đầu tư mạnh vào ngành tái chế rác thải điện tử nhằm bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung kim loại quý.

Gần đây, xu hướng chuyển sang tái chế rác thải đô thị trở thành giải pháp cho sự thiếu hụt nguồn cung kim loại quý. Đi đầu phải kể đến Mitsubishi với việc đầu tư 12 tỷ yên (107,6 triệu USD) để xây dựng thêm các nhà máy mới trong và ngoài nước.

Nhờ thế, công suất tái chế dự kiến tăng 40% lên 200.000 tấn, biến hãng trở thành một trong những nhà tái chế kim loại quý lớn nhất thế giới.

Nhật sẽ đúc huy chương Olympic 2020 từ số kim loại có trong rác thải đô thị

Công ty sẽ mở thêm một số nhà máy mới tại cơ sở luyện kim ở Naoshima, tỉnh Kagawa. Nhờ sự tăng cường thiết bị mới mà hệ thống cho phép phân loại kim loại với độ chính xác cao. Đồng thời, một nhà máy xử lý thô sẽ giúp nung nóng kim loại và loại bỏ tạp chất trước khi cho ra thành phẩm cuối cùng.

Tổng mức đầu tư tại đây vào khoảng 6 tỷ yên đến 8 tỷ yên, dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động từ năm tài khóa 2021.

Ở dự án khác, Mitsubishi sẽ mở một nhà máy tại Hà Lan để tái chế kim loại có giá trị trong các máy tính, smartphone và thiết bị điện tử đã qua sử dụng. Đây sẽ là cơ sở đầu tiên ở nước ngoài phục vụ cho việc này. Dự án ngốn khoảng 4 tỷ yên. Nó sẽ trở thành trung tâm phân loại rác thải điện tử phục vụ cho khu vực châu Âu.

Với những khoản đầu tư mới, Mitsubishi sẽ tăng công suất tái chế kim loại quý từ 140.000 tấn/năm lên 200.000 tấn vào năm tài chính 2021 để trở thành một trong những đơn vị thu gom kim loại quý lớn nhất thế giới.

Tốc độ tăng trưởng của thị trường tái chế kim loại quý từ rác thải đô thị

Công ty còn lên kế hoạch tách kim loại từ pin lithium-ion. Chúng chứa niken và cobalt vốn rất hiếm trên thế giới, chỉ được khai thác ở một số địa điểm hạn chế.

Mitsubishi đang thử nghiệm cách vận chuyển và tháo rời pin Li-ion một cách an toàn vốn dễ gây cháy ở những điều kiện nhất định. Công ty dự kiến sẽ lấy nguyên liệu từ các nhà sản xuất xe điện và thu gom chúng từ phương tiện không còn hoạt động.

Rác thải đô thị đang trở thành mỏ khai thác kim loại quý hấp dẫn đối với các nhà sản xuất. Bởi phương thức thông thường đang rất tốn kém do nguồn mỏ tự nhiên dần cạn kiệt.

Ban tổ chức Olympics Tokyo 2020 đang dự kiến gom vàng, bạc và đồng từ rác thải điện tử ở Nhật để làm huy chương.

Thế vận hội London 2012 đã tốn 9,6 kg vàng, 1.210 kg bạc và 700 kg đồng để sản xuất huy chương. Trong khi đó, lượng kim loại thu được từ các thiết bị điện tử của Nhật Bản năm 2014 là 143 kg vàng, 1.566 kg bạc và 1.112 tấn đồng.

Mitsubishi đang đi đầu trong việc tái chế rác điện tử

Dowa Holding là cái tên tiếp theo muốn tham gia vào cuộc chơi. Công ty đang tăng cường khả năng thu gom và tái chế bộ chuyển đổi xúc tác, bộ phần dùng để làm sạch khí thải động cơ xăng. Nó chứa các kim loại quý như platinum, palladium và rohodi. Hãng có kế hoạch xây dựng một lò nung điện có thể làm tan chảy bộ chuyển đổi xúc tác với hy vọng sẽ giúp tăng sản lượng tái chế rác thải đô thị lên 40% vào năm 2020.

Dowa hy vọng sẽ có nguồn cung dồi dào ở châu Âu và Hoa Kỳ bởi đây là những thị trường yêu cầu rất khắt khe về tiêu chuẩn khí thải động cơ.

Một nhà khai thác rác đô thị khác là JX Nippon đã có các cơ sở thu gom ở Mỹ và Đài Loan vốn có nhiều linh kiện bán dẫn.

Ngoài ra, nhà cung cấp vật liệu catốt cho pin Li-ion là Sumitomo Metal Mining cũng sẽ bắt đầu gom các loại pin xe điện đã qua sử dụng. Công ty dự định tách đồng và niken ra khỏi pin sau đó tái sử dụng trong các tấm catốt mới.

Tính trên bình diện thế giới, khoảng 700.000 tấn kim loại hiếm được tái chế mỗi năm. Con số này dự kiến sẽ đạt 1,1 triệu tấn trong năm 2026. Tính riêng Mitsubishi Materials, công ty đang phấn đấu để nâng công suất tái chế lên 230.000 tấn vào năm 2025.

Theo Le Min Kop

Cùng chuyên mục
XEM