Vị tướng lương y và gia đình 3 đời làm thầy thuốc cứu người

27/02/2013 08:56 AM | Nhân vật

GS.TS, Đại tá Lê Trung Hải, Phó Giám đốc Quân y viện 103 tự hào khoe: “Con trai cả của mình vừa tốt nghiệp thủ khoa Học viện Quân y; nơi bố mình, thầy Lê Thế Trung, từng là Giám đốc...”.

Mới đây trong lần đi lấy tư liệu thực hiện loạt bài “Ghép tạng - cuộc đua giữa thầy thuốc và tử thần”, chúng tôi có buổi làm việc với GS.TS, Đại tá Lê Trung Hải, Phó Giám đốc Quân y viện 103, một trong những chuyên gia đầu ngành về ghép tạng hiện nay.

Trong lúc trò chuyện, khi biết ông là con trai của GS.TSKH, Thiếu tướng Lê Thế Trung; tôi không khỏi khâm phục: “Vậy là gia đình anh hiện có đến hai giáo sư và ba tiến sĩ y học”! Giáo sư Hải nở nụ cười lịch lãm và tự hào khoe: Con trai cả của mình vừa tốt nghiệp thủ khoa Học viện Quân y; cháu thứ hai cũng đang học tại Học viện này, nơi bố mình, thầy Lê Thế Trung, từng là Giám đốc...

Vị tướng lương y

Trong số những thầy thuốc được Nhà nước phong tặng từ rất sớm danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, GS.TSKH Lê Thế Trung là một người mang quân hàm cấp tướng. Cuộc đời ông là sự hoà quyện giữa binh nghiệp và y nghiệp.

Ông đã được trao nhiều chức vị và danh hiệu cao quý như Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân... Song với nhiều người Việt Nam, từ bộ đội tới người dân bình thường, họ nhớ tới ông như một vị danh y nổi tiếng thời hiện đại, người đã trực tiếp hoặc gián tiếp cứu chữa, giành giật lại sự sống, sức khoẻ cho người bệnh.

Một bệnh nhân đặc biệt từng được Giáo sư Lê Thế Trung hai lần cứu mạng, là nhạc sĩ tài hoa Văn Cao. Cuối năm 1958, một đoàn văn nghệ sĩ đi thực tế tìm hiểu tình hình xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội ở các tỉnh Tây Bắc. Đoàn gồm những tên tuổi như các nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và nhạc sĩ Văn Cao.

Tây Bắc thời kì này còn rất hoang sơ, dân cư thưa thớt, điện chưa có. Đi từ Hà Nội tới Điện Biên mất 4 ngày trời ròng rã trên ôtô vượt qua nhiều đèo cao, dốc thẳm. Chặng đường rất gian nan nhưng họa vô đơn chí, khi tới thị trấn Hát Lót (tỉnh Sơn La), chẳng may Văn Cao bị bục dạ dày. Bệnh nhân đặc biệt này được chuyển tới Thuận Châu, nơi có phòng mổ của Bệnh viện Khu tự trị Tây Bắc mới được khánh thành.

Lúc này, thể trạng Văn Cao đã rất yếu, không nói được; Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi lo lắng, đứng ngồi không yên... Ca mổ cấp cứu do bác sĩ Lê Thế Trung chủ trì đã thắp đèn măng-sông để mổ; một y tá dùng đèn pin rọi vào ổ bụng giúp các bác sĩ thao tác. Nhạc sĩ Văn Cao đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.

GS Lê Thế Trung và GS
Lê Trung Hải nhận giải thưởng Hồ Chí Minh.
GS Lê Thế Trung và GS Lê Trung Hải nhận giải thưởng Hồ Chí Minh.

Gần 30 năm sau, khi Giáo sư Lê Thế Trung là Viện trưởng Quân y viện 103, lại thêm một lần Văn Cao được cứu sống bởi đôi bàn tay vàng của ông. Năm đó, Văn Cao bị căn bệnh lệch cột sống, rất đau đớn, không đứng được. Người nhạc sĩ tài hoa đã được chữa trị ở một bệnh viện lớn, nhưng bệnh không tiến triển.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp biết chuyện tới thăm, liền gợi ý chuyển đến Viện 103 chữa trị thì tốt hơn. Văn Cao cảm động, vừa khóc vừa hỏi: “Nhưng Viện 103 của bộ đội, liệu có chữa cho tôi không?”... Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tận tình viết thư gửi gắm Giáo sư Lê Thế Trung và chỉ đạo đưa Văn Cao vào Viện 103.

