"Sếp bà" Viễn Thông A: Điều hành như làm thuê, quyết định như làm chủ
06/03/2013 11:06 AM
|
Hoàng Ngọc Vy đã bước ra khỏi cái bóng của chồng, chứng tỏ khả năng điều hành của mình với thị trường bằng cách đưa doanh nghiệp này ngày càng phát triển.
Xóa tan những nghi ngại khi từ cô thư ký trở thành tổng giám đốc chuỗi siêu thị bán lẻ thiết bị di động Viễn Thông A, Hoàng Ngọc Vy đã bước ra khỏi cái bóng của chồng, chứng tỏ khả năng điều hành của mình với thị trường bằng cách đưa doanh nghiệp này ngày càng phát triển.
Đã có thời, Hoàng Ngọc Vy, Tổng giám đốc Viễn Thông A, mơ làm nghệ sĩ dương cầm. Nuôi dưỡng đam mê đó cho đến khi bà nhận ra mình quá tỉnh táo để trở thành một nghệ sĩ và bà quyết tâm dành năng lượng cho việc kinh doanh.
Chuyển đổi mục đích sống khi đã trưởng thành, Hoàng Ngọc Vy không có nhiều thời gian để trải nghiệm... Nhưng với hơn 100 trung tâm bán lẻ trên cả nước của Viễn Thông A hiện nay, có một phần rất lớn từ bàn tay xây dựng của người "nghệ sĩ hụt" ấy.
Đi trước một bước
* Chìa khóa nào giúp bà tự tin đảm nhận điều hành cả một hệ thống bán lẻ mà trước đó mình chỉ là một thư ký?
- Tôi chấp nhận bước vào việc điều hành dù biết có nhiều người nghi ngại khả năng của mình là vì tôi cảm nhận được giá trị trong hoạt động của Viễn Thông A. Viễn Thông A muốn mình là "sự lựa chọn tốt nhất" của khách hàng và nhân viên.
Với Viễn Thông A, tôi như người vợ thảo muốn dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho chồng con và tôi đã điều hành hệ thống đúng với tiêu chí này.
Sự lựa chọn tốt nhất của khách hàng là sản phẩm mới, giá cả cạnh tranh, là những ưu đãi và chăm sóc hậu mãi... Với nhân viên, sự lựa chọn chính là một môi trường làm việc và chính sách đãi ngộ tốt...
Những giá trị này không thiên về mặt kinh doanh mà hướng đến con người, thiên về giá trị tinh thần nhiều hơn vật chất, nhờ vậy mà Viễn Thông A khác biệt và có lượng khách hàng của riêng mình.
Đôi khi, tôi nghĩ, chính nhờ có đam mê nghệ thuật mà tôi có thể cân bằng tốt hơn, hóa giải được những căng thẳng thường gặp trên thương trường.
* Nhưng kinh doanh, người ta cần con số cụ thể, thưa bà?
- Tôi chưa bao giờ quên các con số nhưng luôn cố gắng không để con số dẫn đường mình. Để tạo được các giá trị tinh thần cho Viễn Thông A hoàn toàn không đơn giản.
Ví dụ, để có được sự hài lòng của khách hàng, Viễn Thông A có chính sách cụ thể trong việc mở trung tâm bảo hành. Cửa hàng đi đến đâu, trung tâm bảo hành đi đến đấy.
Hiện chúng tôi có 30 điểm bảo hành trên toàn quốc và là đơn vị bán lẻ có nhiều trung tâm bảo hành nhất hiện nay. Đến cả nhà sản xuất cũng không có nhiều điểm bảo hành như vậy.
Chi phí bỏ ra cho chính sách này không nhỏ và mất nhiều công sức bởi mỗi hãng sản xuất đều có chính sách bảo hành khác nhau. Dung hòa được tất cả các chính sách trong một trung tâm bảo hành phải mất thời gian thuyết phục, làm việc... với các hãng.
Mất công, mất sức xây dựng nhưng khi đón nhận con số tăng trưởng hằng năm, tôi hoàn toàn hài lòng vào chiến lược lấy giá trị tinh thần làm nền tảng của Viện Thông A. Tôi kinh doanh như chính con người mình,: tình cảm, mềm mỏng nhưng hết sức quyết liệt.
* Sự quyết liệt ấy đã được thể hiện như thế nào?
- Chỉ trong năm 2012, Viễn Thông A đưa 36 trung tâm smartphone vào hoạt động. Đó là một sự quyết liệt dấn thân khi chúng tôi nhận ra xu hướng tiêu dùng.
Chiến lược nhân rộng trung tâm smartphone trên toàn quốc đã đem lại cho Viễn Thông A những thành công nhất định về mặt hình ảnh lẫn doanh thu. Lượng khách hàng tăng gấp đôi, gấp ba so với trước khi chuyển đổi mô hình thành các trung tâm smartphone.
Hiện tại smartphone đang tăng và chiếm 75% giá trị doanh thu của toàn hệ thống. Chúng tôi tăng được doanh thu 10% trong bối cảnh cạnh tranh gắt gao của ngành bán lẻ thiết bị di động một phần cũng nhờ vào chính sách này.
* Trong năm tới, liệu chiến lược này có còn thích hợp với thị trường?
- Năm 2013 và năm 2014, theo đánh giá của cá nhân tôi thì thị trường sẽ vẫn tiếp tục theo xu hướng smartphone, các hãng sản xuất không ngừng cải tiến và cho ra đời những siêu phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Điển hình trong quý I năm 2013 sẽ có thêm các smartphone đình dám như: Galaxy S4, Sony Xperia Z, HTC Tiara...
Các thương hiệu khác cũng đang chú trọng vào đối tượng này. Đi trước một bước và đi quyết liệt như thế nên Viễn Thông A có lợi thế nhất định.
Chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình smartphone và dự kiến trong năm 2013, Viễn Thông A sẽ có 100 trung tâm smartphone trên toàn quốc.
Chiến lược bền vững
Trước khi gây bất ngờ với chiến lược phát triển trung tâm smartphone, Viễn Thông A là đơn vị kinh doanh thiết bị số đầu tiên liên kết với các chuỗi siêu thị, mở cửa hàng bên trong siêu thị để mang sản phẩm đến gần người dùng.
Hoàng Ngọc Vy cho biết, hình thức "shop in shop" này là "của hồi môn" bà kế thừa được từ những người tiền nhiệm rồi phát triển nó ngày một mạnh hơn.
Tuy nhiên, để có thể co-branding lẫn co-location với siêu thị là không đơn giản bởi hai mô hình và cách quản lý khác nhau. Để đạt được thỏa thuận, rất cần sự mềm mỏng của người phụ nữ.
* Đến bây giờ thì bà đã thực sự hài lòng với hình hài Viễn Thông A mà bà đã xây dựng sau ngày tiếp quản?
- Bỏ qua yếu tố khó khăn chung của thị trường làm cho Viễn Thông A chưa phát triển đúng với kỳ vọng, tôi vẫn muốn Viễn Thông A có thể tạo ra nhiều giá trị hơn hiện tại.
Tuy nhiên, mong muốn này vẫn ở trong quan niệm phát triển chung, nghĩa là, chúng tôi sẽ phát triển Viễn Thông A theo tiêu chí bền vững, chậm mà chắc. Chúng tôi không nóng vội và không việc gì phải nóng vội.
* Nhưng, thị trường bán lẻ thiết bị điện tử hiện nay cạnh tranh quá khốc liệt, chậm đồng nghĩa với thua?
- Chữ "khốc liệt" chỉ đúng khi nói về cạnh tranh giá bán giữa các doanh nghiệp. Chính vì cạnh tranh bằng giá, không bằng nền tảng cốt lõi như hiện nay mà dù thị trường có doanh số tốt, nhu cầu cao nhưng lợi nhuận lại không được bao nhiêu.
Tôi nghĩ, thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi. Thị trường bán lẻ thiết bị di động năm 2013 sẽ không có tăng trưởng nhiều. Do vậy, cạnh tranh cũng sẽ phải bằng thực lực chứ không bằng giá bán.
Chúng ta quan sát sẽ thấy thị trường bán lẻ Việt Nam bắt chước rất nhanh. Hôm nay rộ lên mô hình này, ngày mai đã phổ biến khắp nơi... nhưng rồi cũng chóng tàn để bắt đầu cho một chu kỳ bắt chước mới.
Nói điều này để thấy, xây dựng nên một chuỗi cửa hàng bán lẻ không đơn giản là mạnh về tài chính mà còn phải có kinh nghiệm quản lý, có sự cam kết và hỗ trợ từ nhà sản xuất, nhất là phải theo được tốc độ phát triển... thì doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững được. Bằng chứng là đã có vài thương hiệu mới, nhiều tiềm lực nhưng vẫn thất bại.
* Vậy bà nhận định thế nào về khả năng phát triển của các cửa hàng phân phối hàng "xách tay"?
