Tuổi Tỵ với những chính khách nổi tiếng trên thế giới

07/02/2013 11:17 AM |

Nhiều chính khách trong và ngoài Trung Quốc nhận xét ông Tập Cận Bình, một nhà lãnh đạo tuổi rắn nổi tiếng, là "dễ chơi" nhưng bí hiểm. Ông hiếm khi để cho thế giới hiểu cách ông điều hành công việc như thế nào. 

Theo quan niệm truyền thống, người tuổi Tỵ thường gây ấn tượng vì sự bí ẩn, khôn ngoan, hấp dẫn và khá lãng mạn. Khôn ngoan và kiên nhẫn, người cầm tinh con rắn biết cách quan sát và chờ đợi, kín đáo, bình tĩnh, bảo thủ, và bí ẩn.

Một số chính khách, nhà lãnh đạo nổi tiếng sinh năm Rắn là: cựu Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln, lãnh đạo Ấn Độ kiệt xuất Mahatma Gandhi, cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee, Tổng bí thư mới của Trung Quốc Tập Cận Bình.

Abraham Lincoln - vị Tổng thống tài ba


Năm 2009, Tổng thống thứ 16 của Mỹ, Abraham Lincoln đã được các sử gia Mỹ bình chọn là nhà lãnh đạo tài ba nhất. Theo đó, Lincoln trở thành Tổng thống Mỹ tài ba nhất lịch sử. Xếp sau ông là các cựu Tổng thống George Washington, Franklin D. Roosevelt, Theodore Roosevelt và Harry Truman.

Lincoln thành công trong nỗ lực lãnh đạo đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng hiến pháp, quân sự, và đạo đức - cuộc nội chiến Mỹ - duy trì chính quyền liên bang, đồng thời chấm dứt chế độ nô lệ, và hiện đại hóa nền kinh tế, tài chính của đất nước.

Ông sinh năm 1809, năm 1865 bị ám sát. Lincoln sở hữu tính cách điềm tĩnh cần thiết cho một chính khách, nhất là trong tình thế phức tạp. Ông được xem là một chính khách mẫu mực đại diện cho mọi phẩm chất tốt đẹp của nền dân chủ cộng hòa tại Mỹ với tinh thần bình đẳng và quên mình vì nước.

Mahatma Gandhi - vị anh hùng Ấn Độ


Mahatma Gandhi (1869 - 1948), là anh hùng dân tộc Ấn Độ, đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ nhiệt liệt của hàng triệu người dân. Trong suốt cuộc đời, ông phản đối tất cả các hình thức khủng bố bạo lực và thay vào đó, chỉ áp dụng những tiêu chuẩn đạo đức tối cao. Nguyên lí bất bạo lực được ông đề xướng đã ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh bất bạo động trong và ngoài nước cho đến ngày nay.

Từ lúc lãnh đạo cuộc đấu tranh giành tự do và đứng đầu đảng Quốc dân Đại hội Ấn Độ năm 1918, ông được hàng triệu dân Ấn Độ gọi một cách tôn kính là Mahatma, nghĩa là "linh hồn lớn", "vĩ nhân" hoặc "đại nhân".

Ngày sinh của ông, 2/10, là ngày lễ quốc gia của Ấn Độ. Năm 2007, LHQ ra nghị quyết lấy ngày 2/10 là ngày quốc tế bất bạo động.

Park Chung-hee: Công liền tội

Park Chung Hee và con gái

Park Chung Hee (1917 - 1979) là Tổng thống thứ ba của Hàn Quốc, tại nhiệm trong bốn nhiệm kỳ từ 1963 - 1979. Ông là người thành lập nền cộng hòa thứ ba trong lịch sử Hàn Quốc.

Tên tuổi ông gắn liền với công cuộc hiện đại hóa Hàn Quốc nhờ đường lối phát triển kinh tế lấy xuất khẩu làm chủ đạo. Hàn Quốc không còn là một đất nước nghèo nàn như những thế kỷ trước, mà trở thành một trong những con hổ của châu Á. Về mặt quân sự, ông thực hiện chính sách liên minh với Mỹ. Trong 18 năm cầm quyền, ông đã thực hiện chính sách độc tài, trấn áp những người bất đồng chính kiến. Điều này đã dẫn đến vụ ám sát Park Chung Hee năm 1979, do giám đốc Cục Tình báo Trung ương Hàn Quốc thực hiện.

Năm 1999, ông được tạp chí Time chọn là một trong 100 người châu Á tiêu biểu của thế kỉ 20. Ông vừa là một lãnh đạo được người dân Hàn Quốc mến mộ vì nhờ ông đất nước trở nên thịnh vượng, nhưng đồng thời bị chỉ trích như một lãnh đạo độc tài.

Tập Cận Bình - nhà lãnh đạo bí ẩn


Ông sinh ngày 1/6/1953, hiện là Tổng bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Phó Chủ tịch nước và là nhân vật số một trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông được mệnh danh là một "thái tử", là con trai của nguyên phó thủ tướng Tập Trọng Huân. Tuy xuất thân "danh gia vọng tộc', nhưng ông đã phải “ẩn mình” trong suốt thời gian diễn ra cuộc cách mạng Văn hóa. Ở tuổi 15, ông được gửi tới lao động cùng với các nông trên những quả đồi của tỉnh Thiểm Tây. Rồi từ một vị trí khiêm tốn ở Bắc Kinh năm 1979, ông đã thăng tiến nhanh chóng trong hàng ngũ chính phủ.

Nhiều chính khách trong và ngoài Trung Quốc nhận xét ông Tập Cận Bình "dễ chơi" nhưng bí hiểm. Ông hiếm khi để cho thế giới hiểu cách ông điều hành công việc như thế nào.

Nhìn chung, Tập Cận Bình được đánh giá là một con người cẩn trọng, tạo cho mình hình ảnh một nhà lãnh đạo thực dụng và kiên định.

Theo Thái An

vietnamnet

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM