Tiến sĩ Alan Phan: “Những lúc buồn bã tôi có nhiều tiền nhất”

24/12/2012 08:20 AM |

Alan Phan tư duy "ngoài cái hộp" như thế nào?

Du học sang Mỹ từ năm 1963, tham gia giảng dạy tại một số trường học Việt Nam, Mỹ, Trung Quốc song Tiến sĩ Alan Phan – Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa được biết đến nhiều hơn trong vai trò doanh nhân với 42 năm lăn lộn trên thương trường quốc tế. Năm 1987, ông là Việt kiều đầu tiên đưa công ty Hartcourt của mình niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Năm 1999, khi trị giá của Hartcourt đạt 670 triệu USD cũng là lúc ông quyết định  rời công ty tập trung lấy hai bằng tiến sỹ tại Mỹ và Anh rồi thành lập quỹ đầu tư gia đình Viasa vào năm 2001. 

Dù bận rộn đến mấy ông vẫn thường xuyên chia sẻ những góc nhìn của mình trên trang cá nhân. Trong số những vấn đề ông đề cập, tiền là câu chuyện được trở đi trở lại, khi là những kinh nghiệm trên thương trường, lúc lại là vài suy ngẫm về tiền và hạnh phúc trong cuộc sống. Cuộc trò chuyện với ông về chủ đề tiền bạc phần nào giúp độc giả thấu hiểu quan điểm về đồng tiền và những câu chuyện, triết lý kinh doanh thú vị từ ông.

Ở Việt Nam, người ta hay nói “giàu có”, tức là khi “giàu” sẽ “có”; còn khi nghèo thì “nghèo khổ”, ông nghĩ sao?

Trong quãng đời làm ăn 42 năm (năm nay tôi đã 67 tuổi), có lúc tôi không có tiền, lúc lại có tiền. Thực tình có tiền vẫn tốt hơn. Không có tiền vẫn có nhiều cách tìm hạnh phúc. Từ “nghèo khổ” tôi ít khi dùng, mà tôi thường dùng hai từ “nghèo khó”, tức là “nghèo” đương nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng không có nghĩa không thể vượt qua và đôi khi hành trình còn lý thú hơn mua sắm. 

Xin ông cho biết quan điểm của mình về câu châm ngôn nổi tiếng “Tiền là người đầy tớ tốt nhưng lại là ông chủ xấu”. 

Thực tình tôi không quan tâm tiền là đầy tớ hay ông chủ, nhưng tôi biết tiền là phương tiện rất cần. Hồi trẻ tôi có đọc nhiều sách của các nhà triết lý khuynh tả khinh mạn đồng tiền. Tôi cũng lớn lên với khái niệm đồng tiền là nguồn gốc của mọi tội lỗi, nhưng khi lớn lên, có tư duy rõ ràng hơn về cuộc đời tôi thấy đồng tiền thực ra chỉ là công cụ.

Có những thời gian tôi trắng tay. Năm 1975, khi quay lại Mỹ với 400 USD vỏn vẹn trong túi cùng vợ con, tôi đã tự xây dựng lại cuộc đời mình. Năm 1983, gần như bị mất hết vốn trong một dự án bất động sản ở Arizona, tôi ra khỏi nhà chỉ với một vali quần áo. Lúc khốn khổ, tôi suy nghĩ nhiều về những vấn đề mình đối diện, nghĩ đến đường mình phải đi. Con người tôi luôn nhìn về tương lai thay vì hiện tại hay quá khứ.
Lúc đó tôi nghĩ giờ mình không có gì, mình phải bắt đầu lại thế nào, chương trình hoạt động ra sao. Đó là lúc tôi động não nhiều nhất và hăng hái nhất vì phải làm để vượt qua tình thái này chứ không phải ngồi ca thán. Những lúc tôi buồn bã nhất thường là tôi có tiền nhiều nhất. Tôi ngồi và thấy sao thấy mình cô đơn quá, sao thấy mình mệt quá, thấy cuộc đời sao rắc rối thế này. Còn khi mình không có tiền thì đơn giản, chỉ cần biết làm thế nào có chương trình để có tiền. 

Có ý kiến cho rằng cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng rất nhiều tiền, ông nghĩ sao?

Tôi cho cho điều đó là có lý. Nhưng thực tình mà nói ham muốn của con người tới một lúc nào đó cũng có giới hạn nhất là những người có tư duy thiên về những thứ khác hơn. Ví dụ khi bạn lớn tuổi, tiền bạc không quan trọng bằng sức khỏe; đồng tiền nhiều khi không quan trọng bằng sự bình an về mặt tâm linh. Đối với tôi, giá trị lớn nhất của tiền là mang lại sự tự do: tự do làm điều mình thích, có nhiều thời gian và không bị ràng buộc.

