Nhân viên Amazon tự tử, để lại lá thứ đầy phẫn nộ cho CEO Jeff Bezos

01/12/2016 15:46 PM | Kinh doanh

Vụ việc ngày càng trở nên trầm trọng và rối ren cho nội bộ Amazon.

Vào năm 2015, Amazon chợt khiến dư luận xôn xao khi báo New York Times chính thức tiết lộ những hình ảnh về môi trường làm việc đầy khắc nghiệt và không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cho nhân viên. CEO Jeff Bezos đã ngay lập tức bác bỏ lời cáo buộc trên, nhưng có vẻ như mọi chuyện vẫn chưa dễ dàng lắng xuống cùng với thời gian.

Theo nguồn tin từ Bloomberg, một nhân viên của Amazon đã nhảy từ trên tầng cao của trụ sở tại Seattle của công ty, mà theo cảnh sát cho biết, đây là một vụ tự tử. Thời điểm xảy ra vụ việc là 8h45 sáng theo giờ địa phương vào thứ Hai vừa qua. Nạn nhân đã may mắn sống sót và được đưa đến bệnh viện Seattle.

Cũng theo thông tin khai thác từ một người trực tiếp chứng kiến và biết rõ sự việc, nhân viên trên trước đó đã gửi một email mang đầy tính chất suy sụp tinh thần cho CEO Jeff Bezos cùng vài đồng nghiệp khác trước khi ra quyết định dại dột kia. Trích lời Bloomberg:

"Người đàn ông này đã từng đề nghị được chuyển tiếp sang công tác ở một bộ phận khác trong công ty, nhưng lại bị liệt vào trong diện liên quan đến kế hoạch theo dõi cải thiện nhân viên. Theo một nguồn tiết lộ ẩn danh từ nội bộ công ty, điều đó đồng nghĩa với việc nếu không chứng tỏ được năng lực làm việc của bản thân có tiến bộ, bạn sẽ bị sa thải ngay lập tức."

Nhiều thông tin khác cũng ủng hộ sự thật rằng nhân viên trên đã bày tỏ nỗi bức xúc và tức giận trong email của mình về cách mà Amazon xử lý đối với đơn đề nghị của anh ta, đồng thời có ngụ ý rằng sẽ tự làm điều gì đó tổn thương, dại dột.

"Chúng tôi hy vọng anh ấy sẽ tiếp tục hồi phục và tình trạng sức khỏe tiến triển tốt," Amazon phát biểu. "Những phương pháp điều trị tốt nhất đang được khai thác, và chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ hết sức có thể cho nhân viên của mình."

Được biết, Amazon cũng không phải là công ty duy nhất phải đối mặt với những vụ việc lùm xùm về điều kiện làm việc "nghèo nàn" hay cách điều hành, xử lý không đúng mực, tù túng về mặt tinh thần. Năm 2009, một nhân viên làm việc tại nhà máy Foxconn ở Trung Quốc - Sun Danyong - đã tự tử khi phất hiện nhà riêng của anh bị lục lọi, phá hoại sau sự việc một nguyên mẫu iPhone ở nhà máy bị mất cắp.

Điều đáng nói ở đây là những trường hợp như vậy không phải là điều hiếm gặp trên thế giới. Gần đây, một công nhân khác của Foxconn cũng làm điều dại dột tương tự khi nhảy từ tầng cao của tòa trụ sở chỉ sau 1 tháng làm việc.

Trở lại với Amazon: Bezos đã gần như chôn vùi sự việc bị New York Times đem ra ánh sáng vào năm ngoái với lời bào chữa rằng đó là "chuyện tầm phào", nhưng có vẻ như lần này công ty sẽ không dễ dàng xử lý êm thấm như vậy.

Cùng chuyên mục
XEM