Nhân viên chuỗi bách hoá phơi bày thực tế bức bối phía sau quầy rau kệ thịt: Làm ca 12h/ngày, lương thấp nhưng đa nhiệm từ thu ngân, mổ cá, nhặt rau, xếp kho, đến... rửa thùng rác!

30/07/2021 13:26 PM | Kinh doanh

Bài viết này ngay lập tức gây nên những luồng ý kiến tranh luận trái chiều.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mới đây, trong hội nhóm đánh giá, review công ty đã xôn xao về bài viết của một tài khoản tự xưng là nhân viên thu ngân của chuỗi siêu thị bách hoá lớn B, kể lại trải nghiệm làm việc ở đây. Cô cho biết trong thời điểm dịch bệnh, dù phải tăng ca nhưng vẫn bị trừ 20% lương.

Nữ nhân viên thu ngân cho biết trong các bài đăng tuyển dụng, siêu thị B mô tả công việc là "làm việc theo ca", trong đó có 3 ca: sáng, chiều, đêm. Tuy nhiên thực tế thì "bắt buộc làm việc xoay ca theo sự phân công của Quản lý (không tự đăng ký ca hoặc không cố định ca)".

"Giờ siêu thị đóng cửa và giờ nhân viên hết ca đều cùng lúc 21h30. Sau đó bạn còn phải ở lại đếm tiền kết ca, lau dọn, sắp xếp quầy kệ các thứ. Mỗi ngày làm không công thêm chừng 15 - 30 phút nữa. Hôm nào trực đêm hàng về trễ thì sáng ra cũng phải ở lại làm cho hết việc rồi mới được về. Không nói thì họ nghĩ mình hiền càng ngày càng đè đầu cưỡi cổ. Nói ra là họ quy chụp mình không có tinh thần trách nhiệm, không quan tâm hỗ trợ đồng đội, không máu lửa trong công việc, không cống hiến vì công ty… Trong khi vào ca mình đi trễ, chấm công trễ, họ đâu có kéo lại cho mình một phút nào đâu. Quản lí thì đứng cầm điện thoại canh coi nhân viên đi trễ bao lâu để thu tiền phạt (tùy theo quản lý siêu thị tự đề ra chứ không phải chính sách công ty). Nói vậy nhưng không phải em là người hay đi trễ nha cả nhà. Quản lý lại là người hay bị đóng phạt nhất.

Còn điểm kỳ lạ thứ hai ở môi trường này nữa. Thứ nhất là ca gãy: trong một ngày, vào ca lúc 5h30 - 12h trưa về nghỉ, 4h chiều vào làm tiếp tới 9h30 tối. Về ăn uống ngủ nghỉ một tí lại phải lên siêu thị làm tiếp. Vậy là một ngày làm 12 tiếng. Bạn nghĩ vậy là tăng ca 4 tiếng được tính lương 150% ư. Không hề nhé, về chính sách lương tăng ca mình sẽ kể ở phần sau. Sẽ không ai hỏi bạn có muốn làm tăng ca hay không đâu, tự quản lí xếp lịch rồi quăng lên group chat, thử phản đối đi, thì bài ca cũ sẽ lại vang lên: em không có máu lửa... Riêng quản lí của mình thì lịch thay đổi mỗi tuần nhưng tới tối chủ nhật mới đăng lên thông báo, có khi còn đăng lẻ tẻ từng ngày từng ngày một làm mình không thể sắp xếp thời gian cho việc cá nhân được.

Đỉnh cao là ca hờ: ví dụ nay bạn làm ca chiều nhưng nếu hàng về nhiều thì quản lý gọi bạn lúc 12, bạn phải sẵn sàng chờ lệnh điều động. Thế là trong 2 tiếng đó mình phải ngồi nhà hóng xem mình có bị gọi không, có đi lên sớm, còn không coi như mất 2 tiếng trong cuộc đời mà không được đồng bạc nào hết", nữ nhân viên thu ngân này bày tỏ bất bình về chính sách phân bố ca làm việc tại siêu thị B.

Ảnh chụp một đoạn bài viết của nữ nhân viên thu ngân

Ngoài ra, nhân viên này cho biết không có sự khác biệt giữa các vị trí công việc, nhân viên thu ngân và nhân viên kho, thực tế đều xoay vòng làm việc như nhau.

"5h30 sáng vào làm mọi người sẽ chia nhau bày trái cây với rau củ mới nhận hồi đêm, rồi quét nhà lau nhà, kéo thùng rác, rổ sơ chế ra hết ngoài sân và mở cửa bán. Nhiều khi có khách nào chui cửa vô sớm thì cũng phải tiếp luôn.

Nếu hôm đó bạn đứng thu ngân thì không phải chỉ chăm chăm thu ngân không thôi, mà phải luôn chăm cái quầy khuyến mãi và quầy trái cây. Lựa ra trái nào tốt còn kinh doanh bình thường, trái nào xấu bán giảm giá, trái nào không cứu nổi thì đem bỏ thùng rác, trái nào to hoặc đắt tiền quá thì đem chia nhỏ ra cho khách dễ mua, hoặc đem sơ chế gọt sẵn đóng vỉ. Nhà bẩn thì phải đi lau ngay. Phải nhớ vài trăm mã sản phẩm để bấm cân cho đúng, bấm nhầm là bị khách phàn nàn. Phải thuộc chương trình khuyến mãi để tư vấn từng lượt hoá đơn, kể cả khi đông khách xếp hàng dài vẫn phải hỏi từng khách coi có muốn mua mặt hàng A đang giảm giá không, không thì mời tiếp hàng B hàng C cứ thế, miệng tư vấn nhưng tay và mắt phải tập trung tính tiền sao cho không bị nhầm. Họ còn mở hẳn một khóa dạy nhân viên rao mời, đi học một buổi không có lương và còn tốn tiền giữ xe, sáng học xong về chiều về siêu thị làm tiếp chứ không được nghỉ.

Và thu ngân là bộ phận hay bị chửi nhất, nên bạn hãy chuẩn bị tinh thần.

Đứng quầy tươi sống thì phải lựa củ, rau, sơ chế các món ăn cơ bản, chặt thịt hoặc làm cá cho khách. Nhìn chung đỡ áp lực hơn thu ngân. Nhưng đôi khi gặp khách cầm nguyên con cá ba sa lên hỏi em ơi em cắt ra cho anh mua 3 khúc ở giữa thì cũng phải nhẹ nhàng bảo anh ơi cắt ra như vậy còn cái đầu với cái đuôi rất là khó bán tội nghiệp bọn em. Hay gặp chị đòi phile cho chị mấy con cá mó, chị khác mua cá sống, mình bấm tem cân trước rồi làm sạch cho. Đem về nhà tự cân rồi bảo thiếu mất 200gr gọi lên hotline khiếu nại luôn mới.

À sáng đi làm thì phải đi thay nước hồ cá, mấy con cá nó bắn nước tung tóe vào người, hôm nào cá rủ nhau chết là phải đem vô làm mệt nghỉ. Cá trên tủ thì lúc nào cũng phải đắp đá đầy đủ. Thịt thì phải thay mâm liên tục hễ có máu đọng là phải thay. Rau thì phải xịt nước cho tươi và nhặt bỏ hết lá già, lá bị sâu, hôm nào rau về nhiều là xác định khỏi đi ăn luôn.

Thịt cá nhập về ngày đầu tiên bán bình thường, cuối ngày còn dư phải đóng vỉ, bấm tem hết để hôm sau giảm giá, hôm nào quản lí đặt hàng nhiều là đóng mệt luôn. Hàng giảm giá nếu bán vẫn không hết thì phải đem hủy, để lên cân trước camera đổ thuốc tím vào chứ không có chuyện lấy đem về. Đây là khâu mà vừa làm vừa sợ nghiệp, vì hủy vô tội vạ luôn trong khi biết bao người không có mà ăn. Riêng quản lí nhà mình thì cá bán không hết còn bắt nhân viên bỏ vô tủ đông cất để sáng mai đem ra bán nguyên giá như hàng mới, chứ làm đúng quy trình là sẽ có chuyện vì kéo doanh thu giảm.

