Thời hoàng kim của Thủ tướng Angela Merkel đã hết?

27/10/2015 14:40 PM | Nhân vật

Kể từ khi Thủ tướng Merkel lên nắm quyền năm 2005, Đức đã trải qua một kỷ nguyên vàng với hòa bình, thịnh vượng và vị thế quốc tế cũng như tranh xa các rắc rối địa chính trị. Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim đó có thể đã qua và danh tiếng cũng như vị thế của bà Merkel có thể bị ảnh hưởng nặng sau cuộc khủng hoảng tị nạn Châu Âu.

Đầu năm 2015, Thủ tướng Đức Angela Merkel được nhiều chuyên gia ghi nhận là nhà chính trị thành công nhất thế giới. Bà Merkel đã chiến thắng liên tiếp trong 3 cuộc bầu cử thủ tướng Đức và có tầm ảnh hưởng rất lớn tại Châu Âu.

Tuy nhiên, tình hình đang có dấu hiệu xấu đi khi cuộc khủng hoảng di cư tại Châu Âu đang báo hiệu dấu chấm hết cho thời kỳ của Thủ tướng Merkel. Đức đang có kế hoạch tiếp nhận hơn 1 triệu người di cư trong năm 2015 và điều này khiến người dân nước này lo lắng cũng như gây tranh cãi trong chính đảng của bà Merkel.

Một số chính trị gia thân cận với Thủ tướng Merkel thừa nhận rằng có thể nhà lãnh đạo Đức phải từ chức trước khi cuộc tổng tuyển cử tiếp theo diễn ra vào năm 2017.

Xét theo một khía cạnh nào đó, việc cử tri đổ lỗi cho Thủ tướng Merkel là không hoàn toàn chính xác khi bà không gây ra cuộc nội chiến tại Syria hay những xung đột tại Eritrea và Afghanistan.

Phản ứng của chính quyền Berlin khi hàng triệu người tị nạn rời bỏ quê hương đến Châu Âu được đánh giá là nhân đạo và từ bi. Rõ ràng, bà Merkel đã cố gắng thể hiện những truyền thống của thời hậu thế chiến thứ 2 là tôn trọng nhân quyền và tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế.

Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Merkel đang mất dần kiểm soát đối với cuộc khủng hoảng tị nạn. Những quan chức chính phủ Đức tuyên bố họ có thể kiểm soát được tình hình, nhưng các mâu thuẫn xã hội bắt đầu gia tăng trong cuộc sống của người dân Đức.

Chi phí sinh hoạt tại nước này đang tăng lên, chất lượng các dịch vụ xã hội đang ngày càng tệ đi, các vụ bạo lực tại đây ngày càng gia tăng và tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Merkel ngày càng giảm. Tờ tạp chí Der Spiegel nổi tiếng của Đức đã bình luận xã hội Đức hiện nay tràn ngập sự thù ghét và bài ngoại.

Khi sự yên tĩnh trong xã hội Đức bị xáo trộn, những tranh cãi liên quan đến tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng tích cực từ lượng lao động nhập cư cũng gia tăng theo. Ngày càng có nhiều người dân Đức lo ngại về tác động xã hội và chính trị trong dài hạn khi quốc gia này nhận quá nhiều người tị nạn, đặc biệt là từ vùng Trung Đông, vốn có văn hóa khác biệt so với Đức.

Trong khi xã hội Đức đang ngày càng bị xáo trộn, những người tị nạn Trung Đông vẫn đổ về nước này với khoảng 10.000 người/ngày. Trái ngược lại, Anh chỉ chấp nhận 20.000 người tị nạn Syria trong vòng 4 năm tới.

Động thái của Thủ tướng Merkel về cuộc khủng hoảng tị nạn hoàn toàn trái ngược với sự bình tĩnh và khả năng kiểm soát vấn đề trong năm 2014, khi nền kinh tế khu vực đồng tiền chung Châu Âu gặp rủi ro hay việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Các cử tri thời đó hầu hết đều tin tưởng vào quyết định của Thủ tướng Merkel. Trong khi đó, nhiều cư tri hiện nay cho rằng quyết định mở cửa biên giới cho người tị nạn của Đức là một động thái “điên rồ.”

Vào tháng 9/2015, Đức quyết định không bắt buộc người tị nạn Syria phải quay lại quốc gia đầu tiên mà họ di tản đến, điều này đồng nghĩa với quyết định mở cửa tự do cho những người tị nạn từ các nước Trung Đông. Động thái này của Đức khiến nước này trở thành điểm đến lý tưởng tại Châu Âu của dòng người tị nạn.

Một số chuyên gia cho rằng cách nhanh nhất để ngừng dòng người tị nạn là xây dựng hàng rào biên giới như Hungary đã làm và nhiều chính trị gia bảo thủ của Đức đang kêu gọi bà Merkel làm như vậy. Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel lại phản đối bởi chính sách này có thể đặt dấu chấm hết cho khả năng đi lại tự do giữa các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU). Đồng thời, việc xây dựng hàng rào biên giới sẽ khiến dòng người tị nạn đổ về khu vực Balkan và gây mất ổn định tại nơi này.

Thay vào đó, Thủ tướng Merkel muốn một giải pháp cho toàn EU, nhưng kế hoạch của Đức về cơ chế bắt buộc chia sẻ người tị nạn và một quỹ hỗ trợ khẩn cấp đang gặp phải chống đối gay gắt từ các nước. Hậu quả là mối quan hệ giữa Đức và EU vốn đã căng thẳng sau khủng hoảng kinh tế khu vực đồng tiền chung lại ngày càng tồi tệ hơn.

Liệu Thủ tướng Merkel có thể xoay chuyển tình hình khủng hoảng tị nạn Châu Âu? Tờ Financial Times cho rằng nếu chính phủ Đức gặp may, mùa đông tới sẽ làm chậm dòng chảy người tị nạn, cung cấp đủ thời gian để các tổ chức nhân đạo tiếp cận người tị nạn.

Đồng thời, khoảng thời gian này sẽ giúp các chính phủ tại EU đạt được thỏa thuận mới với những quốc gia quá cảnh đầu tiên của dòng người tị nạn, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ.

Vấn đề phân biệt chủng tộc vốn đã tồn tại ở Đức trong nhiều năm, kể cả sau khi Đức quốc xã sụp đổ năm 1945. Liệu Thủ tướng Merkel có thể giải quyết vấn đề này và biến Đức thành một quốc gia đa văn hóa vẫn còn là một nghi vấn. Rõ ràng, giá trị xã hội Đức đang phải chịu thử thách bởi dòng người di cư từ Trung Đông.

Trong trường hợp người tị nạn vãn tiếp tục đổ về Đức như hiện nay và bà Merkel vẫn tiếp tục mở cửa biên giới, áp lực buộc nhà lãnh đạo Đức từ chức sẽ gia tăng. Mặc dù hiện Thủ tướng Merkel chưa có đối thủ chính trị nào xứng tầm tại Đức, nhưng áp lực từ khủng hoảng di cư sẽ tạo ra nhiều chính trị gia đối lập với bà.

Kể từ khi Thủ tướng Merkel lên nắm quyền năm 2005, Đức đã trải qua một kỷ nguyên vàng với hòa bình, thịnh vượng và vị thế quốc tế cũng như tranh xa các rắc rối địa chính trị. Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim đó có thể đã qua và danh tiếng cũng như vị thế của bà Merkel có thể bị ảnh hưởng nặng sau cuộc khủng hoảng tị nạn Châu Âu.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM