Nhân viên Lingo viết tâm thư kể lại 2 tiếng Lingo.vn "sụp đổ", tố nhà đầu tư lật mặt không tôn trọng người lao động Việt Nam
Chiều ngày 31/8, trên trang facebook chính thức của website thương mại điện tử Lingo.vn xuất hiện một bài viết với nội dung "MAJ Invest – Domingo Alonso – Vương Hữu Nghĩa và Lingo.vn – Sự lật mặt của nhà đầu tư".
Theo bài viết này, nhân viên tại Lingo vẫn làm việc bình thường sáng ngày 2/8 nhưng đến gần 11h trưa thì nhận được thông báo họp đột xuất lúc 11:45. Tại cuộc họp này, Đại diện nhà đầu tư Maj, ông Vương Hữu Nghĩa cùng Tổng giám đốc Phạm Kyle Anh Tuấn thông báo thông tin giải thể Công ty Cổ Phần Thương Mại Lingo.
Đến 13h, trang báo đầu tiên đăng tải thông tin "Lingo đóng cửa", diễn biến khá chóng vánh với nhân viên Lingo.
Theo bức tâm thư, quyết định giải thể công ty được ông Domingo Alonso thông báo trong vòng 2 tiếng, yêu cầu mọi người nghỉ ngay lập tức và lương tháng 07 sẽ trả trong 2 tuần sau. Chính ông Nghĩa đại diện cho Hội đồng quản trị đã thừa nhận trong ngày hôm đó “Việc phải đóng cửa Lingo không phải do lỗi từ phía người lao động, mà do lỗi từ phía Maj Invest đã không tìm được nguồn vốn đầu tư theo dự kiến …”.
Do áp lực của nhà cung cấp quá lớn, quỹ đầu tư Maj Invest đã tìm cách đàm phán trả nợ nhưng họ ép các nhà cung tối đa, chỉ trả 50% nợ. Một số nhà cung cấp ức chế tìm kiếm đến thế lực đen để hỗ trợ đòi nợ thay, kết quả là Domingo Alonso và Vương Hữu Nghĩa trả ngay không thiếu một đồng.
Đối với các khách hàng của Lingo, họ đã thanh toán trước tiền cho Lingo để mua hàng, hoặc nhờ Lingo mang hàng của họ đi bảo hành... việc đóng cửa công ty đột ngột đã làm cho các khách không biết tìm tới ai để đòi nợ.
Điều đáng nói là Công ty Cổ Phần Truyền Thông VMG sỡ hữu 19% cổ phần của Lingo cũng đang tán đồng cách làm của Maj Invest.
Việc nhà đầu tư không tìm được nguồn vốn để tiếp tục duy trì Công ty Lingo là do sự chủ quan và yếu kém từ phía nhà đầu tư. Sự yếu kém này được thể hiển bởi một trong những quyết định sai lầm của ông Domingo là vào cuối 2015, đã có nhà đầu tư Nhật Bản sẵn sàng trả 20 triệu USD để mua toàn bộ 79% cổ phần của MAJ INVEST tại Lingo nhưng ông Domingo từ chối và muốn một cuộc thương lượng tốt hơn.
Khi không tìm được nhà đầu tư mới trong khi nguồn vốn đầu tư của MAJ vào Lingo là một quỹ đóng – Close fund, ông Domingo chữa cháy lỗi của mình bằng cách đóng của công ty ngay lập tức và lạnh lùng từ chối hỗ trợ tài chính cho người lao động trong lúc mọi người phải tất tả ngược xuôi đi kiếm việc làm chỉ với lý do “Quỹ đã hết tiền, có đi kiện cáo cũng vậy thôi”.
"Sẽ không có bất kỳ một khoản trợ cấp nào cho nhân viên bao gồm cả thai phụ khi công ty giải thể vì họ đã làm đúng theo pháp luật nhà nước Việt Nam và cho dù không làm đúng luật đi nữa thì quỹ đã hết tiền".
Lingo.vn bắt đầu ra mắt từ tháng 8/2011, thuộc sở hữu của tập đoàn VMG, hoạt động theo mô hình B2C. Đến năm 2014, từ trung tâm thuộc VMG, Lingo.vn được tách ra thành công ty cổ phần Thương mại Điện tử Lingo với mục tiêu trở thành website thương mại điện tử số 1 Việt Nam khi có sự đầu tư của tập đoàn đầu tư quốc tế Yellow Star Investment.
Tuy nhiên, ngay sau đó có vẻ như Lingo đã hoạt động không hiệu quả và giống với nhiều dự án TMĐT khác trong nước, có vẻ như họ cũng không tránh khỏi việc đóng cửa khi nhà đầu tư không còn đổ tiền vào.