- Gọi chính xác thì đó là hàng lậu. Năm 2012, chính sách nhập khẩu có những thay đổi, tạo điều kiện cho hàng xách tay bán tốt. Tuy nhiên, những đơn vị này cũng chỉ cạnh tranh được bằng sản phẩm của Apple. Thị trường smartphone còn bao gồm nhiều đơn vị khác.
* Theo bà, iPhone chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm trên thị trường smartphone?
- Tham gia một bàn tiệc, cứ thử mời mọi người đặt điện thoại lên bàn, sẽ thấy trong phân khúc smartphone, iPhone được người dùng Việt Nam ưa chuộng. Tuy nhiên, tùy từng thời điểm mà tỉ lệ thay đổi quanh mức 15% đến 20%. Giai đoạn đỉnh điểm, như thời của iPhone 4 chẳng hạn, con số này lên đến khoảng 25%.
Thẳng thắn và tự tin
Gặp Hoàng Ngọc Vy với vẻ ngoài thon gọn và lúc nào cũng chỉn chu dễ khiến người ta nghĩ đến việc luyện tập thường xuyên và dày công làm đẹp. Thế nên, nhiều người đã bất ngờ khi được biết thời gian làm đẹp nhiều nhất của bà là khoảng 1 giờ để... đến tiệm gội đầu.
* Với chức danh hiện tại, theo bà, mình đang làm thuê hay làm chủ Viễn Thông A?
- Tôi luôn điều hành như người làm thuê để có những chính sách tốt nhất cho nhân viên. Khi ra quyết định, tôi sẽ là người làm chủ. Bởi, chỉ khi quyết định những thứ thuộc về mình, mình mới có trách nhiệm và có độ cân nhắc cao nhất.
* Vậy khi xong việc của ngày, bà chọn về nhà với chồng con hay ở lại làm thêm chút nữa để ngày mai có thể có những quyết định tốt hơn?
- Xong việc, tôi về nhà ngay vì ở đó có những người thân yêu đang đợi. Như đã nói, tôi có khả năng cân bằng rất tốt nên khi vào việc là quên hết chuyện gia đình nhưng khi đã hoàn thành vai trò của mình, tôi lại muốn làm mẹ, làm vợ... Tôi nghĩ, ở đâu cũng có thể tư duy và sáng tạo cả.
* Nghĩa là bà vẫn mang công việc về nhà?
- Thỉnh thoảng cũng như thế. Có khi tôi mải nghĩ về công việc mà quên mất mình đang chơi với con. Thế là cười xòa và xin lỗi con.
* Vừa lao động như một người đàn ông, vừa đảm đương thêm vai trò tề gia nội trợ, phụ nữ hiện đại thiệt thòi nhiều, bà có nghĩ vậy?
- Trong bối cạnh hiện nay thì tôi nghĩ không còn sự bất công như thế nếu biết đề cao sự chia sẻ. Ngày trước, tôi vẫn nghe các cô gái trầm trồ khi thấy chồng Tây giúp vợ làm việc nhà, nhưng ngày nay thì họ không còn suýt xoa vì điều đó nữa.
Nếu biết "nhờ vả”, biết giao việc cho chồng thì tôi nghĩ, các đấng phu quân cũng sẽ sẵn lòng chia sẻ công việc với vợ thôi. Nam hay nữ thì cũng bận rộn với công việc của mình.
* Có bao giờ bà tranh cãi với chồng về chuyện giáo dục con?
- Rất mừng là tôi với chồng thường đồng quan điểm, cả về kinh doanh lẫn gia đình. Việc giáo dục con cũng không ngoại lệ. Các con tôi đang còn nhỏ nên tôi và ông xã cũng chưa có tranh luận về tương lai của con.
* Đã quen với việc điều hành hàng nghìn con người, chắc bà cũng khó mềm mỏng với con cái?
- Nhân viên là cả một tập thể nên tôi điều hành dựa trên các nguyên tắc. Với con cái, tôi cũng thế. Chúng tôi thống nhất các quy định với nhau rồi cùng thực hiện. Tôi "dân chủ” lắm, luôn cho phép con làm việc chúng thích để có thể phát triển đúng với bản thân nhưng không được va chạm các điều khoản đã thống nhất với nhau.
* Lời khuyên mà bà thường nhắc đi nhắc lại với con mình?
- Phải thẳng thắn và tự tin. Đây là hai tính cách quan trọng nhất của một con người. Thẳng thắn thì được người khác tôn trọng và tự tin sẽ làm được những điều mình muốn.
* Xin cảm ơn bà về những trao đổi này!
Phương Quyên thực hiện
Doanh nhân Sài Gòn