Nhân viên 28 tuổi Nick Leeson khiến ngân hàng Barings sụp đổ như thế nào?
Năm 1995, thị trường tài chính bị chao đảo bởi một vụ tai tiếng lớn. Barings Bank, một trong những ngân hàng có tiếng của Anh Quốc, đã bị phá sản bởi giao dịch viên của họ, Nick Leeson lúc dó mới 28 tuổi.
Năm 1990, ngân hàng Barings Bank đã cử Nick Leeson, môt giao dịch viên trẻ tuổi người Anh, đến làm việc tại chi nhánh của họ ở Singapore. Barings Bank lúc đó là một trong những ngân hàng lớn ở Anh. Ngân hàng này được thành lập vào năm 1762 bởi một người nhập cư có tên Johann Baring và trở thành một phần lịch sử của Anh. Ngay cả Nữ hoàng Anh cũng là khách hàng của họ.
Nick Leeson xuất thân không có gì là thuận lợi bởi cha ông chỉ là một thợ hồ. Ông không có điều kiện để học bằng này cấp nọ. Tuy nhiên, đó không phải là một yếu tố quan trọng để có việc làm ở ngân hàng khi đó.
Leeson theo học trường cấp 3 tại Watford, cũng là nơi ông bắt đầu làm việc tại Coutts & Company. 2 năm sau, Leeson làm cho Morgan Stanley ở vị trí trợ lý kinh doanh. Điều này đã giúp ông có nền tảng kiến thức về thị trường tài chính khi nó bắt đầu lớn dần tới cuối những năm 1980.
Leeson bị bắt năm 1995 tại Frankfurt, Đức, và dẫn độ về Singapore. Ảnh: Reuters.
Leeson sau đó gia nhập Barings Bank và nhanh chóng gây được ấn tượng mạnh với giới lãnh đạo. Ông được thăng tiến vào vị trí giao dịch viên trên sàn và đến năm 1990 trở thành quản lý tại chi nhánh Singapore, nơi Leeson điều hành các hoạt động giao dịch hợp đồng tương lai trên sàn SIMEX (Sàn giao dịch tiền tệ Quốc tế Singapore).
Với tinh thần làm việc hăng say, Nick Leeson đã nhanh chóng trở thành một người nổi trội trên sàn SIMEX với các sản phẩm phái sinh. Ông được xem như một trong những người có ảnh hưởng lớn tới thị trường.
Từ năm 1992, Leeson đã bắt đầu thực hiện những giao dịch đầu cơ phi pháp và đem lại cho Barings Bank những khoản lợi nhuận khổng lồ, 10% lợi nhuận của Barings năm 1993 đến từ hoạt động này. Leeson trở thành một ngôi sao trong tổ chức, chiếm được niềm tin tuyệt đối từ giới lãnh đạo ở London. Họ đánh giá Leeson là một nhân vật gần như hoàn hảo.
Leeson lúc bấy giờ tuy mới 25 tuổi nhưng đã có trong tay sự nghiệp ông chưa từng dám mơ tới mặc dù đã đi làm gần 10 năm. Thế nhưng, Leeson đã sớm thua lỗ trong các giao dịch và buộc phải che đậy những khoản lỗ trong một tài khoản kế toán lỗi, 88888. Ông giải thích rằng tài khoản trên được mở với mục đích sửa lỗi sai do một nhân viên thiếu kinh nghiệm trong nhóm gây ra.
Cùng thời điểm đó, Leeson đã giấu hết những chứng từ khỏi kiểm toán pháp định của ngân hàng và biến hoạt động kiểm soát nội bộ của Barings trở nên vô dụng.
