Thomas Edison và Steve Jobs: Hai mặt của một thiên tài

10/10/2011 11:44 AM |

Sự qua đời của họ khiến công chúng hết sức đau buồn và thể hiện sự tiếc nhớ còn nhiều hơn cả nhiều nhân vật đứng đầu các chính phủ. Tại sao lại như vậy?

Tháng 8/1931, Thomas Alva Edison qua đời ở tuổi 84 vì bệnh thận. Trước đó, ông đã hồi phục phần nào, sau đó bệnh nặng hơn và cuối cùng phải nằm liệt giường, bất tỉnh. Mỗi ngày, các tờ báo xuất bản hàng trăm tin bài về ông: bệnh ông khá hơn hay đang xấu đi. Buổi sáng ngày 18/10/1931, cuối cùng, ngày phải đến đã đến, ông đã qua đời tại nhà trong sự thương tiếc của gia đình.

Cùng ngày, New York Times đăng khoảng hơn 20 bài viết về cuộc đời và cái chết của Edison. Các bài báo tán dương, ca ngợi và tưởng nhớ ông tràn ngập các tờ báo trên thế giới trong suốt nhiều ngày. Dường như câu chữ không đủ để thể hiện sự tiếc thương của nước Mỹ với một thiên tài. Theo lời đề nghị của Tổng thống Mỹ khi đó, ông Herbert Hoover, nhiều người Mỹ lẳng lặng tắt điện vào lúc 10h tối trong đêm lễ tang Edison.

Những gì đã diễn ra sau cái chết của Steve Jobs đã khiến người ta không khỏi nhớ đến tâm trạng đau buồn bao trùm sau khi Edison qua đời. Trong cả hai trường hợp, sự qua đời của họ khiến công chúng hết sức đau buồn và thể hiện sự tiếc nhớ còn nhiều hơn cả nhiều nhân vật đứng đầu các chính phủ. Tại sao lại như vậy?

Cả hai người đàn ông này đều thu hút sự chú ý của tôi tại thời điểm khác nhau. Năm 1993, tôi viết một cuốn sách về Steve Jobs. Tôi nhìn vào nỗ lực không ngừng để xây dựng một công ty mới của ông có tên NeXT sau khi ông rời Apple do cuộc chiến tranh giành quyền lực vào năm 1985. Năm 1997, ông trở lại Apple. Tôi nhìn vào cuộc đời của ông và công ty của ông khi ông đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất của sự nghiệp.

Nhiều năm sau đó, tôi viết tiểu sử về Edison, người mà Steve Jobs rất ngưỡng mộ. Khi bạn so sánh giữa hai tính cách và sự nghiệp, sẽ có thể thấy một số điểm tương đồng. Cả hai đều có học vấn không được bằng những người đồng trang lứa. Cả hai đều có khả năng nhìn xa trông rộng. Cả hai đều đi theo tiếng gọi của bản thân khi đưa ra quyết định. Và cả hai cùng có tính cách tuyệt vời khiến đồng nghiệp nể trọng.

Cả hai đều làm việc trong nhiều lĩnh vực, tuy nhiên công nghệ liên quan đến giải trí đóng vai trò quan trọng trong danh mục sản phẩm của họ. Điều này đặt ra câu hỏi: liệu mối quan hệ của Edison với công chúng có được như vậy nếu thế giới không có máy hát và ngành điện ảnh? Hoặc trong trường hợp với Steve Jobs, nếu không có Jobs, liệu Apple có vẫn mãi chỉ là công ty máy tính?

Sau khi gặt hái được thành công ban đầu, mỗi người đều theo đuổi dự án viển vông khiến họ mất gần 10 năm. Steve Jobs mất thời gian với dự án NeXT và Edison thất bại trong việc xây dựng nhà máy chế biến tại Tây Bắc bang New Jersey.