Tại đây, sau nửa tháng được vị ân nhân năm xưa chữa trị, Văn Cao bình phục gần như hoàn toàn, có thể đứng dậy, đi lại được. Giáo sư Lê Thế Trung và các thầy thuốc Viện 103 đã điều trị theo phương châm Đông – Tây y kết hợp, Văn Cao không phải mổ. Ngày xuất viện, nhạc sĩ Văn Cao đã tổ chức một đêm nhạc ấm cúng phục vụ các thầy thuốc và bệnh nhân, để tri ân những người đã cứu mình qua cơn hoạn nạn…

Tam đại vi y

“Năm mình thi vào Học viện Quân y, cụ Trung (GS Lê Trung Hải thường nói về người cha của mình một cách kính trọng – PV) đang làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Thực ra, cụ chẳng định hướng mình vào ngành, nghề nào cả. Nhưng nếu một đứa trẻ sinh trưởng trong gia đình có truyền thống âm nhạc, sẽ được tiếp xúc với đàn ca sáo nhị từ rất sớm; thì mình được tiếp xúc với dao mổ, kim khâu, bột bó… Mẹ mình cũng là y sỹ trưởng của Khoa bỏng Viện 103, nên từ nhỏ mình đã theo mẹ vào cơ quan, rồi đi sơ tán cùng bệnh viện. Mình đã dần hình thành ý thức theo nghề y”. Giáo sư Hải đã chiêm nghiệm về căn duyên nối nghiệp người cha khả kính.

Kế tục sự nghiệp cao cả trị bệnh cứu người của Giáo sư Lê Thế Trung, Giáo sư Lê Trung Hải đã nỗ lực trau dồi để có y đức, y lý. Có thể nói, với hơn 620 bệnh nhân được ghép thận, 24 bệnh nhân được ghép gan và 6 bệnh nhân được ghép tim (số liệu thống kê trên cả nước cuối năm 2012); Giáo sư Lê Trung Hải và các đồng nghiệp đã góp phần “tái sinh” nhiều người.

Không chỉ vậy, Giáo sư Lê Thế Trung và Giáo sư Lê Trung Hải cùng các giáo sư, bác sĩ ở Viện 103 còn “chuyển giao công nghệ” ghép tạng và đến nay các bệnh viện lớn ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ đã tiến hành ghép tạng thành công nhiều ca.

Một trong những bệnh nhân từng được ghép thận năm 1993, là ông Lê Thanh Nghiêm (53 tuổi, đang công tác tại Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Đông Hoà, tỉnh Phú Yên), hiện nay vẫn khoẻ mạnh.

Cuối năm 1992, trong lần đi khám tại Bệnh viện tỉnh Phú Yên, ông Nghiêm điếng người khi các BS chẩn đoán bị suy thận giai đoạn cuối. Với quyết tâm còn nước còn tát, ông được gia đình đưa ra Viện 103 chữa trị…

Ngày 20/7/1993, ông Nghiêm được GS Tôn Thất Bách và Giáo sư Lê Thế Trung, Giáo sư Lê Trung Hải cùng nhiều giáo sư, bác sĩ đầu ngành ghép tạng tiến hành mổ ghép và ca đại phẫu đã thành công mĩ mãn.

Tròn 20 năm sau khi được ghép thận, hiện tại sức khoẻ của ông Nghiêm vẫn tốt, công việc và cuộc sống ổn định. Niềm vui nhân lên bội phần 6 năm sau khi được “tái sinh”, vợ chồng ông Nghiêm sinh thêm cô con gái kháu khỉnh, hiện cháu đang học lớp 9…

Nói về gia đình mình, Giáo sư Lê Trung Hải tự hào: Vợ mình là PGS.TS Phan Việt Nga, Chủ nhiệm khoa Ngoại thần kinh Viện 103; bố mẹ vợ mình cũng là bác sĩ. Mình luôn tâm niệm làm nghề y thì phải có y đức đồng thời với giỏi y lý, như vậy thì mới chẩn đoán đúng, chữa được bệnh.

Cứu một người, phúc đẳng hà sa. Cuộc đời thầy thuốc của cha con Giáo sư Lê Thế Trung cùng những đồng nghiệp trong gia đình đã cứu biết bao người. Giáo sư Trung và Giáo sư Hải cũng là cặp cha con được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005 cùng một số tác giả khác, với công trình về lĩnh vực ghép tạng. “Tam đại vi y, ví như công hầu khanh tướng” - âu cũng là điều xứng đáng mà người xưa đã suy tôn.
 

Một trong những trường hợp như thế là bệnh nhân Nguyễn Thị Diệp, người đầu tiên được ghép gan ở Việt Nam. Trước khi được ghép gan (tháng 1/2004), bé Diệp đã mấy lần bị xuất huyết tiêu hoá, do gan bị suy. Nếu không được ghép gan, bé Diệp sẽ không còn tồn tại trên cõi đời này...

 

Ca ghép gan lịch sử được tiến hành ngày 31/1/2004. Ca mổ đã thành công tốt đẹp sau 16 giờ đồng hồ căng thẳng. Khi Giáo sư Lê Thế Trung (năm đó 78 tuổi) bước ra từ phòng mổ và thông báo ca mổ đã hoàn tất với kết quả mĩ mãn, thì mọi người đều òa lên chúc mừng các thầy thuốc và thân nhân bé Diệp…

 

Thấm thoắt 9 năm trôi qua, bé Diệp năm xưa nay đã là một thiếu nữ phổng phao, khoẻ mạnh. Mỗi lần trở lại Viện 103, cô bé đều tới thăm những thầy thuốc ân nhân, trong đó có Giáo sư Lê Thế Trung, để bày tỏ lòng biết ơn của mình…

Theo Trần Duy Hiển
Công an nhân dân

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM