Nhập khẩu than vào khu vực Bắc Á tăng mạnh, dấu hiệu phục hồi kinh tế đã đến?

26/01/2023 16:19 PM | Xã hội

Nhập khẩu than nhiệt vào Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc – 3 trong số những nước sử dụng than lớn nhất thế giới – trong tháng 12 đã đạt tổng cộng cao nhất trong 16 tháng khi các cường quốc sản xuất ở Bắc Á dự đoán nền kinh tế của họ sẽ tăng trưởng vào năm 2023.

Động lực kinh tế ở các quốc gia nói trên - chiếm gần một nửa tổng lượng than nhiệt nhập khẩu vào năm 2021 – năm 2022 bị giảm sút do các biện pháp nghiêm ngặt ngăn chống COVID của Trung Quốc đã kìm hãm hoạt động công nghiệp trên khắp các cơ sở sản xuất lớn nhất thế giới.

Nhập khẩu than vào khu vực Bắc Á tăng mạnh, dấu hiệu phục hồi kinh tế đã đến? - Ảnh 1.

Nhập khẩu than nhiệt của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhật Bản và Hàn Quốc có mối quan hệ mật thiết trong chuỗi cung ứng rộng lớn với Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là mỗi quốc gia đều phải chịu sự sụt giảm cả về tăng trưởng năng suất và nhu cầu vào năm 2022 do dịch COVID-19 của Trung Quốc với những biện pháp hạn chế hoạt động di chuyển hàng hóa và con người trong phần lớn thời gian của năm.

Nhưng nhờ một loạt các biện pháp nới lỏng kiểm soát dịch và kích thích được Bắc Kinh thông qua nhằm khởi động sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay, các nhà máy và ngành công nghiệp trên khắp Bắc Á hiện cũng đang sẵn sàng phục hồi.

Chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi

Để đáp ứng mức tăng sản lượng và mức tiêu thụ dự kiến, mỗi quốc gia trong số các nước kể trên đã tăng cường nhập khẩu than nhiệt, loại than tạo ra năng lượng cho lưới điện cũng như các nhà máy sản xuất mọi thứ, từ xi măng, gốm sứ đến kim loại tinh chế, hóa chất, máy móc hạng nặng, phân bón….

Nhập khẩu than nhiệt của 3 quốc gia đạt tổng cộng 43 triệu tấn vào tháng 12/2022, mức cao nhất hàng tháng kể từ tháng 8/2021, dữ liệu theo dõi tàu từ Kpler cho thấy.

Nhập khẩu than vào khu vực Bắc Á tăng mạnh, dấu hiệu phục hồi kinh tế đã đến? - Ảnh 2.

Nhập khẩu than nhiệt của các thị trường chủ chốt.

Đổi lại, sự gia tăng sử dụng than đồng loạt ở những thị trường này cũng sẽ tạo ra sự gia tăng tổng lượng khí thải từ than của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc – 3 nước chiếm tổng cộng 36% lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu từ việc sử dụng năng lượng trong năm 2021, theo báo cáo Đánh giá Thống kê Năng lượng Thế giới của BP.

Nhập khẩu than vào khu vực Bắc Á tăng mạnh, dấu hiệu phục hồi kinh tế đã đến? - Ảnh 3.

Khí thải dioxide carbon từ năng lượng.

Dữ liệu của Ember cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2022, tổng lượng phát thải từ sản xuất điện than từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4,03 tỷ tấn, đánh dấu mức tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Vào năm 2023, tổng lượng khí thải có vẻ sẽ còn tăng cao hơn nữa trong bối cảnh các trung tâm sản xuất trên cả 3 quốc gia đều tăng trưởng đồng bộ.

Dấu hiệu hồi phục kinh tế

Mặc dù sẽ mất vài tháng để các biện pháp kích thích của Bắc Kinh có hiệu lực hoàn toàn, nhưng đã có những dấu hiệu phục hồi trong các lĩnh vực then chốt của các nền kinh tế sản xuất trên khắp Bắc Á.

Dữ liệu về sản xuất các sản phẩm đầu vào công nghiệp chính của Trung Quốc, bao gồm nhiên liệu tinh chế, nhựa, nhựa và kim loại, cho thấy sự gia tăng trên một số lĩnh vực phản ánh nhu cầu cải thiện từ người dùng đầu cuối như nhà sản xuất thiết bị và dây chuyền sản xuất.

Nhập khẩu than vào khu vực Bắc Á tăng mạnh, dấu hiệu phục hồi kinh tế đã đến? - Ảnh 4.

Sản xuất của Trung Quốc trong một số lĩnh vực chủ chốt.

Một trong những người dùng cuối quan trọng như vậy là ngành sản xuất ô tô của châu Á, bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng kể từ cuối năm 2022 trên khắp Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, các dữ liệu mới nhất cho thấy.

Nhập khẩu than vào khu vực Bắc Á tăng mạnh, dấu hiệu phục hồi kinh tế đã đến? - Ảnh 5.

Sản xuất ô tô của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngành ô tô đã bị ảnh hưởng nặng nề do thiếu hụt các bộ phận quan trọng trong vài năm qua, đáng chú ý nhất là chip siêu nhỏ. Vì vậy, bất kỳ sự phục hồi bền vững nào về tỷ lệ vận hành nhà máy của Trung Quốc sẽ thúc đẩy sản lượng ô tô trên khắp Bắc Á tiếp tục tăng trong những tháng tới.

Hoạt động kinh tế tổng thể trên khắp Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu gia tăng đối với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả ô tô.

Điều đó sẽ có lợi cho nhà xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới - Nhật Bản, quốc gia đã rất chật vật để nâng xuất khẩu lên mức trước khi xảy ra dịch Covid, bất chấp nhu cầu mạnh mẽ ở cả Bắc Mỹ và Châu Âu đối với các loại xe mới trong năm qua.

Một yếu tố chính hạn chế xuất khẩu ô tô nói chung là nhu cầu chậm chạp ở châu Á, chủ yếu là Trung Quốc, sẽ bắt đầu phục hồi vào năm 2023 khi hoạt động công nghiệp tổng thể cùng với các biện pháp kích thích của Bắc Kinh có đầy đủ hiệu lực và thúc đẩy chi tiêu nhiều hơn.

Nhập khẩu than vào khu vực Bắc Á tăng mạnh, dấu hiệu phục hồi kinh tế đã đến? - Ảnh 6.

Xuất khẩu xe chở khách của Nhật Bản sang các thị trường chính.

Tóm lại, sự kết hợp giữa việc người dân tự do đi lại nhiều hơn ở Trung Quốc và hoạt động công nghiệp tổng thể hồi phục trên khắp Bắc Á sẽ thúc đẩy cải thiện tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sử dụng than trên toàn cầu ước tính tăng 1,2% vào năm 2022, lần đầu tiên vượt qua 8 tỷ tấn, vượt qua kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 2013. Dựa trên xu hướng thị trường hiện tại, IEA dự báo tiêu thụ than sẽ không thay đổi ở mức đó cho đến năm 2025 do sự suy giảm ở các thị trường trưởng thành được bù đắp bởi nhu cầu tiếp tục mạnh mẽ ở các nền kinh tế châu Á mới nổi.

Nhưng sản lượng gia tăng từ các nhà máy và ngành công nghiệp nặng dường như đi kèm với ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch cao hơn, điều này có khả năng làm suy yếu các nỗ lực làm chậm biến đổi khí hậu và hạn chế tổng lượng khí thải.

Tham khảo: Refinitiv

Theo Vân Chi

Cùng chuyên mục
XEM