Ông Nguyễn Trí Hiếu - Thành viên HĐQT ABBank đi làm bằng xe ôm

27/08/2012 10:22 AM |

Hằng ngày, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng An Bình vẫn đi làm bằng taxi, xe ôm. Ông mê ngồi thiền, ham tập Aikido và thích đi xem phim vào cuối tuần...


- Không ít người vẫn người tò mò về đời sống của một quan chức cấp cao làm trong ngân hàng. Vậy ông có thể chia sẻ về một ngày làm việc bình thường của mình?

- Người khác thì tôi cũng không rõ nhưng riêng tôi có một cuộc sống có thể nói là khá kỷ luật và khắc khổ. 

Buổi sáng tôi thường ngủ dậy lúc 5h, tập thể dục, sau đó ngồi thiền khoảng 30 phút rồi đến cơ quan. Buổi chiều, các ngày chẵn là thứ hai, tư, sáu, nếu không quá bận rộn, tôi đi tập Aikido (Hiệp khí đạo) tại Võ đường Tenshinkai trong khu vực trường THPT Cầu Giấy, quận Cầu Giấy. 

Tôi giữ thói quen ăn nhiều rau củ quả, uống sữa đậu nành và ăn ít thịt. Cũng có thể vì thế mà sức khỏe của tôi, đến thời điểm này, có thể tạm nói là rất khả quan.

- Điều gì đã đưa ông đến với môn võ thuật cổ truyền của Nhật Bản - Aikido?

- Tôi là một người theo võ đạo mấy chục năm nay, từ lúc còn là sinh viên học đại học tại Đức. Lúc đó, tôi đã là huấn luyện viên đệ nhị đẳng Taekwondo. Sau đó sang Mỹ sinh sống và làm việc, tôi lại theo môn phái Võ lâm Kungfu- một loại hình võ thuật của Việt Nam, là huấn luyện viên đệ nhất đẳng.

Sau nhiều năm học võ, cho đến cách đây khoảng 22 năm, tình cờ làm quen với môn Aikido, còn gọi là Hiệp khí đạo của Nhật Bản, tôi học từ đó. Đến nay, tôi đã lên tới bậc huyền đai đệ tam đẳng. Có lẽ, từ giờ đến lúc lìa khỏi cõi đời, tôi vẫn sẽ theo bộ môn này. Cần nói thêm, chính vì tập võ mà đời sống của tôi cũng tương đối kỷ luật và quân bình.

Về cơ duyên thì có lẽ là xuất phát từ hồi trẻ, tôi đã rất quan tâm về đời sống tinh thần và do ba tôi đã khai mở tinh thần võ thuật trong tôi từ lúc còn cắp sách đến trường. Tôi cho rằng, đời sống tinh thần cũng như sức khỏe chỉ có từ tập luyện mà ra. Chân lý này được tôi tìm thấy trong thiền đạo và nhận ra đây là con đường để phát triển trí tuệ, thể lực, nội lực tuyệt vời nhất.

Đối với tôi, việc tập luyện tập trung tinh thần cũng như ngồi thiền không những giúp cho mình thư thái mà còn là một trong những cách để giải tỏa các áp lực trong cuộc sống, công việc. Thiền giúp cho mình có tinh thần ổn định, vui cũng không quá thể hiện ra, kiêu căng, tự đại, mà buồn cũng không bị rơi vào bi kịch, âu sầu quá. Tôi tự đặt cho mình một khẩu hiệu: “Đừng vui quá mà cũng đừng buồn lâu, vì cái vui mau qua mà điều buồn chóng hết”.

 - Vì sao ông chọn thiền mà lại không tìm đến một bộ môn nào khác mà giới quan chức, lãnh đạo vẫn thường xuyên chơi như đánh golf, đi du lịch…?

- Tôi nghĩ, với tinh thần của mình, thiền định là một cách sống phù hợp. Người làm trong ngành ngân hàng cần phải có một số đặc tính quan trọng. Trong số này, tinh thần trong sáng là điều kiện để những người làm quản lý có thể đi đến những quyết định sáng suốt nhất.

Tiếp đến là sự bình tâm. Trong ngành ngân hàng, bình tâm tuyệt đối quan trọng vì có nhiều lúc, các lãnh đạo phải giải quyết những vấn đề về nợ xấu, khách hàng không trả nợ, thậm chí quỵt, xù nợ. 

Anh em làm trong ngành ngân hàng, không ai lạ gì việc 6h sáng ngủ dậy là nhắn tin, gọi điện hỏi nhau là thế chấp tài sản ở đâu, ngày hôm nay làm gì để có thể “cột” mấy cái tài sản thế chấp, thu hồi nợ. Trách nhiệm của người quản lý là rất lớn và nếu làm sai, họ có thể bị pháp luật xử lý. 

Vì thế mà làm trong ngành tài chính, ngoài cần trí tuệ thì còn là sự bình tâm, an tâm. Mình bình tâm trong mọi tình huống thì mới xử lý chính xác được.

Trong thiền định, tôi tìm thấy sự thanh liêm. Đây là một trong những đức tính rất cần thiết của người làm ngân hàng. Thật sự phải nói, nếu có tà ý thì làm về tài chính ngân hàng, nhất là quản lý, có nhiều cách để ăn cắp, ăn trộm, thụt két… làm hư hại tài sản của cơ quan. Việc tham thiền sẽ khiến mình làm giảm bớt dục vọng và sự tham lam.

Cuối cùng, thiền giúp cho mình tìm thấy sự nhất quán. Nói chuyện với một người làm ngân hàng truyền thống, người ta có thể nhìn thấy sự “trong suốt” của người đó qua hành động, qua ý nghĩ và có thể dự đoán ngày mai anh sẽ làm gì, tháng tới anh sẽ làm gì và hoàn toàn không có sự mập mờ trong đó. 

Những điều này được thể hiện rất rõ trong tính liên tục và xuyên suốt của một nguởi tu thiền: cái gì đã làm hôm qua cũng là cái sẽ làm hôm nay và ngày mai, cái gì đã nghĩ hôm qua cũng là cái sẽ nghĩ hôm nay và ngày mai.

- Học võ và ngồi thiền đã giúp ông phát huy những đức tính đó như thế nào?

- Tôi nhớ hồi còn làm ngân hàng ở Mỹ, có lần đi thu nợ của khách hàng cùng cảnh sát tòa án, tư pháp. Bên nợ là một công ty, chúng tôi có nhiệm vụ đến đóng cửa. Sau khi mọi thủ tục, dữ liệu đã thu thập xong xuôi, tôi ra chỗ đậu xe thì vị tổng giám đốc của công ty nói trên đã đứng đợi tự bao giờ. Ông này đã uống rượu và có hành vi chửi bới, lăng mạ đồng thời tìm cách dùng vũ lực với tôi. 

Lúc đó, tôi lùi bước và nói: “Ông đừng đụng tới tôi, thứ nhất là tôi làm việc này không phải vì tôi, mà là quy định của ngân hàng. Thứ hai, tôi có thể đối phó với ông bằng chân tay”. Cũng may là vị tổng giám đốc này đã lùi bước và không có các hành động bạo lực. Nhưng tôi nghĩ, nếu có bạo lực, thì ít nhất ông ấy cũng bị gẫy tay hay dập xương vì những thế Aikido nhẹ nhàng nhưng vô cùng nguy hiểm (cười)!

Nói như vậy để thấy, khi mình có sự bình tâm, với bản chất của người tham thiền và bề dày kinh nghiệm, nên tôi xử lý khá bình tĩnh. Khi đó, tôi nhớ là cơ thể bắt đầu chùng xuống và thả lỏng chứ không trợn mắt, căng cứng. Đây là phản ứng của người theo võ đạo lâu năm khi họ gặp phải nguy cơ bị tấn công thì không những thể xác mà tinh thần cũng chùng xuống và nới giãn để chuẩn bị đối phó.

- Nhiều người vẫn nghĩ rằng, lãnh đạo các ngân hàng thì có những thú tiêu khiển xa xỉ so với bình thường. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

- Là con người, ai mà không thích được ăn ngon, vui chơi, có những giải trí thú vị. Nhưng người làm ngân hàng, nếu để bị lôi kéo vào những thú vui đó thì dễ hư hỏng và dễ dàng bị cám dỗ đưa đến những thủ đoạn, dùng chức năng để lợi dụng, làm thất thoát tài sản của ngân hàng. Tôi nhìn thấy nguy hiểm đó, nên đời sống tương đối kỷ luật. Sau giờ làm, tôi về nhà, không nhậu nhẹt, nếu có cũng không dám uống nhiều.

Tôi có một nguyên tắc bất di bất dịch là không đánh bạc. Đã có trường hợp người làm ngân hàng dính vào cờ bạc và tìm mọi cách để móc túi, ăn cắp tiền của cơ quan. Và hình như đâu đó trong xã hội cũng đã đang xảy ra chuyện này. Đó là cạm bẫy lớn cho người làm ngân hàng khi họ đụng đến tài chính, tiền bạc mà lại rơi vào nghiện ngập cờ bạc và các thứ sa đọa khác. 

Đối với tôi, thường thì một ngày bắt đầu từ sáng và kết thúc vào 9h tối tại cơ quan, trừ những buổi chiều đi tập Aikido. Buổi tối về nhà, tôi tự nấu ăn, cuối tuần thì đi nhà thờ hoặc xem phim. Cuộc sống như thế là đủ rồi!

- Như vậy là ông không có ôtô và nhà riêng, dù là một thành viên trong hội đồng quản trị ngân hàng?

- Ôtô riêng thì không có, còn nhà thì tôi thuê tại quận Ba Đình. Trước kia, Ngân hàng An Bình có chuẩn bị xe ôtô, nhưng hiện tại cắt giảm chi phí, nên hằng sáng, tôi đi làm bằng taxi hoặc xe ôm. Về các tài sản như bất động sản hay căn hộ dự án, có lẽ tôi là một trong những người làm ngành ngân hàng không được may mắn.

Nhưng tôi cho rằng, sự tự do cao nhất là sự tự giải thoát khỏi bản ngã tham lam, vì khi mình có cái gì đó, mình lại bị ràng buộc và luôn tìm cách bảo vệ nó, gây nên sự bất an và mất quân bình trong nội tâm. Hiện tại, tôi không có tài sản, nhà lầu, ôtô, thậm chí gia đình cũng không, tạm gọi là “nhà ngân hàng vô sản tuyệt đối”. 

Vợ và 3 cô con gái ở hết bên Mỹ, mỗi năm tôi thường về Mỹ một lần, còn gọi điện thì thường xuyên. Vợ tôi là người Mỹ gốc Đức. Ba cháu gái, sinh ở California, khá xinh đẹp và khá thông mình vì có lẽ mang hai dòng máu Việt và Đức.

- Ba người con của ông có ai theo ngành tài chính ngân hàng như bố không?

- Không, tất cả đang đi học. Hai cô chị học ngành Y còn cô em đang theo học một ngành tại Việt Nam chưa có, đó là Thần học (Theology).

Theo LAN ANH
Zing/Infonet

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM