Tại sao CEO hãng Chimerix cứu sống một mạng người rồi bị buộc thôi việc?

22/02/2015 13:08 PM | Nhân vật

CEO Kenneth Moch của hãng Chimerix đưa ra quyết định cung cấp thuốc thử nghiệm cho 1 bệnh nhân. Dù cứu sống được người này nhưng 3 tuần sau đó ông mất việc.

Nội dung nổi bật:

- Đầu năm 2014, cậu bé Josh Hardy mắc bệnh nguy kịch và chỉ còn trông chờ vào loại thuốc thử nghiệm của công ty Chimerix. Việc công ty từ chối cung cấp thuốc do những rắc rối về chi phí và loại thuốc chưa được FDA chấp nhận khiến gia đình Hardy cùng truyền thông lên án dữ dội.

- CEO của hãng, Kenneth Moch, trở thành mục tiêu của những lời đe dọa tính mạng. Trước sức ép quá lớn, Chimerix đồng ý cung cấp thuốc. Không lâu sau, Moch mất chức.

- Có nhiều quan điểm khác nhau xung quanh vụ việc của Moch. Nếu đứng về phía bệnh nhân, Chimerix đương nhiên có trách nhiệm cung cấp thuốc cứu người. Tuy nhiên, trên quan điểm của một CEO, không thể nghĩ cho cá nhân mà còn phải tìm ra biện pháp tốt nhất cho nhiều người. 


Đầu năm 2014, cậu bé Josh Hardy 7 tuổi đang phải đối mặt với tử thần. Cậu đã chiến đấu với căn bệnh ung thư thận từ khi còn rất bé và trải qua 10 đợt hóa trị với liều lượng ngày càng tăng, khiến hệ thống miễn dịch yếu đi đáng kể. Ít lâu sau khi trải qua cuộc cấy ghép tế bào tủy xương gốc tháng 1/2014, cậu mắc phải một loại virus đường hô hấp gây nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ của Josh ở Bệnh viện nghiên cứu nhi đồng St.Jude nói với gia đình cậu bé rằng Chimerix, công ty công nghệ sinh học nhỏ ở Durham, Bắc Carolina (Mỹ), đang phát triển một loại thuốc thử nghiệm chưa được chứng nhận nhưng có khả năng hữu ích cho căn bệnh của Josh. Người nhà cậu bé đã hai lần đề xuất Chimerix cung cấp thuốc nhưng đều bị từ chối. 

“Xin hãy giúp chúng tôi cứu con trai”, mẹ cậu bé, cô Aimee đăng lên Facebook của mình vào ngày 06/03/2014. Bà viết: “Nếu ai có thể giúp chúng tôi thuyết phục được Chimerix cung cấp thuốc cứu chữa cho con trai, chúng tôi sẽ biết ơn suốt đời”.

Chỉ trong vài ngày, hashtag #SaveJosh trở thành xu hướng trên Twitter. Một trang Facebook với mục đích giúp đỡ Josh được lập ra và chạm ngưỡng 27.000 lượt thích chỉ trong 1 tuần. Những bức thư từ truyền thông xã hội ủng hộ nỗ lực của gia đình trong việc xin thuốc được chuyển tới Chimerix và CEO của công ty, Kenneth Moch. Ông cũng đã nhận được hàng nghìn e-mail và cuộc gọi liên quan đền vấn đề này. 

Cư dân mạng chỉ trích: “Nếu Josh chết thì Moch sẽ sống thế nào?” hay “Đồ hèn...Ken Moch, tôi hy vọng điều này không xảy ra với con ông”. Moch trở thành mục tiêu của những lời đe dọa tính mạng khiến FBI lo ngại, vì vậy ông và vợ phải chuyển ra khỏi nhà vài ngày.

Dưới áp lực nặng nề, Chimerix cùng Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thực hiện kế hoạch bổ sung một cuộc thử nghiệm lâm sàng cho thuốc Brincidofovir và coi Josh là bệnh nhân đầu tiên. Chú của Josh, William Burns cho biết: “Chiến dịch này dễ dàng hơn một chút vì chúng tôi đã có mục tiêu rõ ràng. Chúng tôi cần thuốc ngay chứ không phải kiểu “Đầu tư thêm nhiều tiền để chữa khỏi ung thư trong 10 năm tới”.

Với gia đình và những người ủng hộ Josh thì cung cấp thuốc cho cậu là việc không cần suy nghĩ. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề vô cùng nan giải với Chimerix. “Sử dụng vì tình thương” hay “mở rộng phạm vi tiếp cận”- (Theo đạo luật Compassionate Use Act của bang California năm 1996) - cho phép cung cấp các loại thuốc thử nghiệm chưa được FDA chấp nhận cho những bệnh nhân đang lâm vào trình trạng nguy kịch và không có biện pháp điều trị nào khác. 

Với một công ty công nghệ sinh học nhỏ như Chimerix, không có sản phẩm nào trên thị trường và cũng không có nguồn thu, việc tung ra các loại thuốc thử nghiệm (thường miễn phí) sẽ khiến họ chịu tổn thất nặng. “Sử dụng vì tình thương” còn có thể khiến quy trình cấp phép thuốc của FDA bị trì hoãn.

Moch chia sẻ: “Ai cũng hỏi: Nếu là con tôi, liệu tôi có làm như gia đình của Josh không? Chắc chắn là có”. Nhưng ông cũng cho biết, đó không phải vai trò của mình: “Là một CEO, tôi không thể chỉ nghĩ cho cá nhân mà còn cho rất nhiều người nữa”.

Ngày 09/04/2014, 3 tuần sau khi Josh điều trị thử nghiệm, Moch mất việc. Công ty nói rằng ông xin từ chức. Moch lại cho biết ông bị thay thế và chỉ có thể nói mình “rất vui lòng nếu tiếp tục làm CEO, nhưng hội đồng quản trị không nghĩ vậy”. Chimerix từ chối bình luận thêm về vấn đề này.

Kenneth Moch trở thành CEO của Chimerix năm 2010. Ông học hóa sinh tại Đại học Princeton và làm việc trong ngành khoa học đời sống sau khi nhận bằng MBA (Thạc sĩ quản trị kinh doanh) của Đại học Stanford năm 1980. Ông từng đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao tại các công ty dược trước khi đến với Chimerix.

Năm ngoái, thời điểm gia đình Hardy yêu cầu Chimerix giúp đỡ, công ty có 55 nhân viên, chưa có loại thuốc nào được chứng nhận và đang phụ thuộc vào tiền từ các nhà đầu tư. Tính đến cuối tháng 03/2014, công ty thâm hụt tới 173 triệu USD. 

Trước đó Chimerix đã cung cấp thuốc Brincidofovir cho 430 bệnh nhân để “sử dụng vì tình thương” trong chương trình được chính phủ tài trợ một phần. Năm 2012, tiền tài trợ cạn kiệt, Chimerix dừng chương trình để tập trung cho thủ tục xin FDA chứng nhận thuốc. Moch cho biết, cấp bất kỳ liều thuốc sẵn có nào cho Josh cũng có thể khiến thủ tục bị chậm trễ. Ông kể về tình huống nan giải mình gặp phải hồi tháng 3: “Thật sự rất mâu thuẫn. Bạn làm ngành này cũng chỉ vì muốn cứu sống mọi người mà thôi”. 

Một số người đứng về phía bệnh nhân thì khăng khăng rằng công ty có trách nhiệm đạo đức phải cung cấp thuốc cho những người đang ốm nặng. Tuy nhiên, Kevin Donovan - giám đốc Trung tâm Đạo lý sinh học Lâm sàng lại nghĩ mâu thuẫn giữa các công ty với người bệnh là do xung đột trách nhiệm. Ông nhận định: “Trách nhiệm của công ty là phải đưa ra giải pháp tối ưu nhất cho nhiều người nhất. Nhưng nếu là bạn hoặc người bạn yêu quý, và nếu bạn là một bệnh nhân thì lợi ích của cá nhân lại đặt lên trên hết”. Cả hai cách tiếp cận đều hợp lý.

Moch nhấn mạnh rằng cuối cùng thì việc điều trị cho Josh bằng thuốc Brincidofovir cũng không phải “sử dụng vì tình thương”. Phản ứng của cậu với thuốc là một phần cuộc thử nghiệm lâm sàng mới và được bổ sung vào dữ liệu mà Chimerix thu thập để xin chứng nhận từ FDA. Nếu không có gì trì hoãn, FDA có thể sẽ phê chuẩn loại thuốc này vào cuối năm 2016. 

Vấn đề của Moch ảnh hưởng sâu sắc tới các công ty công nghệ sinh học nhỏ đang nỗ lực tung sản phẩm thuốc đầu tiên ra thị trường. Theo James Greenwood - CEO của Tổ chức Công nghiệp Công nghệ sinh học (BIO) thì khả năng FDA ngăn chặn một thử nghiệm do bệnh nhân tử vong hoặc có vấn đề bất lợi phát sinh ngoài phạm vi cuộc thử nghiệm có thể cản trở các công ty này ban hành thuốc.

BIO đang làm việc với các công ty thành viên, nhất là các công ty nhỏ, để chuẩn bị cho những chiến dịch giống như gia đình Hardy đã làm với Chimerix và Moch. Tổ chức này gợi ý các thành viên cần hiểu rõ chương trình “sử dụng vì tình thương” hoạt động như thế nào và lập kế hoạch xử lý khủng hoảng.

Khoảng 1 tuần sau khi nhận được Brincidofovir, mẹ Josh viết trên blog cá nhân rằng tình trạng của cậu tiến triển rất tốt, cậu được ra viện vào đầu tháng 4. Moch cũng cho biết ông đang trong quá trình thương thảo để nhận một vị trí CEO mới. Ông dành 9 tháng gần đây để gặp gỡ CEO của các công ty nhỏ khác về vấn đề “sử dụng vì tình thương” và tham khảo nhóm các nhà đạo đức học đến từ Trung tâm Y học Langone thuộc Đại học New York. 

Với cộng đồng công nghệ sinh học, những gì xảy ra với Moch là một cú sốc”, Greenwood chia sẻ, “Trong hội đồng quản trị BIO và cộng đồng chúng tôi, Ken Moch rất được yêu quý. Mọi người thực sự đau buồn khi thấy việc xảy ra với ông và lo ngại mình cũng có thể rơi vào hoàn cảnh như vậy”.

>> Tình bạn giữa CEO dầu khí và tổng thống tan rã vì 32 tỷ USD

Thu Thảo

Thu Thảo

Cùng chuyên mục
XEM