Sự trỗi dậy của thế hệ những người trẻ tuổi... vô sản

07/01/2016 08:27 AM |

Nếu có thể thuê, hà cớ gì phải đi mua!

Hai thập kỷ trước, Tyler Xiong và cha mẹ của anh vẫn sống trong một ngôi nhà kiểu truyền thống. Hiện tại mọi chuyện đã khác.

Xiong – doanh nhân công nghệ 28 tuổi tình nguyện sống cùng 500 người khác trong một cộng đồng chia sẻ chỗ ở gần khu vực được mệnh danh là thung lũng Silicon của Bắc Kinh. Xiong chỉ có 2 đôi giày và ít hơn 10 bộ quần áo. Anh không sử dụng xe ô tô mà thay vào đó là ứng dụng taxi Didi – một đối thủ của Uber tại Trung Quốc.

Phương châm của Xiong là: Nếu có thể thuê, hà cớ gì phải đi mua!

Đối mặt với khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, tốc độ phát triển chậm chạp nhất trong vòng 2 thập kỷ qua của nền kinh tế Trung Quốc, hàng triệu người như Xiong từ chối những cạm bẫy trong tiêu dùng theo phong cách sống hiện đại. Thay vào đó, họ cởi mở đón nhận nền kinh tế chia sẻ, thậm chí là ở cấp độ mạnh hơn so với phương Tây.

Một cuộc khảo sát gần đây của Nielsen cho thấy 94% người dân Trung Quốc sẵn sàng "chia sẻ" so với tỷ lệ tương tự chỉ 43% ở Bắc Mỹ.

Xiong hiện sống tại You+ trong một căn phòng chia sẻ cùng 3 người khác

Xiong hiện là một trong gần 5.000 người trên khắp Trung Quốc chuyển tới sống tại không gian chung "You+". Cộng đồng này được xây dựng trên một trường học cũ - thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo kinh doanh, giúp đỡ các công ty phát triển và hiện tại đang nỗ lực tạo ra cơ sở dữ liệu để kết hợp giữa kỹ năng và các mối quan hệ.

Ở Bắc Kinh hiện có khoảng 60 công ty khởi nghiệp - hoạt động trong các lĩnh vực bao gồm phát triển game di động và rất nhiều thứ khác.

You+ giống với những mô hình xuất hiện tại châu Âu – nơi các công ty khởi nghiệp như Commen (Mỹ), Nest Copenhagen (Đan Mạch), Sende (Tây Ban Nha) đang cung cấp cho hầu hết những người trẻ tuổi một không gian sống chia sẻ.

Được hỗ trợ bởi CEO Lei Jun – nhà sáng lập Xiaomi, You+ đang lên kế hoạch sẽ nhân rộng mô hình này lên con số 20 trên khắp Trung Quốc – hầu hết tại các thành phố lớn như Thượng Hải và Quảng Châu.

Với mức giá khoảng 500 USD/tháng, cư dân sống trong You+ sẽ cùng nhau chia sẻ nhà tắm, không gian làm việc và những dịch vụ giải trí bao gồm cả quán bar, sàn disco và phòng chơi game.

“Thay vì làm việc nhiều năm tại một công ty để kiếm vốn, không gian chia sẻ như You+ sẽ cho phép những người trẻ tuổi có cơ hội thử nghiệm những ý tưởng khởi nghiệp mới với chi phí rất thấp”, theo Sudi – nhà sáng lập 36 tuổi của You+.

Sudi - nhà sáng lập You+:

“Họ thường xuyên gặp gỡ những người mới, thu nhặt được các ý tưởng và đó là lý do tại sao nhiều người đang ngày càng cởi mở với mô hình này hơn”.

Theo cách nhìn nhận của Xiong thì sự đón nhận cởi mở của thế hệ anh với những thay đổi về kinh tế và xã hội hiện tại là do tốc độ phát triển chóng mặt của nền kinh tế chia sẻ.

“Có một yếu tố chia sẻ về sức mạnh trí óc khi ý tưởng của tất cả mọi người cùng được đưa ra bàn luận trong một không gian như thế này".

Trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm gần đây nhất của Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách đã chỉ ra rằng nền kinh tế chia sẻ là cách tốt nhất giúp đất nước này vượt qua chặng đường khó khăn chuyển đổi từ xuất khẩu sang tiêu dùng. Dự kiến nền kinh tế chia sẻ sẽ tạo ra 335 tỷ USD vào năm 2025, tăng 15 tỷ USD so với hiện nay.

Bản thân Trung Quốc hiện cũng không thiếu những "nhà vô địch" trong lĩnh vực này. Didi Taxi – đối thủ cạnh tranh nội địa của Uber đã được định giá khoảng 16,5 tỷ USD. Tujia – một phiên bản giống với Airbnb cũng đã gia nhập “câu lạc bộ startup tỷ đô” vào tháng 8. Ngoài ra còn có các dịch vụ giống như vậy cho quần áo và dụng cụ thể thao hay chăm sóc thú cưng...

“Nền kinh tế chia sẻ là một hệ thống kinh tế mới”, theo Jeremy Rifkin – một chuyên gia phân tích kinh tế. “Chủ nghĩa tư bản đã nuôi dưỡng những đứa trẻ trong thế hệ mới, để chúng tự do phát triển và tìm kiếm cho mình bản sắc riêng”.

Cuộc cách mạng về tư tưởng của Xiong phản ánh sự dịch chuyển trong thái độ của cả một thế hệ về sự giàu có và địa vị xã hội. Trong suốt những năm tháng phát triển đỉnh cao nhất của Trung Quốc, rất nhiều người trẻ tuổi đã đổ xô tới các thành phố ven biển và mua những tài sản mà cha mẹ của họ chưa bao giờ có: Căn hộ, ô tô và những kỳ nghỉ xa xỉ.

Ban đầu, Xiong cũng có tư tưởng như vậy. Lớn lên tại Trùng Khánh, sau này anh rời đến thành phố biển Giang Tô để theo học ngành khoa học thực phẩm. Sau khi tốt nghiệp, anh trở thành một trong số ít những người trong lớp tìm được công việc tốt tại một tập đoàn đa quốc gia.

Tuy nhiên sau 2 năm làm việc tại Thượng Hải ở vị trí quản lý tại nhà sản xuất kẹo Wringley, Xiong đã nhận ra rằng con đường này không dành cho anh. Anh bay tới Tây Ban Nha để học về kinh tế; Tới năm ngoái, anh trở thành đồng sáng lập công ty khởi nghiệp Bitcoin tại Bắc Kinh.

“Trước đây tôi luôn ở trong những khách sạn 5 sao. Hiện tại, dù sống tại một nơi chật hẹp nhưng tôi không nghĩ đây là quyết định sai lầm. Điều này không quyết định tới địa vị xã hội của bạn”.

Không gian bên ngoài You+

Hiện nay anh đang chia sẻ phòng ở cùng với 3 người khác, mỗi người trả 300 USD/tháng. Xiong ban đầu chỉ muốn ở tại You+ tạm thời nhưng sau đó anh đã thay đổi quyết định và trở thành người bạn tốt với những người cùng phòng.

Mặc dù công ty của Xiong đạt doanh thu 3 triệu USD vào năm ngoái nhưng sự thật là anh vẫn ngủ trên một chiếc giường đơn, trong căn phòng có nền nhà bê tông.

Giống như bất kỳ cộng đồng nào khác, You+ cũng có những quy tắc riêng. Một trong số đó là các cặp đôi đã cưới nhau được chào đón tới đây nhưng nếu có con thì không.

Mọi người sống ở đây trên cơ sở hợp tác và cùng chia sẻ dù đôi khi vẫn xảy ra những xung đột. Tiếng ồn là vấn đề nan giải nhất. Đó là lý do tại sao You+ Quảng Châu tổ chức bầu cử cư dân được yêu thích nhất nửa năm một lần để khuyến khích mọi người.

Dù vẫn có nhiều lời chỉ trích cho rằng mô hình của You+ không thực sự mới mẻ nhưng Xiong nói rằng điểm khiến cộng đồng kiểu này trở nên khác biệt so với trước đây là sự tôn trọng về quyền sở hữu cá nhân và cách công nghệ đang giúp mọi người có thể chia sẻ bất kỳ thứ gì thay vì sở hữu nó.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM