Nhân viên Amazon kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần khi Giáng sinh gần kề: “Ngày nào tôi cũng khóc”

14/12/2022 11:08 AM | Công nghệ

Một nhân viên ẩn danh để bảo vệ quyền riêng tư đã chia sẻ câu chuyện của mình khi làm việc tại kho hàng của Amazon ở Vương quốc Anh với báo Insider.

Nhân viên Amazon kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần khi Giáng sinh gần kề: “Ngày nào tôi cũng khóc” - Ảnh 1.

Ảnh: Insider

Công việc của tôi tại một nhà kho của Amazon là kiểm soát hàng tồn kho. Tôi sẽ đếm xem có bao nhiêu mặt hàng được đặt trong thùng hoặc theo nhóm, quét mã vạch trên các mặt hàng trong thùng và ghi lại số lượng mặt hàng giống nhau được đặt trong mỗi thùng.

Tất cả ba nhiệm vụ này nhìn chung đều là đếm. Tôi cũng ghi lại những món đồ bị hư hỏng khi đi xung quanh nhà kho và thu thập chúng vào một chiếc xe đẩy, nhập chúng vào một hệ thống và sau đó phân loại tiếp.

Một vài mặt hàng được gửi đến nơi để những mặt hàng bị hỏng một chút nhưng vẫn có thể bán được với giá thấp hơn được gọi là “damage land” (Tạm dịch: Vùng đất cho món đồ bị hư hại). Vì việc kiểm soát hàng tồn kho thuộc về bộ phận chất lượng, tôi cũng kiểm tra các sai sót, chẳng hạn như các mặt hàng được đặt sai vị trí.

Thu thập những món đồ hư hại đồng nghĩa với việc phải đi bộ cả đêm quanh một trung tâm phân phối khổng lồ. Công việc này đòi hỏi sức khoẻ thể chất vì có những mặt hàng rất nặng.

Sắp đến Giáng sinh rồi nên mọi thứ còn mệt mỏi hơn rất nhiều. Mọi người đang vô cùng căng thẳng và đó chẳng phải là một điều tốt đẹp gì. Tất nhiên chúng tôi được trả nhiều tiền hơn, nhưng việc làm thêm giờ là điều bắt buộc.

Vào những lúc không phải cao điểm, tôi làm việc 40h/tuần trong bốn ngày. Trong hợp đồng của tôi có nói rằng Amazon có quyền thay đổi lịch trình của chúng tôi, vì vậy khi mùa cao điểm bắt đầu vào tháng 11, các nhà quản lý sẽ thông báo cho chúng tôi trong một cuộc họp giao ban khi bắt đầu mỗi ca làm việc về bất kỳ thay đổi lịch trình nào.

Trong một cuộc họp giao ban, tôi được biết rằng bắt buộc phải làm việc năm ca một tuần vào mùa cao điểm, thay vì bốn ca thông thường, và nhân viên cũng có thể tình nguyện làm ca thứ sáu.

Mùa cao điểm năm ngoái vất vả vô cùng

Tôi tình nguyện tăng ca từ năm lên sáu ngày vì tôi muốn kiếm được nhiều tiền hơn. Lúc đó chồng tôi không đi làm nên tôi đã làm việc trong 10 tuần. Sau thời gian ấy, tôi bị ốm và không làm việc nổi nữa.

Tôi bị đau cơ và nhức mỏi. Một ca làm việc kéo dài 10 tiếng cũng giống như bạn ở trong phòng gym 10 tiếng vậy. Tôi phải di chuyển các thùng và khoang chứa rất lớn đi lên và xuống cầu thang liên tục. Vì vậy, tôi đã kiệt sức. Đời tôi chỉ còn biết đến công việc và thường xuyên kiệt quệ về cả thể chất lẫn tinh thần. Tôi chán nản lắm nên không muốn gặp bất cứ ai hết, dù cho đó có là chồng hay con trai mình.

Vào ngày nghỉ, tôi chỉ ngủ. Tôi hầu như không gặp con trai mình và chỉ trò chuyện một chút với thằng bé trước hoặc sau giờ học. Tôi mất đi hy vọng có được một cuộc sống bình thường. Nếu bạn chỉ làm việc và ngủ thì bạn còn có thể cảm thấy được gì khác nữa chứ? Cứ thế, ngày nào tôi cũng khóc. Tôi cảm thấy chán nản lắm.”

Không thể nghỉ việc vì là người duy nhất trong gia đình có việc làm

Đó là khoảng thời gian tồi tệ khiến tôi luôn mệt mỏi và tức giận. Tôi không còn sức để làm bất cứ việc dọn dẹp hay nội trợ nào. Tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến là ngủ. Tôi không thể gặp bạn bè cho đến khi Giáng sinh kết thúc. Khi quay trở lại làm việc 4 ngày/tuần, tôi vẫn thấy kiệt sức. Vậy nên, tôi cần có thời gian để phục hồi sau thời gian làm việc như “bán mạng.”

Tôi thức dậy khi con trai đi học về vào khoảng 4h chiều. Tôi làm đồ ăn cho thằng bé rồi đi tắm, ra khỏi nhà lúc 5h15’ chiều bởi ca đêm của tôi sẽ bắt đầu lúc 7h tối. Công việc sẽ kết thúc vào 5h30’ sáng hôm sau.

Mọi thứ trở nên bận rộn vào khoảng thời gian gần Black Friday và Cyber Monday nhưng càng gần đến Giáng sinh thì càng kinh khủng hơn. Các khoang chứa các mặt hàng chuẩn bị được chuyển đi lúc nào cũng đầy ắp trong mùa cao điểm. Không có thời gian để nghỉ ngơi trong khi ai cũng phải làm việc dưới áp lực nặng nề.

Thách thức lớn nhất lại là về những nhân viên mới tạm thời vào làm để giúp đỡ vào mùa cao điểm. Đó mới là thảm hoạ bởi họ không biết tất cả các quy tắc. Họ làm cho công việc của người khác gặp khó khăn hơn khi mọi người phải sửa chữa cả những lỗi lầm của người mới.

Vì họ chỉ xác định làm trong thời gian ngắn nên thường có xu hướng chỉ biết đến việc của mình và không quan tâm cẩn thận đến các mặt hàng. Vì họ biết rằng cuối cùng thì họ cũng sẽ rời đi.

Vào mùa cao điểm, căng-tin bị quá tải vì có khoảng 200 người cùng chờ đợi để sử dụng lò vi sóng, mua đồ ăn hoặc sử dụng máy bán hàng tự động. Đồ ăn dở lắm nên tôi tự mang đồ của mình theo. Khi căng-tin đông đúc như vậy, bạn sẽ mất 10’ xếp hàng mới có thể sử dụng lò vi sóng.

Hiện tôi đang làm việc 5 ngày/tuần. Đó là điều bắt buộc trong hợp đồng. Dù cuộc sống vẫn còn thiếu thốn nhưng năm nay, tôi không tình nguyện làm thêm một ngày nữa.

Để đáp lại bình luận của nhân viên nhà kho này, người phát ngôn của Amazon nói với Insider: “Không phải ai cũng làm việc trong nhà kho được. Nhưng đối với những người không muốn ngồi ở bàn làm việc cả ngày, đó là một công việc cực kỳ bổ ích."

Họ cũng nói thêm: "Thực tế là nếu bạn muốn làm việc trong một nhà kho, bạn sẽ muốn làm việc tại Amazon. Ngoài mức lương và phúc lợi tuyệt vời, chúng tôi đảm bảo mọi người đều được hỗ trợ, được đối xử đàng hoàng và tôn trọng cũng như được nhận lương thường xuyên".

Tham khảo Insider

Theo Minh Phương

Cùng chuyên mục
XEM