Ở nước nào cũng tồn tại hai khái niệm “tiền sạch” và “tiền bẩn”?

Đó là cách kiếm tiền chính đáng hay không chính đáng, hợp pháp hay không hợp pháp chứ không phải đồng tiền nó sạch hay bẩn. 

Một số người không thích đồng tiền, một số người coi đồng tiền là nguồn gốc của tội lỗi. Nhìn lại danh sách 100 người giàu nhất thế giới, phần lớn họ kiếm tiền bằng hình thức rất công khai, chính đáng, không có gì là tội lỗi, phạm pháp. Đạo đức là một cách để nhìn đồng tiền. Con người đạo đức, tâm linh luôn có một sự trong suốt, minh bạch và hiểu rõ chân giá trị. Thành ra nếu có một nền tảng đạo đức chắc chắn, bạn đi vào ngành gì đều thấy ổn thỏa hơn, an bình hơn trong nội tâm. 

Kiếm tiền đến mức nào là đủ?

Lòng tham con người nếu biết kiểm soát, biết giới hạn giúp tạo động lực để cầu tiến. Điều quan trọng là nền tảng đạo đức. Khi có nền tảng rồi, bạn sẽ biết rõ điều gì cần làm để kiếm tiền, điều gì không nên rờ vào dù là kiếm được bao nhiêu chăng nữa. Đây là một sự giác ngộ trong con người. Thế giới vẫn vận hành theo cách của nó, từ cái xấu đến cái tốt, từ cái tham lam vô độ đến dè xẻn, cẩn trọng. Những điều này tùy thuộc vào sự lựa chọn của từng cá nhân. 

Quan điểm “Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hạt tiện” có đúng không thưa ông?

Tôi nhớ một gia đình đại gia bên Mỹ họ nói cách kiếm tiền nhanh nhất là tìm cách gia tăng mỗi ngày và để dành. Cả hai phương thức đó cùng cộng hưởng thì sẽ nhanh hơn. Còn có những người thích suy nghĩ đến việc kiếm tiền hơn là để dành, thành ra có bao nhiêu họ xài bấy nhiêu. Thường những người đó lại rất sáng tạo vì khi dùng hết họ sẽ nghĩ cách kiếm nhiều hơn để có thêm thu nhập. 

Lúc bé tôi có đi vay mượn nhưng cách đây 20 năm tôi không mượn tiền ai. Vay mượn là cái đem lại sự bất ổn trong tinh thần mình, nhất là khi làm ăn. Nếu suy nghĩ kỹ, sáng tạo, tôi nghĩ lúc nào bạn cũng có thể tạo ra thu nhập. Cố gắng tiêu dưới mức thu nhập bạn sẽ không gặp rắc rối về vấn đề tiền bạc. 

Ông có so sánh gì về lớp trẻ Việt Nam hiện nay và thế giới? Lời khuyên của ông dành cho họ là gì?

Mong muốn đem đến cho giới trẻ một tư duy mới, cởi mở, chấp nhận những suy nghĩ khác người, những thay đổi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu để bắt kịp những người trẻ trên thế giới là mục tiêu duy nhất của tôi. Phần quan trọng nhất trong một nền kinh tế hay trong một con người là phần mềm chứ không phải phần cứng. Tài sản mềm mới là thứ tài sản có giá trị bền vững.
Ví dụ, Apple thu lợi nhuận 140 USD trên mỗi chiếc iPhone, trong khi Foxconn với nhà xưởng quy mô lại chỉ kiếm được 6-7 USD/chiếc. Apple có tài sản mềm chứ không có tài sản cứng. Ở Mỹ, các công việc hoạt động cơ bắp kiếm 20-25 USD/giờ, còn kiếm tiền bằng trí não gần như là vô giới hạn. 

Khác biệt lớn nhất của người trẻ Việt Nam là sống trong một xã hội tương đối khép kín, họ khó chấp nhận những thứ mới mẻ, thách thức, họ đóng khung trong chiếc hộp loay hoay không thoát ra được. Tôi thường nhắc họ hãy “tư duy ngoài cái hộp” và nhìn lại tất cả mọi thứ.
Tôi thấy đó là khác biệt lớn nhất. Thứ 2, người trẻ Việt Nam còn khá thụ động, lười biếng. Tôi muốn khuyên họ hãy quên chuyện kiếm tiền và hãy nghĩ đến công việc của mình, đến đam mê của mình và chăm chú vào nó. Khi bạn làm một việc gì giỏi, thành công, có một kiến thức chuyên sâu, tiền sẽ tự tìm tới. 

Diệp Vi

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM