Startup Misfit Wearables và hành trình xuất khẩu trí tuệ Việt
Sau 36 năm rời xa quê hương, nhà sáng lập Misfit Wearables trở về Việt Nam cùng một công ty trị giá triệu đô tạo cơ hội cho các nhân tài đất Việt sáng tạo nên những thiết bị công nghệ đỉnh cao.
Sonny Vũ và cựu CEO Apple - John Sculley sáng lập nên công ty sáng tạo những phụ kiện (wearable) y tế hỗ trợ sức khỏe gắn liền với công nghệ cảm ứng di động (mobile health) - Misfit Wearables, vừa được Fossil mua lại với giá 260 triệu USD.
Xuất khẩu tài sản trí tuệ
Sonny Vũ khởi sự kinh doanh từ khi còn là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại MIT (Massachusetts Institute of Technology) trong lĩnh vực công nghệ về ngôn ngữ.
Công ty thứ hai của ông là AgaMatrix, được thành lập năm 2001, chuyên nghiên cứu, sản xuất thiết bị đo tiểu đường, có trụ sở tại Boston (Mỹ). Sau 2 năm nghiên cứu, công ty đã cho ra đời chiếc máy kiểm soát bệnh tiểu đường có tên là IBG Star, tích hợp với iPhone.
Sản phẩm gây được tiếng vang lớn tại Mỹ, được phân phối bởi Sanofi – Aventis, do Cục Quản lý Dược của Mỹ (FDA) cấp phép lưu hành. Sau 10 năm xây dựng sự nghiệp, Sonny Vũ trao lại quyền điều hành cho nhà đồng sáng lập và tập trung phát triển Misfit Wearables - công ty startup thứ ba của mình.
Misfit Wearables chuyên nghiên cứu những giải pháp chăm sóc sức khỏe trên nền cảm ứng di động. Thế nhưng, công ty công nghệ cao này được xây dựng không phải ở Thung lũng Silicon hay ở một quốc gia giàu có nào khác, mà trụ sở được đặt ngay tại TP.HCM.
Misfit Wearables đi vào hoạt động từ 4/2012, thu hút được 50 nhân sự chất lượng cao và hầu hết là người Việt Nam. Tính đến cuối năm 2015, sẽ có khoảng một nửa trong tổng số 265 nhân viên của Misfit sẽ làm việc tại Việt Nam.
Chọn đặt công ty chuyên nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam là một quyết định “khác người” của Sonny Vũ. Trong khi các công ty công nghệ đều đổ về Thung lũng Silicon – địa chỉ vàng cho các hoạt động nghiên cứu, tìm nhân tài, phát triển sản phẩm, còn những nước đang phát triển như Việt Nam thường chỉ được chọn làm nơi gia công các phần đơn giản, để tiết kiệm chi phí, Sony Vũ đã "đi ngược chiều". Ở Misfit Wearables, những công việc chuyên sâu, nghiên cứu những thuật toán cảm ứng cao cấp cũng như thiết kế phần mềm cho sản phẩm đều được giao cho những người trẻ đam mê, sáng tạo tại Việt Nam.
Sonny Vũ giải thích: “Chúng tôi kỳ vọng khi gắn kết các bạn với môi trường khuyến khích sự sáng tạo của Silicon Valley, các bạn sẽ cho ra đời những sản phẩm ấn tượng”. Theo đó, phần thiết kế công nghiệp và phát triển phần cứng sẽ được thực hiện tại San Francisco và Boston.
Doanh nhân gốc Việt sau 36 năm rời xa quê hương đã quay về thiết kế một con đường mới, mà ông gọi là “xuất khẩu tài sản trí tuệ”. Bởi Misfit không bán bất cứ sản phẩm nào tại Việt Nam. Thậm chí, các ứng dụng và website của Misfit được dịch thành 17 thứ tiếng trong đó có cả Hebrew và Tagalog (loại ngôn ngữ được sử dụng tại Philippines), nhưng hoàn toàn không có tiếng Việt.
Sony Vũ nói: “Nhóm kỹ sư phần mềm tại văn phòng Việt Nam không phải chỉ xây dựng code. Có nhiều sản phẩm hoàn chỉnh được thực hiện toàn bộ tại Việt Nam. Một trong số đó là ứng dụng mới nhất Link App. Ứng dụng này không được sử dụng tại Việt Nam nhưng toàn bộ kỹ thuật đã được hoàn thiện tại đây”.
Giải thích về những điều kỳ lạ này, Soony Vũ cho biết, Việt Nam là thị trường quá nhỏ và không nhiều người yêu thích các sản phẩm của Misfit. Vóc dáng người Việt khá ổn và chỉ những vị khách tại phương Tây mới cần lấy lại vóc dáng chuẩn. Do đó, Việt Nam không phải thị trường của Misfit hiện nay. Thế nhưng, Misfit chọn Việt Nam vì giá nhân công rẻ, cũng như mang đến cơ hội phát triển cho những tài năng công nghệ - vốn là thế mạnh tại Việt Nam nhưng chưa được khai thác hết.
Sản phẩm đeo tay thông minh của Misfit Thu hút nhân tài bằng sự tử tế
Công việc R&D đòi hỏi người làm phải có nền tảng kỹ thuật vững chắc, có khả năng sáng tạo, bản lĩnh và khả năng giải quyết những vấn đề hoàn toàn mới mẻ, chưa có tiền lệ. Vì thế, việc tìm nhân tài tại thị trường Việt Nam, vốn còn khá xa lạ với R&D, là một thách thức.
“Thế nhưng tôi cũng nhìn thấy tiềm năng phát triển của người trẻ Việt”, Sonny Vũ nói. Ông cho rằng người Việt Nam luôn đề cao việc học và hệ thống giáo dục chú trọng vào Toán cũng như các môn khoa học tự nhiên, nhiều người trẻ Việt Nam rất giỏi toán và có sẵn lợi thế trong khả năng tư duy trong lĩnh vực công nghệ và khoa học. Đó là những nền tảng rất tốt để kết nối được năng lực của họ với thị trường sản phẩm công nghệ.
Đồng thời, “tôi cũng hy vọng những bạn trẻ đang làm việc cho Misfit cũng sẽ thu thập được những kiến thức, kỹ năng để sáng lập nhiều công ty công nghệ khác, tạo nên môi trường công nghệ phong phú để phát triển các tài năng công nghệ, vốn là một thế mạnh của Việt Nam”, nhà sáng lập Misfit chia sẻ.
Nguyên tắc tuyển dụng của Misfit là "chọn những nhân viên xuất sắc nhất với mức giá tốt nhất” (the best talent at the best price). “Một người bạn của tôi đã nói, tôi không thể tuyển một nhân viên tài năng nhất vì tôi không đủ tiền trả cho họ. Điều tôi có thể làm tìm kiếm một người tốt nhất với mức giá tốt nhất”, Sonny Vũ kể lại.
Đó là lý do Misfit chọn Việt Nam, nơi mà công ty có thể tìm được nhân công giá rẻ. Tại đây, những người trẻ Việt Nam có óc sáng tạo và sự khéo léo và khi được giao dự án với yêu cầu hãy khiến nó trở nên hoàn hảo hơn, mọi người sẽ đón nhận nó như một thử thách. “Việc này giống như bạn cho họ cơ hội thể hiện sức sáng tạo và năng suất lao động để tạo ra những sản phẩm tuyệt vời”, Sonny Vũ giải thích.
Tháng 11/2015, Misfit đã được chào mua bởi Tập đoàn Fossil với giá 260 triệu USD. Kể từ khi ra đời, Misfit đã gây được ấn tượng với những thiết bị thông minh có thể đeo, có kiểu dáng đẹp, màn hình hoạt động không tốn năng lượng - như Shine 2, có thời gian hoạt động kéo dài đến sáu tháng với pin đồng xu, và một số sản phẩm cho nhà thông minh (Smarthome) như màn ngủ và bóng đèn thông minh.
Sau khi sáp nhập, Sonny Vũ sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch kiêm Giám đốc kỹ thuật của Fossil về mảng sản xuất đồng hồ cho các thương hiệu như Adidas, Emporio Armani, Michael Kors, Burberry, và DKNY.
Đây được coi là một bước tiến quan trọng của Misfit, bởi Fossil là một tên tuổi lớn với 50 triệu đồng hồ được bán ra hàng năm.
Nhờ sự trợ lực từ thương hiệu nổi tiếng này, Misfit đã có một thế cân bằng hơn trên thị trường thiết bị đeo tay thông minh so với các ông lớn như Nike hay Fitbit – vốn là những “thành trì” mà công ty khó vượt qua trong suốt thời gian qua.