Thanh niên Trung Quốc vỡ mộng

21/01/2015 10:47 AM |

Diaosi (điểu ti) là tiếng lóng, chỉ những người thua kém mọi mặt: không tiền, không chỗ dựa, sự nghiệp nhợt nhạt, yêu đương thất bại. Không có thống kê chính thức về số lượng “diaosi” song truyền thông Trung Quốc ước tính có khoảng hàng chục triệu người.

Sống như bóng ma

Theo kết quả khảo sát được Trung tâm Nghiên cứu truyền thông và thị trường thuộc Trường ĐH Bắc Kinh công bố gần đây, từ “diaosi” khởi sinh từ thế giới blog của Trung Quốc, dùng để chỉ những người độc thân trong độ tuổi từ 21-30, chi tiêu không quá 39 nhân dân tệ (hơn 6 USD) cho 3 bữa/ngày và dùng điện thoại thông minh giá rẻ.

Thu nhập bình quân của những đối tượng này là 2.917 nhân dân tệ/tháng (tương đương 473 USD), thấp hơn một nửa so với mức lương trung bình hằng tháng của một cư dân Bắc Kinh vào năm 2013 (khoảng 5.793 nhân dân tệ). Khảo sát cho biết thêm gần 75% “diaosi” thường sống xa quê, phần nhiều tìm kiếm công việc lương cao để có thêm tiền gửi về nhà (nhưng không thành công) và 68,6% làm thêm mỗi ngày. Ngoài việc chơi game trực tuyến, hầu hết “diaosi” chỉ biết ngủ hoặc nhậu nhẹt. Họ nốc những thứ bia rẻ tiền và hút thuốc lá với giá 1 USD/gói.

Chư Quang, 25 tuổi, nhân viên kiểm tra sản phẩm của hãng máy tính Lenovo, tự gọi mình là “diaosi”. Anh tốt nghiệp đại học, là con một của một công nhân nhà máy ở Thượng Hải. Kiếm được 4.000 nhân dân tệ (650 USD)/tháng, Chư Quang luôn chìm trong cảm giác mình sống như một bóng ma. Ăn tại căng-tin công ty, về nhà khi đêm muộn, giam mình trong căn phòng trọ 20 m2 và vùi đầu vào mạng, game. Không có bạn gái và mờ mịt hy vọng tìm được một bóng hồng. “Thiếu tự tin” - anh chàng giải thích vắn tắt khi được hỏi lý do.

Phản kháng xã hội

Đối mặt với một nền kinh tế đang chững lại, giá nhà đất cao, bất bình đẳng về thu nhập gia tăng và tìm kiếm việc làm ngày một khó khăn - kể cả với sinh viên đại học tốt nghiệp, hàng triệu thanh niên Trung Quốc cảm thấy bị mắc kẹt ở các nấc dưới trung bình của thước đo thành công. Theo kết quả khảo sát nêu trên, gần 72,3% “diaosi” không hài lòng với cuộc sống của mình.

Một người bình luận viết trên trang ChinaSmack: “Căng thẳng thái quá, không dám mua nhà hay xe, tiết kiệm mọi khoản có thể, o ép nhiều thứ khiến tôi nghĩ mình mắc bệnh trầm cảm”. Tương tự là một thanh niên họ Kỳ thuê phòng tại một tòa nhà xây dựng vào những năm 1950 ở Bắc Kinh. Anh này phải bỏ việc ở một nhà xuất bản vì hễ bước chân vào văn phòng là thấy ủ rũ. Tự nhủ “không thể tiếp tục” cuộc sống như hiện tại, Kỳ bắt tay kinh doanh trên trang web mua sắm trực tuyến Taobao nhưng thất bại. Vỡ mộng, anh chỉ muốn rời khỏi chốn phồn hoa.

Tuy họ rất bế tắc, khổ sở nhưng lối sống của những đối tượng này bị dư luận Trung Quốc phản đối. Chia sẻ trên blog, đạo diễn Phùng Tiểu Cương chê trách “diaosi” là những người “không có đầu óc”. Một bài xã luận đăng trên Nhân dân Nhật báo hồi tháng 12-2014 cũng gọi “diaosi” là một hiện tượng phản kháng xã hội và cần phải chấm dứt.

Dân số trong độ tuổi lao động tiếp tục giảm

Theo số liệu được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố hôm 20-1, dân số trong độ tuổi lao động (những người tuổi từ 16-59 theo quy định của luật pháp) giảm 3,71 triệu người, xuống còn 915,8 triệu người trong năm 2014. Đây là năm thứ ba liên tiếp con số này sụt giảm.

Theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc đang phải trả giá về mặt kinh tế cho chính sách một con khi giai đoạn sụt giảm nói trên xảy ra cùng lúc với thời kỳ kinh tế tăng trưởng chậm lại. Sự sụt giảm dân số trong độ tuổi lao động đồng nghĩa với việc chi phí lao động tăng trong lúc sức cạnh tranh về sản xuất và xuất khẩu đi xuống - những yếu tố góp phần thúc đẩy kinh tế Trung Quốc thời gian qua.

>> Gần 12% thanh niên thành thị không kiếm được việc làm

Theo Huệ Bình

Cùng chuyên mục
XEM