Thông điệp từ chuyến thăm Ấn Độ của Obama
Báo chí Trung Quốc nói, chuyến thăm Ấn Độ của ông Obama bị che phủ bởi “mối quan hệ hữu hảo giữa Bắc Kinh và New Delhi”.
Nội dung nổi bật:
- Tổng thống Obama phát biểu: “Chúng tôi nhận thấy Ấn Độ đang đóng vai trò ngày càng lớn trong việc đảm bảo an ninh và hòa bình của thế giới”.
- Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Ấn đã nhất trí sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng thông qua đẩy mạnh các cuộc tập trận chung giữa hai nước. Ông Obama và ông Modi cũng nhất trí cùng nhau phát triển các công nghệ quốc phòng. Tuy nhiên một câu hỏi đặt ra đối với một số nhà hoạch định chính sách Mỹ sau chuyến thăm của ông Obama là: Liệu Ấn Độ có thể có những bước tiến mạnh mẽ cần thiết?
Sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ Barack Obama trên ghế thượng khách tại lễ diễu binh ngày Cộng hòa của Ấn Độ hôm qua (26/1) được giới quan sát đánh giá là gửi một thông điệp quan trọng tới Trung Quốc. Washington và New Delhi đang xích lại gần nhau hơn để tạo đối trọng với một Trung Quốc đang nổi lên.
Trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ kéo dài 3 ngày, ông Obama hôm qua đã cùng Thủ tướng Nerandra Modi chứng kiến cuộc diễu binh phô diễn sức mạnh quân sự của nước này tại thủ đô New Dehli. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ mời một nguyên thủ quốc gia Mỹ tham dự sự kiện này.
Theo tờ Wall Street Journal, trước đó, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Ấn đã có một cuộc họp thượng đỉnh, nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng và phát triển kinh tế trong bối cảnh căng thẳng trên toàn cầu gia tăng. Hôm Chủ nhật, Thủ tướng Modi nói rằng, đang có “sự chuyển biến” trong quan hệ giữa hai nước. “Chúng tôi đã sẵn sàng tiến bước vững chắc để gánh vác trách nhiệm của mối quan hệ đối tác toàn cầu giữa hai nước, tiếp tới định hình thế kỷ này”, ông Modi nói.
“Chúng tôi nhận thấy Ấn Độ đang đóng vai trò ngày càng lớn trong việc đảm bảo an ninh và hòa bình của thế giới”, ông Obama phát biểu sau các cuộc hội đàm với ông Modi vào hôm chủ Nhật.
Ông Shyam Saran, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn quốc phòng Ấn Độ, nói: “Cả Ấn Độ và Mỹ đều không muốn chứng kiến bức tranh an ninh châu Á nằm dưới sự chi phối của Trung Quốc. Quan hệ Ấn-Mỹ đã trở thành một mối quan hệ rất quan trọng đối với Ấn Độ”.
Wall Street Journal đánh giá, Ấn Độ đang thiếu tin tưởng sâu sắc vào Trung Quốc do giữa hai nước đang tồn tại tranh chấp lãnh thổ. Ngoài ra, New Delhi còn phản đối việc Trung Quốc dùng viện trợ để gây ảnh hưởng lên các nước láng giềng của Ấn Độ ở khu vực Nam Á, cũng như sự hiện diện hải quân gia tăng của Bắc Kinh trên Ấn Độ Dương.
Mùa thu năm ngoái, quân Ấn Độ và quân Trung Quốc đã có cuộc chạm trán kéo dài suốt 2 tuần tại một khu làng xa xôi trên dãy Himalaya thuộc khu vực biên giới tranh chấp giữ hai nước. Tuy nhiên, trong cuộc chạm trán được cho là nghiêm trọng nhất suốt nhiều thập kỷ này, hai bên đã không nổ súng.
New Delhi cũng gia tăng mức độ cảnh giác sau khi một tàu ngầm tấn công của Hải quân Trung Quốc thăm cảng Sri Lanka vào năm ngoái. Sri Lanka đã nhận của Trung Quốc hàng tỷ USD vốn vay để đầu tư cho các cơ sở hạ tầng.
Báo chí Trung Quốc đã có phản ứng trước chuyến thăm Ấn Độ của ông Obama. Hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho rằng, chuyến thăm này “mang tính biểu tượng hơn là có ý nghĩa thực tế, xét tới những khác biệt đã tồn tại lâu năm giữa hai nước. Những khác biệt này có thể cũng lớn như khoảng cách địa lý giữa hai nước”. Tân Hoa Xã cũng nói, chuyến thăm này bị che phủ bởi “mối quan hệ hữu hảo giữa Bắc Kinh và New Delhi”.
Tuy vậy, trong chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Ấn đã nhất trí sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng thông qua đẩy mạnh các cuộc tập trận chung giữa hai nước. Ông Obama và ông Modi cũng nhất trí cùng nhau phát triển các công nghệ quốc phòng. Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, hai nước sẽ thử nghiệm các dự án về công nghệ tàu sân bay và động cơ phản lực.
Ông Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, nói rằng, các cuộc thảo luận kéo dài giữa hai nhà lãnh đạo trong chuyến thăm này “gửi một thông điệp tới thế giới rằng, Mỹ và Ấn Độ đang trở thành đối tác gần gũi của nhau”.
Một câu hỏi đặt ra đối với một số nhà hoạch định chính sách Mỹ sau chuyến thăm của ông Obama là: Liệu Ấn Độ có thể có những bước tiến mạnh mẽ cần thiết? “Nếu nền kinh tế Ấn Độ không tăng tốc, sẽ khó để nước này giữ một vai trò quan trọng hơn trong khu vực hay trên thế giới. Đây là lúc mà Ấn Độ cần có hành động”, một quan chức của chính quyền Obama phát biểu.
Hiện nay, Ấn Độ đang nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế sau một thời gian tăng trưởng giảm sút. Sau 6 thập kỷ giành độc lập từ Anh, thủ đô New Delhi của Ấn Độ vẫn thường xuyên bị mất điện. Tham nhũng và cơ sở hạ tầng yếu kém là một vài trong những lý do cản trở đầu tư ở Ấn Độ.
Bản thân ông Obama cũng tỏ ra thận trọng. “Mối quan hệ đối tác mới này sẽ không có được chỉ sau 1 đêm, mà cần phải có thời gian và sự kiên nhẫn để xây dựng. Tuy vậy, chúng tôi đã có một cơ hội mới, có lẽ là chưa từng có tiền lệ. Việc tăng cường quan hệ với Ấn Độ sẽ tiếp tục là một ưu tiên chính sách ngoại giao hàng đầu của chính quyền chúng tôi”.
>> Tại sao giá vé máy bay Ấn Độ rẻ nhất thế giới?
Theo An Huy