Vĩ đại theo cách của Jack Ma (P2)

27/09/2014 14:03 PM | Nhân vật

Thành công trong đợt IPO vừa qua của Alibaba trên sàn chứng khoán New York một lần nữa khiến cả những người thờ ơ nhất với sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc cũng phải giật mình.

Tập trung quyền lực

Mặc dù có rất nhiều người cùng tham gia quá trình xây dựng và đưa Alibaba trưởng thành, quyền quyết định vẫn tập trung hầu hết vào Jack Ma. Năm 2002, doanh nhân này muốn mở một website mua bán hàng online để đối đầu với eBay, khi đó vừa chân ướt chân ráo thâm nhập Trung Quốc. Hầu hết lãnh đạo cấp cao của Alibaba đều phản đối, và đã xảy ra một cuộc tranh cãi kịch liệt giữa họ với Ma. Cuối cùng lý luận của Ma đã chiến thắng, ông lập tức gọi cho Masayoshi – nhà đầu tư chiến lược của Alibaba - và nói “Masa, chúng tôi sẽ làm vậy, dù có hay không có sự ủng hộ của ngài”. Năm phút sau Masa gọi lại và đặt một suất tham gia kế hoạch táo bạo này.

Và thế là trang web Taobao ra đời trong sự xem nhẹ của eBay, nhưng rất nhanh chóng, với sự am hiểu thị trường nội địa hơn hẳn đối thủ ngoại quốc, Taobao đã nhanh chóng chiếm lĩnh 60% thị trường thương mại điện tử trong nước.

Bản lĩnh Jack Ma trong cuộc hôn nhân thế kỷ

Trước sự lớn mạnh như vũ bão của Taobao, eBay bí mật liên lạc với Jack Ma đề xuất mua lại Taobao. Tuy nhiên, CEO của Alibaba lại nhắm tới một nhà đầu tư khác-Yahoo-đơn vị cũng đang tìm đường vào Trung Quốc. Đàm phán của Jack Ma thành công và Jack Ma thu về 1 tỉ USD từ Yahoo.

Tuy nhiên, sóng gió lại nổi lên vào tháng 1 năm 2009, khi Yahoo thay một loạt bộ sậu quản lý mới. Yahoo ký một thỏa thuận quảng cáo với Microsoft, theo đó công ty này không cung cấp sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho Alibaba nữa, không những thế còn cạnh tranh với công ty của Jack Ma trong lĩnh vực quảng cáo.

Sự tham gia của Yahoo mang lại cho Alibaba nhiều thuận lợi

Trước tình hình căng thẳng leo thang và khó tìm tiếng nói chung, trong vòng 18 tháng từ giữa năm 2009 tới đầu năm 2011, Ma đã kịp chuyển quyền sở hữu dịch vụ thanh toán trực tuyến của Alibaba là Alipay sang cho một công ty tư nhân do ông kiểm soát, tách biệt hẳn Alipay khỏi tập đoàn Alibaba. Động thái này mặc dù vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phía Yahoo nhưng đã giúp Jack Ma thâu tóm lại quyển kiểm soát đối với Alibaba và quyền quản lý trực tiếp đối với mảng tài chính của tập đoàn này, bao gồm cả Alipay. Các nhà bình luận đã phải ngả mũ trước Jack Ma khi ông có thể xoay xở xây dựng đế chế riêng của mình giữa lòng tập đoàn Alibaba vốn bị rất nhiều ràng buộc với Yahoo.

Nuôi dưỡng những mối quan hệ

Cùng thời gian đó, Ma bắt đầu ráo riết thiết lập mối quan hệ với những yếu nhân trong nền kinh tế Trung Quốc như chủ tịch tập đoàn Fosun-Guo Chang Chang, chủ tịch China Yintai Holdings-Shen Guojun và sếp lớn của người khổng lồ Giant Interactive- Shi Yuzhu. Những nhân vật này nhanh chóng tạo thành một liên minh mà người ta thường nhắc tới dưới cái tên “Chiết Giang hội” do phần lớn các thành viên sinh ra và lớn lên ở tỉnh Chiết Giang. Cùng với nhau, họ hỗ trợ Jack Ma thành lập một công ty tư nhân của riêng ông mang tên Yunfeng Capital nhằm giúp các doanh nghiệp này gián tiếp mua gom cổ phiếu của Alibaba. Năm 2010 các công ty của Chiết Giang hội mua vào 50 triệu USD cổ phiếu Alibaba, và chỉ 3 năm sau giá trị của lô cổ phiếu đã đạt 200 triệu USD.

Những nhà đầu tư này cũng góp vốn thành lập ra công ty chuyên về logistic Cainiao, trong đó Alibaba sở hữu 48% cổ phần, Fosun và Yintai lần lượt là các nhà đầu tư tiếp theo, và chủ tịch Shen Guojun của Yintai đảm nhận trọng trách làm tổng giám đốc của Cainao.

Mạng lưới những mối quan hệ chủ chốt của Jack Ma

Một loạt giao dịch và doanh nghiệp được hội Chiết Giang lập lên đã tạo thành một mạng lưới sở hữu vô cùng phức tạp giữa Alibaba và các tập đoàn, công ty khác. Mặc dù có không ít người quan ngại về tính minh bạch của các giao dịch này, tới thời điểm hiện tại những gì họ làm vẫn được xem là hợp pháp, và Jack Ma thì ngày càng củng cố được vị thế của mình cũng như của tập đoàn Alibaba trên thị trường trong nước.

Không những giữ quan hệ làm ăn hữu hảo với cộng đồng doanh nghiệp, Jack Ma còn khá quen thân với giới chức trách, điều này giúp ông giành được những thương vụ béo bở trong những lĩnh vực vốn được coi là độc quyền của nhà nước. Quan trọng hơn cả, mối thâm giao này giúp đường đi của Alibaba được hanh thông và êm ả hơn rất nhiều.

Năm này qua năm khác, chàng thanh niên trẻ Alibaba chập chững bước vào thương trường năm 1999 giờ đây đã trở thành một thế lực khó lay đổ ở Trung Quốc, dưới bàn tay chèo lái của thuyển trưởng Jack Ma. Thành công trong đợt IPO vừa qua của Alibaba trên sàn chứng khoán New York một lần nữa khiến cả những người thờ ơ nhất với sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc cũng phải giật mình. Alibaba trong câu chuyện cổ tích thì chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, nhưng Alibaba mà giới tài chính thế giới đang xôn xao nhắc đến trong những ngày qua thì là một tập đoàn hoàn toàn có thực ở Trung Quốc, và là con đẻ của Jack Ma.

>> Vĩ đại theo cách của Jack Ma (P1)

Hải Hà

Hải Hà

Cùng chuyên mục
XEM