Cuối năm 1994, tổng các khoản lỗ của ông đã lên đến 208 triệu bảng Anh, gần bằng 50% vốn của Barings. Ngày 16/1/1995, với mục đích “gỡ gạc” các khoản thua lỗ, Leeson đã mở một hợp đồng chứng khoán hai chiều short straddle (bán các hợp đồng quyền chọn và kỳ vọng giá ổn định, nếu giá biến động tăng hoặc giảm mạnh thì lỗ càng nhiều và lỗ không giới hạn) trên sàn chứng khoán Singapore và sàn chứng khoán Nikkei (Nhật Bản) với kỳ vọng rằng thị trường chứng khoán Nhật Bản sẽ không thay đổi nhiều trong ngắn hạn.
Cơn địa chấn bất ngờ xảy ra ngày hôm sau ở tỉnh Kobé đã đập tan chiến lược của ông. Sàn Nikkei giảm 7% trong tuần đó trong khi kinh tế Nhật Bản dường như đã phục hồi sau 30 tuần suy thoái.
Leeson đã cố gắng khắc phục khoản thua lỗ bằng cách chấp nhận rủi ro cao hơn; ông đặt cược vào việc sàn Nikkei sẽ nhanh chóng hồi phục và tin rằng ông có thể dịch chuyển được thị trường. Nhưng ông đã thua cược và khoản lỗ đã lên tới 1,4 tỷ USD, gấp đôi vốn điều lệ của ngân hàng và nó đã khiến Barings phá sản vì khoản lỗ gây ra bởi Leeson quá cao so với số vốn của Barings.
Khi xem xét lại khoản lỗ cũng như chiến lược của Leeson, khó ai có thể ngờ một ngân hàng lớn như Barings lại không có động thái gì. Có rất nhiều yếu tố thuận lợi cho Leeson:
Leeson khi làm việc ở Singapore khá là thoải mái tự do, chứng tỏ đã có những sự thiếu kiểm soát hoạt động cũng như không có biện pháp ngăn ngừa rủi ro.
Leeson hoạt động trên cả 2 vị trí – sàn giao dịch và văn phòng hỗ trợ. Thế nên ông “vừa đánh trống vừa thổi kèn” – tự thực hiện những giao dịch do chính ông duyệt. Đó là lý do Leeson có thể che đậy những gì mình muốn.
Lợi nhuận Leeson đem lại đã tạo ra niềm tin từ ban lãnh đạo, những người thiếu kinh nghiệm trong thị trường tài chính cũng như những thủ thuật giao dịch tinh vi. Do đó họ không hề nghi ngờ Leeson và dường như không nhận thấy rủi ro cho ngân hàng.
Leeson đã qua mặt chính quyền địa phương bằng cách khai man, cho phép ông tích lũy khoản lỗ và tránh bị kiểm toán hàng ngày.
Barings hưởng ưu đãi đặc biệt từ Ngân hàng Trung ương Anh. Thông thường, một ngân hàng không thể cho vay quá 25% vốn điều lệ đối với một thực thể – nhưng Barings là một ngoại lệ.
Cuối cùng, kiểm toán pháp định và giám sát nội bộ không phát hiện ra sai phạm, bất chấp việc Leeson đã che giấu lỗ cũng như làm giả chứng từ - những hành động đáng lẽ phải gây được chú ý đặc biệt. Qua đó cho thấy quy trình kiểm soát tài khoản của ngân hàng thực sự không hiệu quả.
Nhận thấy khoản lỗ đã quá lớn và ngân hàng đang trên bờ vực khủng hoảng, Leeson quyết định chạy trốn, chỉ để lại một lời nhắn “Tôi xin lỗi”. Ông tới Malaysia, Thái Lan và cuối cùng là Đức, nơi ông bị bắt ngay khi xuống sân bay và bị dẫn độ về Singapore vào ngày 2/3/1995.
Leeson bị tuyên án 6 năm rưỡi tù nhưng được phóng thích năm 1999. Năm 1996, ông cho ra mắt cuốn tự truyện “Rouge Trader”, trong đó mô tả chi tiết những hành động của ông dẫn đến việc phá sản của ngân hàng Barings. Cuốn sách sau đó được chuyển thể thành phim với sự tham gia của diễn viên Ewan McGregor vào vai Leeson.