Sam Walton và cảm giác khi trở thành người giàu có nhất nước Mỹ
Dù có hay không là tỷ phú thì Sam Walton vẫn giữ đúng bản chất lập dị thiên tài của ông. Giản dị trong đời sống, tối giản ở cách ăn mặc, cởi mở với mọi người và tiết kiệm đến từng đồng.
Nội dung nổi bật:
- Khi có quá nhiều tiền, con người thường có xu hướng muốn sống khác đi. Nhưng với cha đẻ của Wal-Mart, tiền không có quá nhiều ý nghĩa với ông. Sam Walton vẫn giữ thói quen và tính cách lập dị của mình.
- Vì thế, cảm giác khi trở thành tỷ phú và được nổi tiếng là ông sẽ còn bận rộn hơn trước.
- Ngoài ra, động lực để thúc đẩy ông chưa bao giờ là tiền. Mà chính là khao khát chinh phục đỉnh cao sự nghiệp bán lẻ.
Sự nổi tiếng luôn có cái giá của nó. Sam Walton đã nghĩ như vậy và bài học từ điều này đến vào tháng 10/1985 khi tạp chí Forbes xếp ông là người giàu nhất nước Mỹ. Trái ngược với điều mà mọi người thường nghĩ về cảnh tượng của một tỷ phú như trên màn ảnh nhỏ.
Rằng ông ta đang ngụp lặn trong một bể toàn tiền và miệng đang châm một điếu xì gà to tướng bắng tờ 100 đô la trong lúc các cô gái xinh đẹp, gợi tình đang nhảy múa xung quanh ông.
Nếu tưởng tượng như vậy thì sẽ có bất ngờ thú vị khi thấy tỷ phú Sam Walton ngoài đời thực. Walton lái một chiếc xe tải nhỏ cũ kỷ có những chiếc cũi đằng sau dành cho những chú chó săn chim. Ông thường mặc một chiếc áo thun hoặc một bộ vest đã cũ cùng với chiếc mũ luôn ở trên đầu. Tất cả đều lấy từ cửa hàng giảm giá Wal-Mart.
Hàng ngàn lá thư trên khắp đất nước tràn vào nhà ông như một trận lũ khi danh tính của Walton được biết đến là người giàu có nhất nước Mỹ. Hầu hết đều là những người mà ông không hề biết. Thậm chí là cả những cuộc điện thoại liên tục không ngớt. Tất cả đều có chung mục đích là muốn ông chia sẽ sự giàu có với họ.
Nhiều người trong số này còn đưa ra những lý do rất chính đáng. Như một bức thư từ một người phụ nữ nói rằng: “Tôi không bao giờ có thể mua nổi một căn nhà trị giá 100.000 đô la mà tôi mong ước. Ông có thể cho tôi số tiền đó được không?”.
Ngay cả khi đã có người giàu hơn ông, thì cũng không ngăn được những điều tương tự, viết thư hoặc gọi điện xin một chiếc xe hơi, tiền để nghỉ mát hay xin tiền để đi chữa răng. Tóm lại là bất cứ điều gì mà con người có thể nghĩ ra trong đầu. Vậy đấy, cảm giác đầu tiên khi Walton trở thành tỷ phú là ông sẽ còn bận rộn hơn trước.
Khi thấy một đồng xu nằm trên phố, tỷ phú Sam Walton sẽ cuối xuống nhặt.
Khi thị trường chứng khoán sụp đổ năm 1987, cổ phiếu của Wal-Mart cũng rớt giá như các cổ phiếu khác trên thị trường, giới tài chính Phố Wall tính toán rằng tài sản của Sam Walton đã bị lỗ nửa tỷ đô la. Khi được trực tiếp hỏi về điều đó, ông nói: “Đó chỉ là giấy mà thôi” và mọi người đã rất thích thú với câu trả lời của Walton.
Cho dù đã là tỷ phú thì quan niệm về tiền bạc của Walton cũng không thay đổi như hồi bé là bao. Thuở nhỏ, vấn đề tài chính của ông và cũng giống như bất kỳ một gia đình bình thường nào khác ở Mỹ đều là do cá nhân mỗi người tự lo.
Quan điểm về tiền bạc của ông nảy sinh từ thời gian lớn lên cùng với thời kỳ cực khổ nhất trong lịch sử tài chính thế giới: cuộc đại khủng hoảng 1929. Vào mỗi bữa sáng, ông phải thức dậy sớm và vắt sữa bò, đóng chai rồi mang đi bán để phụ giúp gia đình.
Ông cũng bắt đầu đi bán báo, và công việc này đã đi cùng ông cho tới khi vào đại học. Bên cạnh đó, ông cũng từng kiếm tiền bằng việc nuôi và bán thỏ hay chim bồ câu. Đây là những việc bình thường với những đứa trẻ nông thôn thời kỳ đó.
Vì vậy, trải nghiệm đó đã giúp Walton khám phá một điều quan trọng đối với những đứa trẻ trên khắp thế giới như ông là phải hỗ trợ gia đình, trở thành người đóng góp cho gia đình chứ không nên sống dựa vào gia đình.
Ngoài ra, quá trình lao động từ bé cũng giúp ông hiểu ra rằng cần phải làm việc chăm chỉ như thê nào để có được một đồng đô la. Từ đây, ông đã nhận thức đầy đủ giá trị của đồng tiền. Và khi bạn lao động thì hiển nhiên bạn xứng đáng được hưởng một cái gì đó. Do vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì quan điểm của Walton trong vấn đề tiền bạc đều rất chặt chẽ.
“Khi hiểu được giá trị của đồng tiền, thì ngoài chất lượng và dịch vụ, Wal-Mart phải có trách nhiệm tiết kiệm tiền cho khách hàng. Mỗi khi chi tiêu một đồng đô la không xứng đáng, thì đó chính là số tiền lấy ra từ túi của khách hàng. Sự tiết kiệm sẽ mang lại giá trị cho các thượng đế của Wal-Mart”, phương châm của Sam Walton.
Vì thế Bud Walton, em trai của ông nhận xét quan điểm về tiền bạc của Sam Walton và Wal-Mart là một thể thống nhất. “Mọi người không hiểu tại sao chúng tôi vẫn bảo thủ với quan điểm này. Hầu hết mọi người đều lạ khi thấy Sam là một nhà tỷ phú mà lại đi lái một chiếc xe tải cũ kỹ hoặc mua quần áo tại các cửa hàng Wal-Mart và thường từ chối vé máy bay hạng nhất. Đó là cách mà chúng tôi được giáo dục từ bé. Khi một đồng xu nằm trên phố, bao nhiêu người sẽ đi tới và nhặt nó lên? Tôi sẽ làm điều đó và cả anh trai tôi cũng như vậy”, Bud Walton nói.
Vậy đấy, tiền đối với ông mang ý nghĩa thực tế nhưng nó không phải là mục tiêu của cuộc đời. Thậm chí, tiền không bao giờ là điều quan trọng với Walton và nó còn không có nghĩa là sự giàu có. Nếu ông có đủ thực phẩm, có một căn nhà, cùng với nhiều phòng để nuôi những chú chó và các phương tiện để cho con cái được giáo dục tốt thì đó chính là sự giàu có.
“Tôi biết Sam kể từ khi ông mở cửa hàng Wal-Mart đầu tiên tại Newport, Arkansas và tôi tin rằng trên một số phương diện, tiền gần như không quan trọng đối với ông. Động cơ thúc đẩy ông chưa bao giờ là tiền. Mà đó chính là khát vọng đứng trên đỉnh cao. Ông là người rất có tham vọng”, Charlie Baum đối tác của Wal-Mart nói.