Làm kho là phụ trách FMCG/hàng khô. Phải đi kiểm kê theo hệ thống mỗi ngày cỡ 70-80 đầu sản phẩm, hôm nào kiểm nước ngọt hay mì gói thì đếm tới hàng trăm gói, nghìn chai. Xong rồi thì kiểm date, lỡ mà có hàng hết hạn trên kệ mà khách mua phải về gọi hotline phàn nàn là tiêu luôn, kiểm ra cái nào hết date thì phải đem hủy theo quy trình. Đầu tháng hoặc khi có chương trình khuyến mãi thì phải đi thay tem giá, cũng phải bốn năm ngàn tem á, thay hết. Mà dạo này họ cho mỗi ca có một người đứng kho, vừa lo hết các việc trên vừa phải đưa hàng lên bán, rồi khách nhờ lấy đồ, bê đồ, check giá đủ cả. Chưa kể, mỗi tuần hàng FMCG về 3 lần, mỗi lần về là tấn rưỡi, hai tấn, có khi 3 tấn. Nữ cũng như nam đều phải khiêng hàng, kiểm hàng trước camera, rồi bày hết lên kệ, nhiều quá thì lại khiêng tiếp vào kho cất, mà kho lại thường thiết kế trên lầu. Vào làm kho cho B thì các bạn sẽ được rèn luyện bộ môn nghệ thuật sắp đặt, chỗ nào sắp không được thì nhét. Tham chi mà tham quá đáng, nhập về đủ thứ loại hàng, bộ phận layout thì không xếp chỗ, bày ra bán thì sai thiết kế, mà cất vô kho thì hết date đem hủy", cô gái kể.

Cuối cùng, nữ nhân viên thu ngân "review" luôn cả công việc tại một ca đêm.

"Mỗi tuần phải làm 1 tới 2 đêm, hôm sau được nghỉ hoặc làm ca chiều. Mỗi đêm có 1-2 hoặc 3 người làm tùy theo quy mô siêu thị.

Công việc ca đêm thì có kiểm date các sản phẩm date ngắn như bánh mì, trứng, hàng mát: sữa chua, xúc xích, nấm… Rồi thì cân tồn hàng tươi sống (tương tự kiểm kê fmcg, cái này tùy siêu thị phân cho ca ngày hoặc ca đêm làm miễn sao cuối ngày hoàn tất hết). Rồi đi bày hàng cho đầy quầy kệ tới khi thịt cá rau về. Được nghỉ ăn uống gì đó tầm 30p. Đừng nghỉ lâu quá vì có camera, quản lí thấy làm đêm rảnh quá thì sẽ dọa đòi cắt bớt ca đêm còn một người làm thôi. Giọng điệu kiểu: mấy anh mấy chị nhận tiền lương đêm 32.000/h thì phải làm cho xứng với đồng lương mình được trả. Nhưng chú bảo vệ dưới nhà mình tối ngủ giữ xe thôi cũng được 5 triệu đồng/tháng, đó là đóng cửa lại ngủ thôi, khi nào có ai lấy xe thì mới phải dậy mở cửa.

