Sứ mệnh của tập đoàn Thiên Long

22/06/2011 14:33 PM |

Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa, tổng giám đốc tập đoàn Thiên Long, đã chia sẻ con đường trở thành thương hiệu lớn của Thiên Long, với triết lý lấy sức mạnh tri thức làm nền tảng.

Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long, đã chia sẻ con đường trở thành thương hiệu lớn của Thiên Long, với triết lý lấy sức mạnh tri thức làm nền tảng.

Trở thành tập đoàn văn phòng phẩm hàng đầu tại Việt Nam và đứng thứ 5 trong khu vực là sứ mệnh được Tập đoàn Thiên Long đặt ra và quyết tâm thực hiện từ nay đến năm 2020.

Một nghiên cứu được Nielsen thực hiện năm 2009 cho thấy, hơn 90% người được hỏi (cả người lớn lẫn trẻ đang độ tuổi đi học) đều trả lời họ biết bút bi Thiên Long. Hiếm có thương hiệu nào có độ nhận biết cao như vậy. Cách đây 30 năm, Thiên Long chỉ là một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất một sản phẩm duy nhất là bút bi, đặt tại Q.6, TP.HCM với vài chục nhân sự và doanh thu vài triệu đồng/tháng. Đến nay, Tập đoàn đã có 6 công ty trực thuộc, hơn 100 nhà phân phối và hơn 40.000 điểm bán sỉ, lẻ văn phòng phẩm trên toàn quốc.

Sức mạnh tri thức

Một cây bút bi bình thường, có khi chỉ 1.000 đồng, một đứa trẻ chưa biết viết cũng dễ dàng sở hữu một chiếc, làm sao có thể nói đến những cụm từ: tập đoàn, thương hiệu mạnh… nghe có vẻ to tát như vậy? Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long, cho rằng, đó là sự ngộ nhận bởi không phải kinh doanh một lĩnh vực nhỏ như văn phòng phẩm mà không có những tư duy tầm cỡ và tham vọng làm thương hiệu vươn ra khu vực.

“Nếu chỉ nói đến một cây bút bi bình thường, người tiêu dùng có thể liên tưởng đến một doanh nghiệp nhỏ, nhưng nếu là cây bút Pilot, Parker, thì đó là những thương hiệu nổi tiếng thế giới, đại diện cho những tập đoàn văn phòng phẩm khổng lồ có doanh thu lên đến hàng tỉ USD”, Tiến sĩ Nghĩa chia sẻ.

Sự thật văn phòng phẩm là một lĩnh vực rất rộng và vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã trở thành đại công xưởng thế giới từ ngành hàng này. Người Việt cũng cần có một thương hiệu Việt. Tại sao thương hiệu Việt không là một trong những lựa chọn cho người Thái, người Nhật, người Mỹ khi mua văn phòng phẩm?

Câu hỏi cũng chính là tham vọng được các nhà đầu tư đặt ra với thương hiệu Thiên Long tại Việt Nam: Trở thành một tập đoàn văn phòng phẩm số 1 tại Việt Nam đồng thời có chỗ đứng nhất định tại thị trường ASEAN, kể cả Trung Quốc từ năm 2012, tại Mỹ năm 2014 và đến năm 2020 sẽ là tập đoàn văn phòng phẩm lớn thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á.

Không chỉ là tham vọng, đó còn là sứ mệnh của một tập đoàn đầu tư và kinh doanh văn phòng phẩm có lịch sử 30 năm tại Việt Nam. Trong câu chuyện với chúng tôi, hơn một lần Tiến sĩ Nghĩa nhấn mạnh đến “sức mạnh tri thức” để thực hiện sứ mệnh này. Ông giải thích khá giản dị: “Trong bất cứ hoạt động nào, tri thức luôn đóng vai trò quyết định sự thành bại. Thiên Long với lịch sử 30 năm, không chỉ tạo ra môi trường tri thức trong công ty mà chuyển thông điệp đó đến người tiêu dùng, cộng đồng xã hội với mong muốn mọi người có thể hưởng thụ thành quả từ sức mạnh tri thức”.

“Sức mạnh tri thức được thể hiện ở chỗ bạn cung cấp được công cụ và tạo môi trường để người ta dùng công cụ đó”, ông chia sẻ thêm.

20% sản phẩm mới ra mắt mỗi năm

Thành quả từ sức mạnh tri thức đó là hơn 20% sản phẩm tung ra mỗi năm của Tập đoàn là sản phẩm nghiên cứu mới từ bộ phận R&D. Tiến sĩ Nghĩa cho biết, mỗi năm, Thiên Long dành ngân sách khoảng 20% trên tổng doanh thu để đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Phòng thí nghiệm của Tập đoàn được trang bị các thiết bị chuyên dùng như máy thử bút nhãn hiệu Hutt của Đức lần đầu có mặt tại Việt Nam, các hệ thống hút và tạo độ ẩm, máy đo độ nhớt, máy đo PH, máy đo độ dẫn diện… đều được áp dụng theo công nghệ xanh.

Đưa chúng tôi tham quan nhà máy rộng 3 ha của Tập đoàn tại Khu Công nghiệp Long Thành, Đồng Nai, Tiến sĩ Nghĩa cho biết, hệ thống sản xuất của nhà máy đang được vận hành theo 5 tiêu chí quản lý quốc tế (ISO) gồm chất lượng, môi trường, sức khỏe, an toàn nghề nghiệp và trách nhiệm với xã hội. Cho dù làm hàng phổ thông giá rẻ hay sản phẩm cao cấp, Thiên Long xác định chất lượng chính là lợi thế cạnh tranh. “Chúng tôi đang sở hữu máy ép nhựa, máy ráp bút được nhập từ các nước có nền công nghệ cao như Đức, Nhật, Hàn Quốc. Những công nghệ hiện đại này sẽ cho ra những sản phẩm chất lượng cao nhất”, Tiến sĩ Nghĩa nói.

Hiện tại, các hệ thống sản xuất hiện đại được đầu tư mạnh tại 2 nhà máy lớn của Thiên Long ở Khu Công nghiệp Tân Tạo (1,6 ha), TP.HCM và gần đây là Khu Công nghiệp Long Thành (3 ha), Đồng Nai được đầu tư hơn 150 tỉ đồng vào năm 2008. Và đây cũng là nơi đang cho ra những sản phẩm thực thi sứ mệnh số 1 của Tập đoàn. Ngoài ra, hơn 100 nhà phân phối và 40.000 điểm bán lẻ sẽ đi tiếp bước thứ 2 trong sứ mệnh này.

Ở thị trường trong nước, sản phẩm văn phòng phẩm của Thiên Long có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại như Metro, Big C, Lotte Mart, Maximark, hệ thống các nhà sách và phân phối trực tiếp đến các doanh nghiệp. Ngoài ra, Thiên Long còn có chuỗi cửa hàng mang thương hiệu FlexOffice chuyên bán lẻ văn phòng phẩm và cung cấp dịch vụ kỹ thuật văn phòng cho toàn quốc.

Riêng về thị trường xuất khẩu, doanh số xuất khẩu của Thiên Long tăng bình quân 50%/năm và chiếm 7% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp. Chỉ riêng trong 3 năm gần đây, từ năm 2008-2010, doanh thu và lợi nhuận của Thiên Long tăng trưởng bình quân 25%/năm.

Trước tình hình kinh tế khó khăn của Việt Nam, kế hoạch kinh doanh của Thiên Long đặt ra trong năm 2011 là 950 tỉ đồng doanh thu thuần và 80 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Trước nghi ngại rằng kinh doanh sản phẩm “nhặt bạc cắc” thì khó phát triển nhanh như một số ngành kinh doanh khác, Tiến sĩ Nghĩa đã thổ lộ triết lý kinh doanh của mình: “Bán một sản phẩm văn phòng, không phải chỉ để thu về bao nhiêu tiền, mà chính là bạn truyền đạt được ý nghĩa và trách nhiệm xã hội của một công dân”.

Nói đi đôi với làm, hằng năm, các chương trình Tư vấn mùa thi, Tiếp sức mùa thi, Cùng bạn đến trường… đều có thương hiệu Thiên Long đồng hành. Tiến sĩ Nghĩa nói tiếp: “Các chương trình này có sức ảnh hưởng lớn đến xã hội”.

Theo Nguyên Nga

Nhipcaudautu

thuthuy

Cùng chuyên mục
XEM