Trần Bảo Minh: Hiện tượng hay sự cố? (tiếp)

10/11/2011 07:50 AM |

Khi nhắc đến Minh, không ít người dành nhiều tình cảm, lòng ngưỡng mộ. Nhưng cái tên Trần Bảo Minh cũng gắn với không ít điều tiếng và hầu hết được xem là những tin đồn bởi ông chưa bao giờ lên tiếng chính thức.


Sự cố


Trước khi về TH Milk, tháng 8.2009, cái tên Trần Bảo Minh từng được gắn vào chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vinamit. Sau đó, có tin đồn do “cơm không lành canh không ngọt”, Minh chia tay Vinamit và lại kéo theo cả đội ngũ của mình về TH Milk. Với thông tin này, Trần Bảo Minh cho biết, ông chỉ đứng tên trong Hội đồng Quản trị của Vinamit một vài tháng, không trực tiếp điều hành. “Nếu tham gia vào một công ty, tôi sẽ làm sếp chứ không làm phó chủ tịch hội đồng quản trị, một vị trí vốn không có thực quyền”, Minh khẳng định.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Vinamit, qua điện thoại cũng khẳng định: “Anh Minh chỉ tham gia ở Hội đồng Quản trị trong vài tháng, không trực tiếp điều hành”.

Rời Vinamilk, Minh chỉ giải thích ngắn gọn: “Ba năm là đủ cho một cuộc đổi dời, một cuộc làm mới chính mình”. Tuy nhiên, dư luận khá khắt khe khi đặt vấn đề “đạo đức kinh doanh” khi Minh rời một công ty sữa để về làm cho một công ty sữa khác, tạm coi là đối thủ của công ty hiện tại. Cái tên Trần Bảo Minh cũng gây nhiều dư luận trái chiều khi nhiều thông tin cho rằng, mỗi khi rời công ty nào ông đều kéo theo cả đội ngũ quản lý cao cấp. Minh đã giữ im lặng suốt 2 năm sau đó, không một lời giải thích.

Khi chúng tôi đặt lại câu hỏi này, Minh trả lời bằng một câu hỏi khác: “Tại sao không ai đặt câu hỏi ngược lại rằng, công ty đó có tin tưởng, trọng dụng nhân sự mà tôi để lại hay không? Những người này đều đã là cấp quản lý, họ có tài và thừa thông minh để lựa chọn con đường sự nghiệp của mình, làm sao tôi có thể kéo họ đi nếu họ nhìn thấy cơ hội tốt hơn khi ở lại”.

Thực tế, không ít nhà quản lý dưới quyền Trần Bảo Minh, sau khi ông ra đi vẫn ở lại và thăng tiến đến những vị trí cao trong công ty, như Giám đốc Tài chính Hoàng Công Trang, Giám đốc Kinh doanh Tiếp thị Nguyễn Thế Dục Nhật ở TH Milk. Trước đó, khi rời Vinamilk về TH Milk, ông chỉ rút Giám đốc Thương mại Phạm Trọng Bảo Châu về làm cùng. Các vị trí quản lý hoạch định tài chính, marketing và kinh doanh của Vinamilk do Minh tuyển dùng và gửi đi đào tạo ở Singapore về đều ở lại làm việc. Tại Vinamilk, theo thông tin chúng tôi có được, có ít nhất 3 nhân sự cao cấp, từng là cấp dưới của ông Minh, nay giữ vị trí quản lý chủ chốt với thu nhập từ tiền thưởng và cổ phiếu lên đến vài tỉ đồng mỗi năm. Minh cũng cho biết, ở Vinamilk hiện có khoảng 10 cộng sự từng làm việc với ông ở Pepsi, TH Milk có vài chục người và Asia Foods khoảng hơn 10 người. “Lực lượng của tôi trải dài trên 3 công ty này và chuyện rút toàn bộ nhân sự chỉ là cách mọi người muốn nói”.

“Khi quyết định đi, tôi tổ chức họp và thông báo công khai, tôi cũng nói rõ tôi cần vài người theo mình để thực hiện cuộc trường chinh mới. Mặt khác, tôi cũng xem họ sẽ được trọng dụng thế nào. Bởi tôi hiểu, nếu tôi ra đi không minh bạch, những người tin tưởng theo tôi sẽ bị ảnh hưởng không ít”, Minh cho biết.

Có một thực tế là khi nói đến Trần Bảo Minh, ít ai bình luận đến năng lực mà mọi nhận xét về ông hầu như chỉ xoay quanh mấy chữ “đạo đức kinh doanh”. Sau những lời đồn về chuyện lôi kéo nhân sự, Trần Bảo Minh cũng “mang tiếng” về lương thưởng, khi có tin cho rằng ông rời Vinamilk sau khi nhận ít nhất là 4-5 triệu USD tiền và cổ phiếu thưởng của năm 2009. Thực hư thế nào? “Tôi rời Vinamilk từ tháng 7.2009, trong khi ai cũng biết tiền và cổ phiếu thưởng của doanh nghiệp chỉ được trả vào cuối năm”, ông nói.

Trong nghề marketing, nhiều người nhận xét Minh có cách tiêu tiền của nhà giàu. Với các chiến dịch marketing lớn, trao cho Minh một cọc tiền, Minh sẽ làm thành công. Tại Vinamilk, năm 2007, Vinamilk chi 975 tỉ đồng cho tiếp thị và bán hàng. Năm 2008, tuy các khoản chi này có giảm nhưng việc chi 2 triệu USD để tiếp thị cho nhãn hàng cà phê Moment (nay nhà máy đã được bán cho Trung Nguyên) của Vinamilk, do Phó Tổng Giám đốc Trần Bảo Minh công bố vào tháng 5.2008, được coi là một hành động “chơi trội” của đại gia. Trần Bảo Minh hiện là Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Thực phẩm Á Châu (Asia Foods). Với Asia Foods hiện nay, ông cũng cho biết công ty dành 150 tỉ đồng để làm marketing cho sản phẩm mì ăn liền, trong khi mức chi cho marketing những năm trước đó chỉ khoảng 30 tỉ đồng.

Với nhận xét tiêu tiền kiểu nhà giàu, Trần Bảo Minh phản ứng: “Nhận xét như thế thì không hiểu gì về kinh doanh cả”. Minh giải thích, khi xem xét chi phí marketing, phải coi kết quả cuối cùng là doanh thu, lợi nhuận tăng thế nào. Làm marketing ai cũng xài tiền, nhưng hơn nhau ở chỗ xài phải ra tiền, phải tăng doanh thu, lợi nhuận. Trần Bảo Minh thậm chí không chấp nhận khái niệm lỗ tạm thời. Những chiến dịch marketing của ông đã ghi lại, túi bên này ông vừa bỏ ra khoản tiền lớn đầu tư cho marketing ngay lập tức túi bên kia ông đã thu về lợi nhuận.

Tuy nhiên, không phải mọi quyết định marketing của Trần Bảo Minh đều thành công. Quyết định đầu tư 2 triệu USD để tiếp thị cà phê Moment nói trên là một minh chứng. Ông Nguyễn Thế Dục Nhật Giám đốc Kinh doanh Tiếp thị của TH Milk, kể thêm một thất bại của Trần Bảo Minh là sản phẩm Sữa ngủ ngon (Sweetdream milk) ông đưa ra từ thời còn ở Vinamilk. Sau 5-6 tháng, sản phẩm này đã ngưng sản xuất do không phù hợp với thị hiếu và thói quen của người tiêu dùng Việt Nam. “Quan trọng là anh ấy có nhiều ý tưởng mà không phải ai cũng làm được. Và một vài ý tưởng trong số đó thành công đã tạo được dấu ấn rồi”, ông Dục Nhật nói.