Hàng về thì cân. Rau củ cân từng loại từng loại trước camera, hàng trăm loại khác nhau, siêu thị mình mỗi đêm nhận gần trăm rổ chắc tính ra bưng bê cả tấn. Rồi thịt cá cũng phải cân từng loại, cái này phức tạp hơn xíu là phải cắt bịch bỏ máu đồ hết rồi mới cân nha. Cân sai là lỗ cuối tháng lại bị truy thu… Cân xong thì lên hàng đẹp đẽ như mỗi sáng mọi người đi chợ sẽ thấy, nhìn vậy thôi chứ có quy trình quy định hết nha. Thịt phải cắt cục nhỏ nhỏ cho dễ bán, gà thì úp cái da xuống cho nó không khô nè. Cá thì phải quay cái đầu ra ngoài. À nhắc cá mới nhớ thêm vụ đập nước đá, cả chục bao đá bào mà lúc giao tới vón cục cả rồi, lấy cái chày mà đập cho nát ra lại, cào phẳng rồi mới trưng cá lên, đắp thêm một lớp phía trên. Bảo đảm tay bạn sẽ sớm có chuột luôn.

Rồi mỗi ngày sẽ có lịch vệ sinh các khu vực, hôm thì lau sàn, hôm lau tủ thịt (tháo kính tháo đồ ra hết lau từng ngóc ngách), hôm rửa bể cá, rổ rau, rổ đi chợ, và đỉnh điểm là rửa cả thùng rác..."

Nhân viên chuỗi bách hoá phơi bày thực tế bức bối phía sau quầy rau kệ thịt: Làm ca 12h/ngày, lương thấp nhưng đa nhiệm từ thu ngân, mổ cá, nhặt rau, xếp kho, đến... rửa thùng rác! - Ảnh 2.

Bài viết này ngay lập tức gây nên những luồng ý kiến tranh luận trái chiều. Có người cho rằng đây là tính chất công việc và là chuyện bình thường trong ngành:

- Đây là công việc bình thường của nhân viên front-line ngành F&B. Cực thật nhưng là bắt buộc.

- Mình thấy như nhân viên ngân hàng hết giờ, họ đóng cửa nhưng vẫn ngồi lại làm tiếp đó thôi. Thực ra những điều trên, mình thấy siêu thị nào cũng vậy. Nếu bạn ghen tị với chú bảo vệ thì hãy thử một tuần ngồi vào vị trí của chú xem 5 triệu đồng có dễ dàng không. Đi làm ở đâu cũng có thời gian học việc rồi thử việc, nếu thực sự thấy không hợp thì nghỉ thôi.

Ở chiều ngược lại, nhiều người lại bày tỏ sự đồng cảm với khó khăn trong công việc của nữ nhân viên thu ngân:

- Tôi từng trải nghiệm làm ở B một thời gian ngắn sau khi làm tại một số chuỗi khác như GS25, Family Mart,… Tôi xác định việc làm ở B lương ít, việc nhiều, truy thu vô lý là có thật. Hồi tôi đi tháng vừa qua thì được chấm công 37,5 tiếng. Đi làm về chỉ có ăn cơm, ngủ được tí rồi lại đi làm tiếp. Làm ở cửa hàng tiện lợi đa nhiệm còn nhiều hơn cả B nhưng độ cực nhọc thì chịu thua. B chỉ được ưu điểm đồng nghiệp thân thiện, còn quản lý chưa có tầm.

- Mình ở Hà Nội, không có B nhưng hay đi Vinmart và Lotte, mỗi khi đi vào siêu thị thấy các bạn nhân viên cũng tất bật luôn chân tay, nhưng không nghĩ khối lượng công việc nhiều đến thế. Thương các bạn ấy.

- Tóm lại quá nhiều việc mà muốn tối ưu hoá năng suất của nhân viên thì là bóc lột. Bạn nào cảm thấy bản thân chịu được bị bóc lột thì làm. Đừng có cho việc mình bị bóc lột là binh thường rồi bắt ai cũng như vậy, rồi đánh tráo khái niệm là trách nhiệm. Công việc tất nhiên có quy trình nhưng nó đảm bảo quyền lợi công của người lao động. Chứ đừng vin vào 2 chữ quy trình thiếu chặt chẽ để rồi bắt người lao động phải thêm 1-2 tiếng không công.

PV

Cùng chuyên mục
XEM