Dù thất bại trong ngành khai mỏ, chẳng có gì thay đổi về người đàn ông vĩ đại Edison. Chiếc máy nghiền ông thiết kế đi thiết kế lại chẳng bao giờ hoạt động theo mong muốn của ông. Tuy nhiên ông cũng chỉ coi điều đó thật bình thường. Chẳng có gì thay đổi được sự tinh thông tuyệt vời của ông trên tất cả các lĩnh vực kỹ thuật.

Steve Jobs, tuy nhiên, rõ ràng học được nhiều từ thất bại với NeXT về việc không nên làm gì, ví như việc không nên để mất nhân tài mà công ty đã tuyển dụng được. Khi trở lại Apple, ông xây dựng đội ngũ điều hành thực sự ổn định.

Sau giai đoạn trên, nghề nghiệp của hai người đàn ông nổi tiếng khác nhau rất nhiều. Steve Jobs đã làm được sản phẩm đúng theo mong muốn của ông. Còn Edison liên tiếp đưa ra sản phẩm thử nghiệm và sau đó lại không hào hứng nữa. Các đối thủ của ông lập tức nắm bắt lấy cơ hội và sau đó hiện thực hóa ý tưởng để kiếm về thật nhiều tiền.

Steve Jobes có thể coi như doanh nhân khôn ngoan nhất thế giới, ngay cả khi ông không bao giờ nói đến việc kiếm tiền như sở thích cá nhân. Khi Edison chết, ông để lại tổng tài sản ước theo giá trị hiện nay khoảng 180 triệu USD. Henry Ford, một người bạn của Edison coi ông là nhà phát minh vĩ đại nhất thế giới nhưng là doanh nhân dở nhất thế giới. Tài sản của Steve Jobes ước khoảng 6,5 tỷ USD.

Steve Jobs có lẽ là tỷ phú được yêu mến nhất thế giới. Tỷ phú người Anh Branson nhận xét về cách thế giới cảm nhận về cuộc đời của Steve Jobs: “Quá nhiều người cảm thấy được tiếp thêm lòng dũng cảm từ cuộc đời của Steve: một đứa con nuôi, sinh viên bỏ học, doanh nhân vất vả, cách nghĩ để tạo ra sự khác biệt trên thế giới và đấu tranh với bệnh tật. Tất cả chúng ta đều có phần đời nào đó giống ông và có thể nhìn thấy chính mình trong tính cách và sự vươn lên của ông trong sự nghiệp.”

Ngược lại, Edison trở thành nạn nhân của chính cuộc sống của ông cũng như sự tâng bốc của thé giới. Khi Edison giới thiệu chiếc máy hát vào năm 1878, một phóng viên tặng cho ông biệt danh: “Thầy phù thủy của Menlo Park”. Menlo Park là tên phòng thí nghiệm của ông. Ông đã rất thích biệt danh này. Ông thậm chí còn thích phán xét về nhiều vấn đề khác (dù thực tế không mấy am tường) như cải cách giáo dục, chi tiêu cho an ninh quốc phòng, quan hệ của ăn kiêng với số phận quốc gia…

Steve Jobs không tốn thời gian với những thứ vớ vẩn khác. Lần hiếm hoi ông vượt ra khỏi vai trò một CEO và chia sẻ suy nghĩ cá nhân ông là khi ông phát biểu tại lễ tốt nghiệp ở đại học Stanford tháng 6/2005. Ông chia sẻ đầy xúc động về sự nghiệp, tình yêu và sự mất mát.

Sự kính trọng mà thế giới dành cho Edison năm 1931 và Jobs 80 năm sau có phần giống nhau, tuy nhiên đó là bên ngoài. Với Edison, người ta nghĩ đến một “thầy phù thủy” và thật khó để mường tượng về một con người thật. Thế nhưng với Jobs, người ta cảm nhận thấy một người đang sống, cũng giống như chúng ta, cũng dễ tổn thương như tất cả chúng ta khi trong cuộc chiến cuối cùng giành giật sự sống.

Tác giả Randall Stross là một tác giả làm việc trong thung lũng Silicon và giáo sư dậy môn kinh doanh tại đại học San Jose State University.

Ngọc Diệp

ngocdiep

Cùng chuyên mục
XEM