Ngoài ra, một điểm yếu của Minh, theo những người cộng sự lâu năm của ông nhận xét, là tính hiếu thắng. Chính cá tính này cũng là nguyên nhân sâu xa khiến Minh rời các công ty lớn sau một thời gian gắn bó. Song, ông Dục Nhật nói thêm: “Đó có lẽ cũng là một tố chất của nhà lãnh đạo. Một nhà lãnh đạo mà không có tính hiếu thắng, khó thành công”.

Minh đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng vượt bậc của Vinamilk, nhưng dường như sự xuất hiện đúng thời điểm và sự nổi trội của ông khiến dư luận đánh đồng thành tựu của Vinamilk là thành tựu của Trần Bảo Minh. Và những lời ưu ái đó của dư luận lại gây bất lợi cho ông hơn là lợi. Hơn ai hết, Trần Bảo Minh hiểu rõ vai trò và đóng góp hơn 30 năm của bà Mai Kiều Liên, người nắm quyền cao nhất ở Vinamilk đối với doanh nghiệp này.

Ông lý giải ra đi chỉ vì muốn bắt đầu một cuộc trường chinh mới, khi những mục tiêu ông đặt ra ở Vinamilk đã hoàn thành, mặc cho những đồn đại về điều này vẫn còn tiếp diễn. “Hoàn toàn không có xung đột nào cả. Lĩnh vực nào tôi giỏi nhất, tôi là người cầm lái, bởi tôi chịu trách nhiệm về uy tín, danh dự và quyền lợi công ty. Nếu chỉ vì quyền lợi bản thân, chấp nhận giao nửa bánh lái cho người khác, đó là vô trách nhiệm. Nếu tôi tin mình có khả năng cầm lái giỏi nhất trong lĩnh vực đó, mà vẫn giao bánh lái cho người khác, tôi là người hèn nhát”, Trần Bảo Minh nói như thể đang giải thích cho nguyên nhân rời TH Milk của mình vào cuối năm qua.

Tôi tự cao!

Ông nói, cuộc đời là một sự chinh phục. Chinh phục chính mình và chinh phục mọi người để có ích cho nhiều người. Đó chính là khát vọng của Trần Bảo Minh, một nhà quản trị trẻ có tài.

Từ Vinamilk, nay về Asia Foods, có thể coi là sự tụt lùi không?

Có khác nhau không khi cả 2 đều thuộc ngành hàng tiêu dùng. Tại sao lại xem là tụt lùi chỉ vì một công ty đã niêm yết, còn công ty kia chưa. Tôi không nghĩ vậy. Mỗi công ty tôi tham gia đều gắn bó với bản đồ sự nghiệp của mình, nên tôi lựa chọn rất kỹ. Trong bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp đóng thuế cao nhất năm 2010, Asia Foods đứng thứ 315. Năm nay, chúng tôi đã tăng 90 bậc, đứng thứ 225. Trong tình hình kinh doanh khó khăn như năm nay, doanh nghiệp đóng thuế tăng 90 bậc không phải chuyện dễ.

Vậy sau này, kể cho con cháu về sự nghiệp của mình, công ty nào khiến ông tự hào nhất?

Có lẽ là TH Milk. Tôi tự hào đã tham gia vào công ty có tầm nhìn lớn như vậy.

Tầm nhìn đó thế nào?

Tại sao ngay lần gặp đầu tiên tôi đã gật đầu, trước khi nói chuyện về mức lương, cổ phần? Vì chị Thái Hương nói, chị muốn làm trang trại lớn nhất thế giới để làm sữa tươi ngon nhất cho trẻ em Việt Nam. Năm 2006, các công ty mua sữa của nông dân với giá khoảng 4.000 đồng/lít, nay là khoảng 12.000-13.000 đồng/lít (tăng gấp 3 lần). Giả sử trong 5 năm tới, giá sữa tươi tăng gấp đôi, đạt trung bình 25.000 đồng/lít. Với quy mô 20.000 con bò sữa, TH Milk bán với giá 20.000 đồng/lít thôi, coi như đã phủ được cả thị trường nguyên liệu sữa tươi. Tầm nhìn như vậy có được mấy người?

Người ta nói mức lương của ông cao nhất lên đến 20.000 USD?

Lại tin đồn nữa à? Mức đó là không tính tiền thưởng và cổ phần chứ?

Điểm yếu nhất của Trần Bảo Minh là gì?

Tôi không phải là người thích tiểu tiết. Theo dõi, kiểm soát những vấn đề mang tính chi tiết là điểm yếu của tôi, nên tôi phải luôn có người có thế mạnh về mặt này theo sát hỗ trợ.

Con gái 2 tuổi của ông đang uống sữa gì?

6 tháng đầu cháu chủ yếu bú mẹ. Sau 6 tháng đến 1 tuổi, cháu uống sữa bột Dielac. Qua 1 tuổi, chúng tôi cho cháu uống sữa tươi Vinamilk và hiện tại là uống sữa tươi của TH Milk. Tôi làm ra nhiều tiền hơn nhiều bà mẹ đang cho con uống sữa ngoại, nhưng tôi không chọn sữa ngoại.

Ông có chơi thể thao không? Môn nào ông giỏi nhất?

Tôi chơi thể thao giỏi, đánh bida cá độ với bạn bè có thể kiếm tiền được. Tennis cũng khó tìm đối thủ vì tôi luôn chơi bằng cái đầu (cười). Tôi đá banh cũng tốt, nhưng bơi thì chậm. Hiện tại, tôi chơi tennis là chính.

Cá nhân ông tiêu tiền thế nào?

Tôi tiêu hoang thật, đi du lịch bằng tiền túi, nhưng không bao giờ chấp nhận đi vé phổ thông hoặc ở khách sạn 4 sao. Tôi không thích nhân viên phải trả tiền ăn khi mời mình. Thật không công bằng khi nhân viên thu nhập thấp hơn tôi rất nhiều lại phải trả tiền cơm cho mình.

Ví dụ, hôm nay ông ăn trưa ai trả tiền?

Trưa nay ăn cơm với nhân viên kinh doanh, tôi trả. May quá, ngày hôm qua tôi không trả vì đi với bạn.

Có người nhận xét rằng ông là người tự mãn?

Già rồi, tự mãn làm chi. Tôi tự cao thì có (cười lớn). Người nào mới gặp tôi thường không thích lắm, nhưng gặp thêm lần nữa lại quyết định chơi với tôi luôn.

Ông sẽ rời một doanh nghiệp khi nào?

Bước chân vào một doanh nghiệp, tôi ví như bước vào một chiến dịch, mà ở đó quyết sách mình đưa ra phải thay đổi cục diện của trận đánh chứ không phải chỉ chiếm vài chiến hào. Nếu sau 1 năm vẫn chỉ loay hoay với vài chiến hào chiếm được, tôi sẽ nản mà ra đi. Không đóng góp được cho doanh nghiệp, tôi nghỉ ngay.

Theo ông, kinh doanh có đạo đức nên được hiểu như thế nào?

Đó là bất kỳ sản phẩm nào đưa ra đều phải nói lên được 3 thông điệp: cho người tiêu dùng, nhà đầu tư và cả đối thủ. Với người tiêu dùng, không được nói quá làm ảnh hưởng đến cuộc sống người ta. Ví dụ, sản phẩm đó chỉ nên ăn 1 lần/ngày. Thông điệp bạn đưa ra thế nào để khuyến khích người ta ăn 2 lần/ngày là vi phạm đạo đức kinh doanh. Với đối thủ, không làm điều ảnh hưởng đến uy tín đối phương. Không vì thuyết phục sản phẩm mình tốt mà lấp lửng cho rằng các sản phẩm khác xấu. Với nhà đầu tư, phải đưa được thông tin minh bạch. Bởi nếu họ dựa vào thông tin sai để đầu tư hoặc thông tin bị lợi dụng để trục lợi thì thiệt hại thật khó kiểm soát.






























































































Theo Hằng Nga
NCĐT

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM